Gần 30 năm gắn bó với nhiếp ảnh, từng là phóng viên, Lưu Quang Phổ đã sở hữu kho tư liệu cá nhân lớn về hoàn cảnh xã hội, diễn biến lịch sử, cuộc sống và biến đổi tinh thần lẫn vật chất của người dân trên khắp mọi miền đất nước từ những năm cuối thập kỷ 80 tới nay. Anh chia sẻ về con đường đã lựa chọn...
Nhiếp ảnh gia - nhà báo Lưu Quang Phổ.
- Cám ơn chị đã dành cho cuộc nói chuyện này. Tôi không nghĩ mình là một nghệ sĩ nhiếp ảnh dù cũng có một số giải thưởng. Chụp ảnh với tôi đơn giản là một công việc yêu thích. Tuy nhiên, tôi từng có gần 10 năm làm phóng viên ảnh. Ảnh của tôi chủ yếu phục vụ các bài báo, một số được sử dụng như những câu chuyện bằng hình ảnh mà mọi người thường gọi là phóng sự ảnh. Gần đây nhiều người đang biết tôi là một người chụp ảnh “cúng” Facebook nhiều hơn là một nhà nhiếp ảnh nghiêm túc (cười).
Dù sao, thời gian dài lang thang mọi nơi chốn cùng với máy ảnh luôn có những trải nghiệm sâu sắc. Những kỷ niệm làm nghề nào mà anh nhớ?
- Tôi nhớ hai chuyện. Một là chuyến đi Trường Sa đầu tiên năm 1996. Khi đó tôi mang theo khoảng 20 cuốn phim. Khi đến các đảo, anh em xin chụp kỷ niệm và tôi đã chụp cho họ khá nhiều. Lúc trở về đến thành phố Nha Trang, tôi đã dùng số tiền công tác phí, khoảng hơn 300 nghìn khi ấy, để phóng ảnh và gửi ra đảo Trường Sa Lớn, nhờ đảo trưởng là thiếu tá Trần Đình Tạc chuyển cho bộ đội. Sau đó nhiều năm, cứ mỗi giao thừa anh Tạc lại gọi điện thoại từ Trường Sa qua mạng Vietsat về nhà tôi để chúc mừng năm mới, rất xúc động. Chuyện thứ 2 là vào năm 2003, cơ quan tôi mua một chiếc máy Canon EOS10D, riêng cái thân đã 1.800 USD và giao cho tôi sử dụng. Việc đầu tiên, tôi đi chụp cuộc giao lưu của báo với các đồng nghiệp Lào. Các phóng viên Lào khi ấy chỉ có cái máy ảnh số bé tí và nhìn cái máy của tôi đầy ngưỡng mộ, tôi cũng rất tự hào. Nhưng sau sự kiện, tôi tá hỏa vì cái máy ảnh của mình đã không được lắp… thẻ nhớ. Lại phải gãi đầu gãi tai xin ảnh các bạn Lào về nộp cho cơ quan. Chuyện đã 16 năm nhưng giờ nghĩ lại vẫn thấy đắng lòng.
Chặng đường đầu chụp ảnh phóng sự của anh như thế nào?
- Tôi yêu nhiếp ảnh, và đọc nhiều tài liệu về nhiếp ảnh. Với tôi, nhiếp ảnh là khoảnh khắc, không có dàn dựng, chắp ghép và tôi đã cố gắng hết sức chụp như vậy. Vào những năm 1990, báo chí Việt Nam chưa dùng nhiều phóng sự ảnh, chỉ có mấy tờ như Lao động, Tuổi trẻ, Thanh niên… và tôi bắt đầu chụp bằng những bộ ảnh về cuộc sống, sinh hoạt của người dân khu vực đồng bằng sông Hồng. Khi đó ảnh phim làm xong thì bày đầy ra giường, rồi chọn từng tấm, xếp theo thứ tự, rồi cắt bớt từng tấm cho đỡ rác, rồi viết bài ra một tờ A4, đánh số ảnh, và gửi chuyển phát nhanh. Chi phí cho một bộ ảnh khi đó khá lớn, nhưng thù lao cũng rất cao, khoảng 500.000 – 700.000 đồng, nói chung sống được. Từ khoảng năm 2000, khi đã có máy ảnh số và internet thì mọi việc mới đơn giản như bây giờ.
Thời kỳ đó, máy ảnh anh sử dụng là loại gì? Anh làm thế nào để chụp được những khung hình mang tính xã hội thời sự nhất?
- Tôi bắt đầu chụp ảnh năm 1988, nhưng đến năm 1991 mới có một chiếc máy ảnh của Đức hiệu Praktica. Khi đó đã có phim màu và hiệu lab nhưng tôi vẫn khoái làm ảnh đen trắng vì báo khi đó đa số in đen trắng. Những bức ảnh đầu tiên đăng báo của tôi cũng là ảnh đen trắng tự làm. Về cái máy thì tôi không quan trọng lắm vì nghĩ là con người luôn là yếu tố quyết định. Riêng việc chụp những bức ảnh mang tính xã hội, thời sự thì chị nên hỏi những phóng viên ảnh chuyên nghiệp, họ luôn luôn có mặt ở các sự kiện nóng, tôi dù sao thì cũng chỉ là người chụp ảnh đời thường mà thôi. Còn ảnh tôi nếu hay thì có thể do độc đáo hoặc ngộ nghĩnh, chứ tính xã hội – thời sự thì không nhiều lắm.
Đề tài mà anh ưa thích và có cảm hứng chụp?
- Tôi thích chụp cuộc sống của con người, cùng những gì xung quanh họ, như nhà cửa, trang phục, thậm chí là cả chó mèo, gà qué mà chị có thể thấy trên Facebook của tôi.
Chừng đó năm làm nghề, với một nhiếp ảnh gia chụp phóng sự, điều gì là quan trọng nhất theo anh?
- Ở Việt Nam bây giờ chắc không có ai đang chỉ chuyên chụp phóng sự. Vì đã nói đến phóng sự là nói đến ảnh báo chí, đến phóng viên ảnh. Mà phóng viên ảnh bây giờ thì đa số phải chụp từ sự kiện, hội nghị, đến đời sống, thậm chí là nhận cả dịch vụ vì đời sống của họ khá khó khăn. Tuy nhiên, nếu phải nói về ảnh phóng sự thì quan trọng nhất đối với người chụp là phát hiện đề tài và bắt được từng khoảnh khắc. Chẳng hạn, thể loại phóng sự ảnh là một câu chuyện kể bằng hình ảnh, trong đó mỗi bức ảnh là một chi tiết, như những lát cắt của cuộc sống mà người chụp phải ghi lại được.
Những bức ảnh phóng sự anh đã chụp, dù như anh nói, là cuộc sống thường nhật của con người lại luôn luôn ẩn chứa trong đó câu chuyện về thời đại và lịch sử, anh chia sẻ sao về điều này?
- Dùng chữ thời đại và lịch sử theo nghĩa thông thường cho nhiếp ảnh thì có vẻ hơi nghiêm trọng. Nhưng sự thật thì đúng là như vậy. Ví dụ, tôi đã rất tiếc khi trong bộ tư liệu của mình không có bức nào chụp toàn cảnh tòa nhà Hội trường Ba Đình, dù tôi đã có nhiều năm chụp các kỳ họp Quốc hội ở đó. Nếu có thì bức ảnh dù chỉ mang tính kiến trúc ấy sẽ là tư liệu mang tính thời đại, lịch sử (như chị nói) của cá nhân tôi. Với những bức ảnh bình thường, nói về đời thường mà nhiều người hay chụp, ở góc độ nào đấy cũng có tính thời đại và lịch sử. Chẳng hạn ảnh chụp hôm nay mà để đến 100 năm sau thì con cháu chúng ta sẽ biết được ông bà họ ngày xưa ăn, mặc, ở, đi lại như thế nào…
Khi nhìn lại những tấm hình anh chụp từ cách đây hơn 30 năm, tôi thực sự xúc động, còn anh đã nghĩ gì và cảm xúc khi chụp?
- Cám ơn chị đã cảm thấy thế. Tôi ý thức sâu sắc rằng giá trị cao nhất của nhiếp ảnh là những khoảnh khắc mang tính tư liệu, tài liệu. Tôi thường chụp những gì mà mình thấy thích theo định hướng ấy, cả khi chưa biết sẽ dùng vào việc gì. Vì thích những gì liên quan đến con người nên tôi chỉ việc chụp con người sao cho rõ nội dung, có khoảnh khắc, sạch sẽ và bố cục tốt là được rồi. Tiếc rằng ngày xưa thì ảnh phim vừa đắt đỏ, vừa khó lưu trữ nên tôi đã không có nhiều những tấm ảnh như vậy.
