Kinh tế

Nhiều dự án hạ tầng giao thông tăng vốn

ĐOÀN XÁ 07/01/2024 12:28

Nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng ở khu vực phía Nam thời gian gần đây bất ngờ tăng vốn thêm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng vì những nguyên nhân khác nhau.

anhbaitren(1).jpg
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tăng vốn thêm gần 1.000 tỷ đồng. Ảnh: TL.

Vừa khánh thành được ít ngày, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23km thuộc trục cao tốc Bắc Nam đã được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất tăng thêm gần 1.000 tỷ đồng để xây thêm nút giao, đường gom, tiền đền bù giải phóng mặt bằng tăng, giá nguyên vật liệu tăng (so với thời điểm bắt đầu xây dựng).

Cụ thể, theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ khi thực hiện dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vào tháng 6/2020, tuyến đường có nguồn vốn 4.827 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, dự án được UBND tỉnh Vĩnh Long xin phép bổ sung thêm 1 nút giao ra/vào tại đường Võ Văn Kiệt. Ngoài ra, dự án cũng đề xuất bổ sung thêm 7,3km đường gom (song song với đường cao tốc) ở khu vực địa bàn tỉnh Đồng Tháp để người dân có thể tiếp cận được với các thửa đất nông nghiệp canh tác dọc cao tốc. Ngoài 2 công trình phụ trợ này, số nguồn vốn tăng thêm còn được bù vào chi phí giải phóng mặt bằng và giá nguyên vật liệu thay đổi. Theo đó, trước khi thi công, dự án được dự kiến đền bù giải phóng mặt bằng là 1.315 tỷ đồng nhưng sau đó, khi tiến hành thực hiện thì giá đền bù tăng thêm 274 tỷ đồng (lên mức 1.588 tỷ đồng). Tuy nhiên, theo báo cáo của địa phương, việc thực hiện giải phóng mặt bằng thực tế tốn 1.662 tỷ đồng. Cuối cùng, thời điểm thi công dự án cao tốc trùng với thời gian dịch Covid-19 khiến giá nguyên liệu như đất đá, thép, cát, dầu, xăng… đều tăng so với thời điểm thực hiện dự toán khiến tổng chi phí các hạng mục cũng tăng lên. Vì vậy, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lên mức 5.826 tỷ đồng (tăng gần 1.000 tỷ đồng). Ngoài ra, Bộ GTVT cũng xin phép điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án gồm 2 hạng mục tăng thêm tới năm 2025.

Tương tự, dự án đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) cũng vừa được Chính phủ chấp thuận chủ trương tăng vốn thêm khoảng 1.400 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu, lên mức 6.209 tỷ đồng. Theo Bộ GTVT, nguyên nhân khiến dự án đường cao tốc dài gần 27km bị tăng vốn là tổng chi phí giải phóng mặt bằng thêm 353 tỷ đồng, chi phí tư vấn tăng 80 tỷ đồng, chi phí dự phòng tăng khoảng 218 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án thuộc trục cao tốc phía Tây (đi dọc biên giới) từ tỉnh Tuyên Quang tới tỉnh Kiên Giang. Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh theo kế hoạch sẽ được khởi công vào cuối năm 2024, với nguồn vốn chủ yếu vay ODA từ Hàn Quốc cùng vốn đối ứng ngân sách nhà nước.

Cùng với 2 dự án quan trọng nêu trên, một dự án hạ tầng quan trọng khác đang được triển khai ở khu vực phía Nam cũng tăng vốn khi đang thi công là cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Theo đó, dự án cầu Rạch Miễu 2 cũng được Chính phủ phê duyệt chủ trương tăng vốn thêm khoảng 1.630 tỷ đồng, lên mức 6.810 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu khi thực hiện. Dự án cầu Rạch Miễu 2 là một trong những dự án quan trọng và cấp bách ở khu vực phía Nam, nhằm giảm ùn tắc quá tải cho cầu Rạch Miễu hiện hữu và gắn kết các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre với trục cao tốc Bắc - Nam. Dự án dài khoảng 17km với phần cầu chính dài 2km, được khởi công đầu năm 2022 và dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2026. Cầu nằm song song và cách cầu Rạch Miễu hiện hữu khoảng 4km về phía thượng lưu sông Tiền.

Thực tế, không riêng những dự án hạ tầng giao thông kể trên mà thời gian qua, nhiều dự án xây dựng hạ tầng khác ở phía Nam cũng tăng vốn, điều chỉnh so với kế hoạch ban đầu. Nguyên nhân chung là giá đền bù giải phóng mặt bằng tăng, nguyên vật liệu chủ yếu là cát, thép, đất đá… cũng như tiền thuê nhân công, người lao động, vận chuyển… tăng lên khiến chi phí chung của dự án cũng tăng theo. Tuy nhiên, điểm tích cực là hầu hết các dự án này vẫn giữ đúng tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng như kế hoạch ban đầu, không bị chậm hoặc lỡ tiến độ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều dự án hạ tầng giao thông tăng vốn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO