Những ngày gần đây, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang ghi nhận liên tiếp các ca bệnh bị sốt, chẩn đoán mắc Whitmore, trong đó có hai ca nặng, chỉ trong vòng một tuần qua.
Ghi nhận các ca bệnh Whitemore
Trong vài ngày qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang đã tiếp nhận những bệnh nhân sốt trong thời gian dài, sốt cao, rét run. Bệnh viện đã xét nghiệm sàng lọc để loại trừ khả năng sốt do Covid-19, sau đó thăm khám cho người bệnh như chụp phổi, siêu âm. Kết quả cấy máu cho thấy các người bệnh nhiễm vi khuẩn B.pseudomallei gây bệnh Whitmore.
Điển hình, ngày 23/9, qua xét nghiệm vi sinh, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã chẩn đoán bệnh nhân Nguyễn Văn Đ., 50 tuổi, ở xã Liên Chung (Tân Yên) nhiễm Whitmore. Ông Đ. nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn huyết, tăng lượng đường trong máu.
Theo các bác sĩ, số lượng ca Whitmore nhập viện tăng cao đột ngột trong tuần vừa qua. Trong khi đó, từ tháng một đến tháng 8 năm nay, bệnh viện chỉ ghi nhận một ca Whitmore. Hiện chưa rõ nguyên nhân số lượng người bệnh tăng đột ngột.
Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm
Whitmore còn gọi bệnh Melioidosis, là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm. Vi khuẩn gây bệnh sống trong đất. Đường lây nhiễm chính là các vết trầy xước trên da tiếp xúc đất hoặc nước có vi khuẩn, hoặc qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn.
Hầu hết bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, không rõ ràng, tổn thương đa cơ quan. Bệnh được chia làm 3 thể chủ yếu: thể tối cấp, cấp tính hoặc mạn tính. Mỗi thể bệnh có các triệu chứng lâm sàng khác nhau và dễ bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác như: bệnh lao, viêm phổi thông thường.
Người mắc bệnh thường có dấu hiệu đặc trưng: sốt cao, đau dạ dày, đau ngực, viêm mang tai (rất giống với quai bị), đau cơ khớp, đau đầu và co giật. Tùy theo từng vị trí mà bệnh có những triệu chứng khác nhau. Thời gian ủ bệnh từ một đến 21 ngày, trung bình 9 ngày.
Các triệu chứng thường xuất hiện hai đến bốn tuần sau khi tiếp xúc vi khuẩn. Đặc biệt, đối với thể tối cấp, bệnh nhân có thể tử vong nhanh (chỉ sau khoảng 48 giờ), điều may mắn là thể bệnh này rất ít xuất hiện.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, bản chất của vi khuẩn này tuy không tạo thành dịch bệnh nhưng có thể gây ra các biến chứng nặng nề như nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn, tổn thương phổi (áp xe phổi hoặc tràn dịch màng phổi).
Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kháng sinh theo đúng phác đồ khuyến cáo, viêm phổi do vi khuẩn “ăn thịt người” tiến triển rất nhanh, có thể dẫn đến suy hô hấp cấp và tử vong. Tỷ lệ tử vong của bệnh lên tới 50-60%.
Nguy hiểm hơn, bệnh thường khó phát hiện, vi khuẩn này lại kháng nhiều loại kháng sinh, quá trình điều trị cũng hết sức khó khăn vì phải dùng liều kháng sinh cao kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 - 6 tháng nữa mới phòng được tái phát.
Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, gây suy kiệt sức khỏe. Đồng thời, chi phí điều trị cũng khá lớn bởi các bệnh nhân phải dùng các loại kháng sinh đắt tiền và phải dùng dài ngày.
Cách phòng tránh bệnh Whitmore
Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên chủ động chống bệnh Whitmore bằng cách ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, ở những nơi ô nhiễm nặng, khi cần tiếp xúc cần sử dụng đồ bảo hộ ví dụ găng tay, ủng... Không nên tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.
Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng, cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc, hãy sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, suy giảm miễn dịch... cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh, cần vào viện để khám, điều trị kịp thời.