Việt Nam hiện có 39 ngành nghề xanh, chiếm 3,6% tổng số việc làm, tập trung ở các ngành điện, khí đốt và cấp nước, khai mỏ, dịch vụ thị trường… Trong tương lai, dự đoán có 41% tổng số việc làm trong lĩnh vực xanh trên thị trường. Các vị trí việc làm liên quan đến phát triển bền vững như an toàn lao động, nghiên cứu, kiểm soát chất lượng… có thể đạt mức lương hàng nghìn USD/tháng.
Thêm nhiều việc làm xanh
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện có 39 ngành nghề có việc làm xanh. Các ngành có mức độ tập trung việc làm xanh cao nhất hiện nay là điện, khí đốt và cấp nước (23%), khai mỏ (5%), dịch vụ thị trường (5%). Tuy nhiên, trong tương lai thị trường lao động sẽ ghi nhận nhiều việc làm xanh hơn, nhất là khi "Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia" được triển khai với mục tiêu đạt tỉ lệ năng lượng tái tạo 15 - 20% vào năm 2030 và 20 - 30% vào năm 2045. Khi đó, thị trường lao động sẽ có thêm nhiều "việc làm xanh" mới. Nhu cầu về nguồn nhân lực trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, sinh khối, sinh nhiên liệu… sẽ tăng lên đáng kể.
Bà Nguyễn Thanh Hương - Giám đốc Nhân sự toàn quốc ManpowerGroup Việt Nam cho biết, nhu cầu việc làm xanh ngày càng nhiều, kéo theo sự xuất hiện rất nhiều vị trí mới liên quan đến ESG (phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng). Điều này đồng nghĩa với số lượng việc làm xanh ngày càng gia tăng, tương ứng với sự ra đời của rất nhiều vị trí mới.
Trong cẩm nang hướng dẫn lương 2024 dành cho các doanh nghiệp vừa được Manpower Group Việt Nam công bố cũng cho thấy, xu hướng việc làm xanh được dự báo tiếp tục gia tăng. Trong đó, các vị trí việc làm liên quan đến phát triển bền vững có mức lương, thưởng hấp dẫn. Chẳng hạn, vị trí chuyên viên an toàn lao động được trả mức lương từ 1.200 - 2.000 USD/tháng; mức lương của nhân sự quản lý như vị trí giám đốc an toàn lao động có thể lên đến 9.000 USD/tháng...
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), việc làm xanh là việc làm bền vững góp phần bảo tồn hoặc phục hồi môi trường, dù là trong các ngành truyền thống như sản xuất và xây dựng, hay trong các ngành xanh mới nổi như năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng hoặc kinh tế tuần hoàn. Nói cách khác, việc làm xanh bao gồm các ngành nghề hiện đang có trên thị trường nhưng có thêm yếu tố bảo vệ môi trường và phát triển bền vững và cả các ngành mới trực tiếp giải quyết các vấn đề về môi trường và khí hậu.
Để có được việc làm xanh, nguồn nhân lực sẽ cần được đào tạo các kỹ năng xanh, bao gồm kiến thức, năng lực, giá trị và thái độ cần thiết để sống, phát triển và hỗ trợ một xã hội bền vững và sử dụng hiệu quả tài nguyên. Việt Nam đang xanh hóa nền kinh tế nên tương lai sẽ có thêm 88 nghề khác có tiềm năng có việc làm xanh. Dự báo, số lượng việc làm xanh có thể chiếm tới 41% tổng số việc làm trên thị trường tương lai.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Kinh tế xanh, việc làm xanh đã và đang được cụ thể hóa thành các tiêu chuẩn, được đề cập trong các cam kết thương mại quốc tế. Đơn cử như quy định về biên giới carbon đã có hiệu lực từ 1/10/2023, quy định về chống mất rừng sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025... Theo đó, việc đáp ứng các tiêu chuẩn của chuỗi cung ứng toàn cầu đối với hàng hóa xuất khẩu từ các thị trường là yêu cầu bắt buộc.
Tại Việt Nam, các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, từ năm 2023, các doanh nghiệp phải có nghĩa vụ kiểm kê phát thải khí nhà kính tự nguyện. Đến năm 2025, kiểm kê phát thải khí nhà kính sẽ là bắt buộc với các doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường lao động đứng trước nhiều thời cơ và thách thức đan xen. Thực tế cũng giống như nhiều quốc gia trên thế giới, một trong những vấn đề gặp phải của Việt Nam là nguồn nhân lực hiện nay còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng, trong khi thị trường liên quan đến lĩnh vực xanh đang “nở rộ”.
Trước những thách thức và hạn chế về nguồn nhân lực xanh, đồng thời nắm bắt các chỉ đạo, chiến lược phát triển lớn của quốc gia, cũng là xu hướng phát triển của thế giới, những năm gần đây, các trường đại học tại Việt Nam đã thay đổi nhiều ngành học để thích nghi, đào tạo nguồn nhân lực hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường sống bền vững. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nếu chỉ các cơ sở giáo dục vào cuộc là chưa đủ. Bởi thực tế để trang bị kĩ năng xanh cho người lao động rất cần sự đồng hành của các doanh nghiệp.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững gắn với tăng trưởng xanh trên toàn cầu đòi hỏi yêu cầu công việc có năng suất, chuyên môn sâu và tạo ra giá trị gia tăng cao. Điều này đòi hỏi mỗi quốc gia cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới công tác quản lý lao động, trong đó có kỹ năng quản trị nguồn nhân lực xanh. “Quá trình này đặt ra những cơ hội và thách thức cho các cơ quan, tổ chức của người sử dụng lao động và doanh nghiệp tại các quốc gia trong khu vực và Việt Nam” - ông Phòng nói.