Kinh tế

Nhiều đóng góp của Kiểm toán nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội

Minh Hòa 18/05/2024 08:00

Trong 30 năm qua, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có những đóng góp không nhỏ đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

445-202405171636161.jpg
Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã cung cấp cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng và đơn vị được kiểm toán nhiều kiến nghị có giá trị thực tiễn. Ảnh: Huy Thành.

Kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công

KTNN là một thiết chế độc lập do Quốc hội thành lập, có vai trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, hoạt động kiểm toán của KTNN không ngừng được mở rộng về quy mô, phù hợp với số lượng, năng lực của đội ngũ kiểm toán viên trong từng thời kỳ, đáp ứng yêu cầu phát triển KTNN theo các Chiến lược phát triển của Ngành trong từng giai đoạn. Đặc biệt, KTNN luôn nỗ lực đổi mới để nâng cao chất lượng kiểm toán. Qua đó, KTNN đã khẳng định được sự lớn mạnh về chuyên môn nghiệp vụ, cũng như giá trị và lợi ích trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội.

Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã cung cấp cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng và đơn vị được kiểm toán nhiều kiến nghị có giá trị thực tiễn. Trong đó, kết quả kiểm toán cung cấp cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp có thêm thông tin tin cậy để: Xem xét, quyết định ngân sách nhà nước (NSNN) hằng năm và đánh giá công tác điều hành ngân sách, cũng như xem xét, phê chuẩn báo cáo quyết toán NSNN của Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp; trong quá trình thảo luận, quyết định các cơ chế, chính sách và giải pháp thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; xem xét đánh giá hiệu quả, hiệu lực về quản lý sử dụng NSNN.

Triển khai thực hiện chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội năm 2022 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, nhiều kết quả các cuộc kiểm toán của KTNN trong những năm gần đây đã được Đoàn giám sát nghiên cứu, sử dụng, đưa vào nhận định, đánh giá trong báo cáo giám sát để báo cáo Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà

Thực tiễn, kết quả kiểm toán của KTNN đã chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán, như: Công tác quản lý, điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ; việc xác định phương án tài chính, thời gian thu hồi vốn của các hợp đồng BT, BOT; việc đầu tư lãng phí, thiếu hiệu quả tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước; việc giao đất, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, ban hành giá thuê đất, đơn giá thu tiền sử dụng đất...; tình trạng thất thu về thuế, phí, lệ phí, chi sai chế độ, tiêu chuẩn định mức...

Giá trị đóng góp của KTNN không chỉ dừng lại ở những con số kiến nghị về xử lý tài chính, thu hồi cho NSNN hàng chục nghìn tỷ đồng. Quan trọng hơn, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, định mức… không còn phù hợp với thực tiễn. Đây là cơ sở quan trọng để Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia và hiệu quả sử dụng các nguồn lực công.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của hoạt động kiểm toán, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã chủ động “đặt hàng” KTNN kiểm toán những vấn đề mới, khó, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng trên địa bàn. Kết quả kiểm toán giúp đơn vị có những thông tin tin cậy, khách quan phục vụ công tác hoạch định, ban hành chính sách quản lý, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. “Chúng tôi rất cảm ơn KTNN đã giúp cho Quảng Ninh có những thông tin tin cậy, chất lượng tốt để phục vụ cho công tác quản lý của địa phương, góp phần rất quan trọng vào kiểm soát quyền lực, cũng như phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chia sẻ.

Không ngừng đổi mới

Đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, hoạt động kiểm toán của KTNN cũng không ngừng được đổi mới. Trong giai đoạn đầu từ khi thành lập, KTNN chủ yếu thực hiện kiểm toán theo hình thức truyền thống, như: Kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ. Song, từ năm 2011 đến nay, KTNN đã chú trọng đẩy mạnh phát triển đồng bộ các loại hình kiểm toán mới. Hiện nay, hầu hết các cuộc kiểm toán đều kết hợp, lồng ghép 3 loại hình kiểm toán là kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động và kiểm toán tuân thủ. Chưa kể, KTNN còn đi sâu kiểm toán một số chuyên đề có quy mô và phạm vi rộng nhằm nâng cao giá trị, lợi ích của hoạt động kiểm toán, cũng như đánh giá toàn diện công tác quản lý tài chính công, tài sản công đối với chủ đề kiểm toán được lựa chọn.

Các nội dung đưa vào kế hoạch kiểm toán hằng năm được khảo sát, lựa chọn trên tinh thần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, tiền tệ của Quốc hội, Chính phủ; những vấn đề “nóng”, được dư luận xã hội quan tâm... Nhiều chương trình, dự án trọng điểm quốc gia được KTNN vào cuộc đánh giá từ khâu chuẩn bị chủ trương đầu tư; đồng thời, song hành kiểm toán sớm ngay trong quá trình thực hiện, kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc để kiến nghị tháo gỡ. Đây là minh chứng cho thấy, KTNN ngày càng phúc đáp tốt hơn những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn.

Đặc biệt, thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những năm gần đây, hoạt động kiểm toán ngày càng gắn sát và phục vụ hiệu quả, đắc lực cho hoạt động giám sát của Quốc hội. Căn cứ chương trình giám sát hằng năm của Quốc hội, KTNN đã chủ động đưa vào kế hoạch kiểm toán và ưu tiên thực hiện kiểm toán sớm các nội dung gắn với các chuyên đề giám sát. Hàng loạt các chuyên đề, như: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia; việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các Nghị quyết của Quốc hội về các dự án quan trọng quốc gia… được KTNN triển khai trên phạm vi rộng, với nhiều đơn vị trong Ngành cùng tham gia. Kết quả kiểm toán đã kịp thời chỉ ra những bất cập, sai sót điển hình thuộc các chuyên đề giám sát; giúp các đoàn giám sát có cái nhìn tổng quan về các mặt đã làm được, những hạn chế, vướng mắc và “lỗ hổng” cơ chế, chính sách để kiến nghị khắc phục, chấn chỉnh; qua đó góp phần nâng cao chất lượng giám sát của Quốc hội, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

“Triển khai thực hiện chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội năm 2022 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, nhiều kết quả các cuộc kiểm toán của KTNN trong những năm gần đây đã được Đoàn giám sát nghiên cứu, sử dụng, đưa vào nhận định, đánh giá trong báo cáo giám sát để báo cáo Quốc hội”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà dẫn chứng.

Hay với chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đến nay”, kết quả kiểm toán của KTNN cũng đã cung cấp cho Đoàn giám sát nhiều số liệu, thông tin đánh giá tổng thể, khách quan, nhất là những bất cập, vướng mắc trong thực hiện công tác quy hoạch. “Kết quả của cuộc giám sát là sự ra đời của Nghị quyết số 61/2022/QH15 với nhiều giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch. Sau khi Nghị quyết ra đời, phần lớn quy hoạch đã được phê duyệt. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của KTNN” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh.

Những thành tựu, đóng góp quan trọng trong 30 năm xây dựng và phát triển chính là thước đo chuẩn mực đánh giá uy tín và hiệu quả hoạt động của KTNN; khẳng định vai trò, vị thế của KTNN trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều đóng góp của Kiểm toán nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội