Trong khi nhiều doanh nghiệp thông báo mất khả năng thanh toán, "khất nợ" trái phiếu đến hạn thì có không ít đơn vị chi cả nghìn tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn.
Nhiều doanh nghiệp mua trái phiếu trước hạn
Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Công ty CP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương (Vạn Hương Investoco) đã mua lại toàn bộ lô trái phiếu DRGCH2123005 phát hành ngày 31/12/2021, kỳ hạn 24 tháng.
Lô trái phiếu trên có tổng giá trị phát hành gần 1.500 tỷ đồng, đáo hạn vào ngày 31/12/2023. Vạn Hương Investoco mua lại vào ngày 18/1/2023, sớm hơn gần 1 năm so với ngày đáo hạn.
Là một trong những lô trái phiếu phát hành đầu tiên sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 65 sửa đổi vào giữa tháng 9/2022 thì ngay trong tháng đầu năm 2023, CTCP Đầu tư Bất động sản Sơn Kim cũng đã mua lại toàn bộ 500 tỷ đồng lô trái phiếu này.
Tương tự, HĐQT Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (mã chứng khoán VSH) đã phê duyệt mua lại trước hạn lô trái phiếu có tổng trị giá 219 tỷ đồng được chia làm 5 đợt phát hành vào năm 2019. Thời gian kết thúc đợt mua lại dự kiến trong tháng 2 và tháng 3/2023.
Ở một diễn biến khác, một số doanh nghiệp đã mua lại một phần trái phiếu đến hạn. Đầu tháng 2, Công ty CP Đầu tư Hải Phát (mã chứng khoán HPX) đã tiến hành mua lại 62,5 tỷ đồng trong số 385 tỷ đồng đang lưu hành của lô trái phiếu HPXH2124001. Công ty CP Hưng Thịnh Land cũng mua lại 94,5 tỷ đồng trong số 500 tỷ đồng đang lưu hành của lô trái phiếu H79CH2123021.
Trong tháng 3 vừa qua, Công ty CP Yamagata bỏ ra gần 1.700 tỷ đồng mua lại ba lô trái phiếu DN. Trước đó và những tháng cuối năm 2022, công ty này cũng bỏ ra 4.000 tỷ đồng để mua lại trái phiếu trước hạn.
Cũng trong giai đoạn này, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) bỏ ra 1.000 tỷ đồng mua lại trái phiếu DN trước thời gian đáo hạn. Ngoài ra, hàng chục DN khác cũng bỏ ra từ vài tỷ đến hàng trăm tỷ đồng để thanh toán cho trái chủ trước hạn.
Bước sang tháng 4, tính đến thời điểm này có gần 30 công ty thông báo cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội mua lại trái phiếu trước hạn.
Động thái mang tính chu kỳ
Có nhiều lý do lý giải cho việc doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn đã phát hành.
Thứ nhất là dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu đang triển khai nhưng doanh nghiệp thấy không còn khả thi nữa. Doanh nghiệp muốn trả nợ cho các trái chủ để giảm gánh nặng tài chính nên chọn mua lại sớm.
Thứ hai là bất ngờ doanh nghiệp có nguồn vốn dư thừa hoặc vay được nguồn khác có lãi suất thấp hơn trái phiếu. Mua lại sớm trái phiếu sẽ giúp họ giảm được chi phí vốn.
Thứ ba, việc mua lại trước hạn bắt nguồn từ Nghị định 65. Nghị định này cho phép các nhà phát hành mua lại trái phiếu trước hạn nếu các trái chủ yêu cầu. Tuy nhiên, với những đợt phát hành trái quy định pháp luật, bao gồm việc sử dụng vốn sai mục đích, các nhà phát hành buộc phải mua lại trước hạn nếu không muốn bị xử lý theo quy định pháp luật.
Theo chuyên gia từ FiinRatings, hoạt động mua lại diễn ra theo đúng xu hướng được quan sát trong những năm qua với lượng mua lại tăng vọt vào cuối các bán niên và giảm mạnh vào đầu năm. Cụ thể, trong tháng 1 ghi nhận quy mô trái phiếu mua lại trước đáo hạn đạt 8,9 nghìn tỷ đồng, tương đương bằng 18,8% so với tháng trước và nhưng lại tăng gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2022.
"Xu hướng trên phụ thuộc nhiều vào hoạt động hỗ trợ thanh khoản từ hệ thống tổ chức tín dụng. Quy mô mua lại lẻ tẻ quanh năm và tăng vọt vào tháng 6 và tháng 12. Đây là hai thời điểm chốt báo cáo bán niên và báo cáo tài chính năm của các doanh nghiệp", chuyên gia đánh giá.