Quốc tế

Nhiệt độ toàn cầu tăng 3,1 độ C sẽ dẫn đến thảm họa khí hậu

Bảo Thư 05/11/2024 09:53

Các chính sách khí hậu hiện tại sẽ dẫn đến tình trạng nóng lên toàn cầu hơn 3 độ C vào cuối thế kỷ này, cao gấp 2 lần mức tăng đã được cam kết cách đây gần 10 năm.

Anh bai duoi
Nắng nóng gây cháy rừng Amazon.

Đó là thông tin từ một báo cáo của Liên hợp quốc mới đây, cho rằng thế giới sẽ phải đối mặt với mức tăng nhiệt độ lên tới 3,1 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp vào năm 2100 nếu các chính phủ không có hành động mạnh mẽ hơn nhằm cắt giảm lượng khí thải làm Trái đất nóng lên. Điều đó không chỉ khiến nước sông, hồ tự nhiên lẫn nguồn nước ngầm suy giảm mà còn khiến các khu rừng bốc cháy thường xuyên hơn. Trước đó, năm 2015, các chính phủ đã ký Thỏa thuận chung Paris và giới hạn mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1,5 độ C để ngăn chặn một loạt các tác động nguy hiểm.

"Chúng ta đang chới với trên "sợi dây thừng của hành tinh". Các nhà lãnh đạo hoặc thu hẹp khoảng cách phát thải, hoặc chúng ta sẽ lao vào thảm họa khí hậu" - Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói. Vẫn theo ông Guterres, các quốc gia thuộc nhóm G20 sẽ cần phải thể hiện nhiều tham vọng hơn nữa trong vòng cam kết về khí hậu tiếp theo, dự kiến vào đầu năm 2025, có nghĩa là ngoài giảm việc sử dụng năng lượng hóa thạch thì cần đóng góp tài chính nhiều hơn nữa.

Trong khi đó, Viện Tài nguyên thế giới cảnh báo các thành phố sẽ trở nên không thể chịu nổi nếu hành tinh tiếp tục ấm lên với tốc độ hiện nay. Nghiên cứu cho thấy những gì có thể xảy ra tại gần 1.000 thành phố lớn trên khắp các châu lục, nếu nhiệt độ toàn cầu tiếp tục hướng tới mức tăng 3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiều thành phố có thể đối mặt với nắng nóng kéo dài hàng tháng, khiến nhu cầu năng lượng tăng vọt cho điều hòa không khí, cũng như nguy cơ phổ biến các loại dịch bệnh do côn trùng gây ra.

Tuy nhiên, theo quy luật chung, cuộc sống của người dân có xu hướng cải thiện khi họ di cư đến các thành phố. Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về 58 quốc gia cho thấy, mặc dù người lao động nông thôn có nhiều khả năng có việc làm hơn so với những người lao động ở thành thị, nhưng họ được trả ít hơn 25% mỗi giờ làm việc.

Do đó, khi mật độ dân số các đô thị đông hơn thì biến đổi khí hậu sẽ càng gây hậu quả nặng nề hơn, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội không dễ giải quyết. Trong đó có việc chăm sóc sức khỏe, học hành, tai nạn giao thông, khó kiểm soát dịch bệnh và phát sinh các tệ nạn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiệt độ toàn cầu tăng 3,1 độ C sẽ dẫn đến thảm họa khí hậu