Tổng cục Quản lý đất đai vừa cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, vừa qua, Tổng cục đã thành lập các tổ công tác đi kiểm tra tại một số tỉnh - thành phố, qua đó đã phát hiện nhiều địa phương chậm lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh và xử lý sai phạm về đất đai.
Nhiều địa phương chậm lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh và xử lý sai phạm về đất đai.
Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ đầu năm 2016 đến nay, Bộ này đã nhận được 1.631 đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến vấn đề tranh chấp đất đai, ô nhiễm môi trường và khoáng sản từ các tổ chức, người dân tại các tỉnh thành trên cả nước. Trong đó, lĩnh vực đất đai chiếm tới 97%, tương đương 1.578 đơn thư khiếu nại, tố cáo sai phạm.
Ông Trần Phi Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất (Tổng cục Quản lý đất đai) cho hay: Hiện cả nước có 47 tỉnh, thành phố đã công bố đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh sai phạm về đất đai từ người dân.
Tuy nhiên, việc thành lập đường dây nóng vẫn còn chậm, nhiều Sở Tài nguyên và Môi trường không có thông báo kết quả tiếp nhận thông tin phản ánh. Một số địa phương, cấp huyện mặc dù có báo cáo kết quả tiếp nhận thông tin phản ánh về đất đai từ người dân, song tiến độ xử lý thông tin cũng chưa khả thi.
Vừa qua, kiểm tra đường dây nóng tại 8 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh), Tổng cục Quản lý đất đai cùng các đơn vị trong Bộ phát hiện, chỉ có 2 tỉnh là Thanh Hóa và Thái Bình báo cáo đã tiếp nhận và đang chỉ đạo kiểm tra xứ lý thông tin phản ánh.
Còn các Sở Tài nguyên và Môi trường 6 tỉnh còn lại không thấy báo cáo kết quả tiếp nhận thông tin phản ánh. Tại cấp huyện thuộc các tỉnh nêu trên, cũng chỉ có các quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo kết quả tiếp nhận thông tin phản ánh, song tiến độ xử lý thông tin còn chậm.
Ngay như Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 30/6, Bộ này đã tiếp nhận hơn 1.300 thông tin, trong đó Tổng cục Quản lý đất đai tiếp nhận gần 1.150 thông tin, Thanh tra Bộ tiếp nhận hơn 150 thông tin. Nhưng, chỉ có hơn 400 thông tin phản ánh rõ nội dung sai phạm và có địa chỉ để xử lý.
Trước thực tế nêu trên, Cục trưởng Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất cho biết, trong thời gian tới, Tổng cục Quản lý đất đai và Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương đến khi nào có báo cáo giải quyết các trường hợp người dân phản ánh.