Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa giao một số đơn vị nghiên cứu, đề xuất giải pháp để sau năm 2025 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ vành đai 3, đường Trường Sa, Hoàng Sa, quốc lộ 5 trở vào trung tâm thành phố. Đây được xem là “nhiệm vụ bất khả thi” khi năm 2022 đã cận kề và năng lực vận tải công cộng của Hà Nội còn hạn chế.
Nếu theo yêu cầu của TP Hà Nội, từ nay đến khi thực hiện quyết tâm cấm xe máy hoạt động chỉ còn 4 năm, trong khi còn khá nhiều vướng mắc gần như chưa có lời giải. Đơn cử điển hình chính là bài toán phương tiện vận tải công cộng còn rất xa mới có thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Vậy người dân di chuyển bằng gì?
Chưa cần nói đến ô tô, xe máy, chỉ riêng lượng người tại các khu chung cư với những tòa nhà cao chọc trời đổ ra ngoài đường tại một thời điểm thôi cũng đã gây nên ùn tắc cục bộ, nói gì đến các phương tiện giao thông. Rất có thể quá tải hạ tầng giao thông Hà Nội là do lỗi quy hoạch, phát triển đô thị.
Cứ mỗi mảnh “đất vàng” được UBND TP Hà Nội “gật đầu” cho phép xây chung cư, khu đô thị chính là đang “nhồi” thêm một “huyện” người vào trung tâm thành phố. Hiện tượng quá tải hạ tầng giao thông có từ cách đây nhiều năm, nhưng các khu chung cư cao tầng vẫn được phê duyệt.
Bao nhiêu năm qua kế hoạch di dời các nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện... hầu như chỉ nằm trên giấy, lác đác thực hiện được vài nơi. Song, ngay khi “giải tán” được các nhà máy, xí nghiệp đi chỗ khác, thì lập tức chỗ đó lại mọc lên chung cư cao tầng hoặc cả một khu đô thị “sầm uất”. Khu đô thị thế chỗ nhà máy cơ khí chính xác là ví dụ điển hình.
Hay như khuôn viên Nhà máy Dệt 8-3 cũ hiện là khu đô thị với vài vạn dân. Nhà máy cơ khí 120 ở phố Trương Định đã “biến” thành Nam Đô Complex với hai tòa chung cư chót vót và một tòa nhà hỗn hợp 14 tầng. Tổ hợp chung cư cao cấp, văn phòng Tràng An Complex ở phố Phùng Chí Kiên vốn là đất nhà máy Bánh kẹo Tràng An...
Điểm qua như vậy để thấy rằng, phải xác định được cái “gốc” của vấn nạn quá tải hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố thì mới có cách “chữa trị” triệt để. Nếu chỉ “chữa ngọn”, cho dù có xoay xỏa cỡ nào thì e rằng còn rất lâu nữa bộ mặt giao thông Thủ đô cũng khó có thể hết ùn tắc.
Vậy nên, dù Hà Nội có thu phí giá cao đối với ô tô, “cấm tiệt” xe máy hoạt động, thì với mật độ dân số như hiện nay cũng không thể giải quyết triệt để vấn nạn ùn tắc giao thông. Giải pháp căn cơ là phải củng cố, tăng cường hạ tầng giao thông (cả tĩnh và động), chứ không phải nay nghĩ ra cách này, mai nghĩ ra cách khác chữa cháy một cách chắp vá.
Từng có thông tin cho rằng, sau khi các nhà máy, xí nghiệp di dời, quỹ đất sẽ được ưu tiên xây dựng các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, trường học... Song, đến nay đã có ai thấy được công trình phúc lợi công cộng trên phần đất đã di dời nhà máy, xí nghiệp hay chưa?
Các chung cư cao tầng, khu đô thị với hàng vạn dân vẫn mọc lên trong nội đô, trong khi lại cấm người dân đi xe máy để khỏi ùn tắc? Đâu phải ai cũng có tiền mua ô tô với đồng lương “ba cọc ba đồng” theo ngạch bậc hiện nay. Nếu không mua được ô tô, lại bị cấm đi xe máy, không lẽ bắt người dân “cuốc” bộ đi làm, bởi phương tiện vận tải công cộng chỉ đáp ứng được chưa tới 1/3 nhu cầu? Dư luận xã hội chờ câu trả lời của lãnh đạo thành phố.