Là người theo sát những biến động thời cuộc, xã hội Việt Nam từ những tấm hình anh chụp cách đây 30 năm, so với xã hội ngày nay thay đổi như thế nào, nhất là đời sống con người?
- Tôi không có nhiều ảnh cũ, nhưng trong những bức mà tôi có thì chuyện này rõ lắm. Chẳng hạn trên Facebook của tôi, chị có thể thấy cảnh những người bán hàng rong bám đầy cửa sổ tàu ở ga Hải Dương cách đây 27 năm, hay những đường phố rất ít xe máy ở Hải Phòng cách đây 25 năm. Hoặc trong những ảnh tôi chụp chỉ 20 năm trước thì đường phố Hà Nội thưa vắng chứ không chật ních xe máy với ô tô như bây giờ. Người ngày xưa ăn mặc cũng khác, nhà cửa xây dựng cũng khác…
Vì sao anh thường chia sẻ ảnh anh chụp nhiều năm trước, thay vì ảnh của thời điểm hiện tại?
- Tôi chia sẻ ảnh cũ trên trang cá nhân vì nghĩ sẽ có một số người như chị có cảm xúc với quá khứ. Mặt khác, tôi muốn mọi người hiểu được giá trị nổi bật của nhiếp ảnh là tính tài liệu, tư liệu như đã nói ở trên. Loại ảnh này, nếu được chụp cẩn thận và có chủ ý thì càng để lâu xem càng sướng, giống như chúng ta xem ảnh cũ của mình hoặc người thân hay bạn bè thì thích hơn là xem ảnh mới chụp. Thực tế thì chị đã thích những bức ảnh cũ, dù xấu xí, mờ nhòe… của tôi, mà không phải là những ảnh phong cảnh rất đẹp mà mọi người đang chụp và chia sẻ rất nhiều bây giờ.
Hiện nay công việc nhiếp ảnh của anh đang diễn ra ra sao?
- Công việc của tôi hiện tại là một biên tập viên, có liên quan một chút đến ảnh, nhưng không nhiều lắm vì chỉ là biên tập mà thôi. Tuy nhiên, dưới góc độ cá nhân thì chụp ảnh vẫn là niềm vui của tôi. Tôi luôn luôn ra đường với một chiếc máy ảnh, nếu không thì chiếc điện thoại cũng phải sẵn sàng cho việc chụp ảnh. Tôi vẫn chụp theo cách của mình đã chọn từ 30 năm trước, đó là những gì liên quan trực tiếp đến con người. Thi thoảng tôi cũng được mời làm giám khảo một vài cuộc thi ảnh, hoặc đôi khi là được chia sẻ đôi chút nghiệp vụ nhiếp ảnh mà mọi người hay nói là đi “dạy ảnh”. Ngoài ra thì tôi cũng đang là Phó chủ tịch một Hội Nhiếp ảnh cấp thành phố với mục đích để giao lưu và chia sẻ. Tuy nhiên phải nói rõ là tôi cũng không nhất trí cho lắm với định hướng của nhiều Hội Nhiếp ảnh từ địa phương tới trung ương.
Tôi vẫn khuyến khích anh nên triển lãm và chia sẻ “kho tư liệu ảnh” của anh đến đông đảo công chúng. Thực tế những hình ảnh ba mươi năm trước đã làm lay động lòng người khi nhìn về quá khứ. Anh có dự định sẽ triển lãm ảnh của mình không?
- Đây là một câu hỏi thú vị mà tôi đã nghĩ đến từ lâu nhưng đến nay chưa chốt được là có hay không. Tôi không tự ti với tư liệu của mình, nhưng tổ chức một triển lãm là khá tốn kém. Quan trọng hơn, tôi nghĩ có lẽ phải 20-30 năm nữa những bức ảnh mang tính tư liệu của tôi chụp ngày hôm nay mới có giá trị, khi người Việt Nam hiểu hơn về giá trị đích thực của nhiếp ảnh, giống như chị đang thích những bức ảnh của tôi chụp 20 -30 năm trước.
Xin cảm ơn anh!