Đã là năm thứ 3 triển khai chương trình và sách giáo khoa (SGK) mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc đồng bộ SGK trên toàn quốc.
Mỗi trường một bộ sách giáo khoa riêng
Theo kiến nghị của cử tri Long An gửi tới trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, việc mỗi địa phương áp dụng một bộ SGK riêng, dẫn đến tình trạng thay đổi SGK nhiều lần; đồng thời SGK của học sinh ở địa phương này không thể mua và sử dụng ở địa phương khác. Vì vậy, cử tri kiến nghị Bộ GDĐT ban hành thống nhất, đồng bộ SGK trên toàn quốc.
Trên thực tế, đây không phải là ý kiến đầu tiên về việc xã hội hóa SGK, có nhiều bộ sách cho mỗi môn học mà ngay từ khi xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đã có nhiều quan điểm trái chiều về vấn đề này. Bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá: “Nghị quyết 88 và Luật Giáo dục quy định xã hội hóa SGK là chủ trương hết sức đúng đắn, đột phá, chuyển từ cơ chế độc quyền sang cơ chế xã hội hóa nhằm khai thác, phát huy, sử dụng nguồn lực xã hội có hiệu quả và đáp ứng yêu cầu của phát triển. Nhưng tôi cảm tưởng xã hội hóa như tiếng kèn ngập ngừng”.
Nguyên nhân, theo bà Thúy là do ngay từ năm đầu triển khai chương trình mới, đã có ý kiến đề nghị chỉ có một bộ SGK và cho đến hiện nay vẫn có những ý kiến trái chiều. Thứ hai, đưa ra quy định xã hội hóa biên soạn SGK, nhưng đến giờ phút này chưa có những quy định khuyến khích gì kèm theo. Không những thế, sau Nghị quyết 88 cũng có những quy định khác ảnh hưởng đến SGK.
Trả lời vấn đề này, Bộ GDĐT cho biết, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông đã quy định: “SGK cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”. Luật Giáo dục 2019 cũng có quy định cụ thể về SGK. Theo đó, vai trò của SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới đã khác so với SGK hiện hành.
Các SGK khác nhau được biên soạn với ngữ liệu, hình ảnh, cấu trúc khác nhau nhưng đều có chung mục tiêu là cụ thể hóa chương trình, nhằm đáp ứng yêu cầu cần đạt đối với từng nội dung giáo dục được quy định trong chương trình.
SGK được ban hành đưa vào sử dụng đều đảm bảo chất lượng vì phải được biên soạn, thẩm định theo quy định tại Thông tư số 33/2017, Thông tư số 23/2020, Thông tư số 05/2022 của Bộ GDĐT.
Vận dụng linh hoạt sách giáo khoa để dạy học hiệu quả
Cô giáo Bùi Thị Thanh Hoa - giáo viên Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) cho biết: Khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên cũng tham gia vào quá trình chọn SGK và bộ sách được chọn đúng như mong muốn của giáo viên.
Là giáo viên trực tiếp dạy SGK lớp 10 mới, cô Hoa cho hay, SGK mới cập nhật nhiều nội dung mới, hiện đại, tăng cường thực hành, gắn với thực tiễn - điều này SGK chương trình 2006 không làm được. Việc giảm tải từ 13 môn xuống còn 10 môn học ở bậc THPT, theo cô Hoa là một trong những điểm tích cực của chương trình mới, giúp học sinh tự tin và yêu thích hơn môn học.
GS. TS Lê Anh Vinh - Chủ biên môn Toán cấp tiểu học, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, mục tiêu đầu tiên của SGK Toán tiểu học mới là giúp học sinh yêu thích và hứng thú với môn học. Vì vậy, sách không cấu trúc theo tiết học như trước đây, thay vào đó cấu trúc theo bài học và chủ đề, để giáo viên có sự linh hoạt điều chỉnh trong nội dung chương trình cuốn sách. Mỗi bài học đều có phần khám phá để học sinh tìm hiểu kiến thức mới và giáo viên gợi mở kiến thức mới. Sau đó, học sinh sẽ thực hành, đặc biệt là thông qua các trò chơi. Và cuối cùng là phần luyện tập không thể thiếu để ôn tập, củng cố lại kiến thức cho học sinh.
Điểm mới thứ hai là xây dựng tuyến nhân vật xuyên suốt lớn lên cùng các em trong giai đoạn học tiểu học. Bên cạnh đó, là những chi tiết nhỏ như trang phục, thời tiết… được lồng ghép vào các bài học và được tính toán dạy vào thời điểm phù hợp trong năm, để tạo sự xuyên suốt và mối liên kết giữa bài học với đời sống của học sinh.
Do SGK không còn là pháp lệnh mà chương trình mới là căn cứ pháp lý để sử dụng thống nhất trong tất cả các cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn quốc, nhiều giáo viên đã vận dụng linh hoạt, tham khảo các cuốn SGK khác nhau để khiến các tiết học của mình được sinh động hơn. Vì tất cả các SGK được các địa phương lựa chọn và sử dụng trong nhà trường đều đã được thẩm định và được Bộ GDĐT phê duyệt nên đều đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng, chỉ khác nhau cách thể hiện bài học. Tại mỗi tỉnh/thành phố sẽ sử dụng ổn định SGK do UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn. Học sinh thuộc tỉnh/thành phố nào thì sẽ sử dụng SGK theo danh mục SGK do UBND tỉnh/thành phố đó ban hành. Chỉ có rất ít học sinh do chuyển từ địa phương này sang địa phương khác có thể phải mua SGK khác cho phù hợp khi đến địa phương mới.
Theo GS. TS Lê Anh Vinh, SGK phải dùng được cho tất cả vùng miền, tất cả các đối tượng học sinh nên cuốn sách phải có kiến thức cơ bản, dễ tiếp cận; gắn với thực tiễn và có nhiều yếu tố sáng tạo, linh hoạt cho cả giáo viên và học sinh trong mỗi bài giảng và bài học của mình.