UBND TP Hà Nội tiếp tục có chỉ đạo rà soát, lập hồ sơ xử lý các dự án bất động sản (BĐS) đã được gia hạn sử dụng đất nhưng vẫn bỏ hoang, chưa triển khai xây dựng, đưa vào sử dụng. Nhiều khách hàng đang ở trạng thái bất an khi đã trót xuống tiền cho chủ dự án vay.
Trên địa bàn huyện Mê Linh có khoảng 50 dự án BĐS lớn với quy mô 10ha – 100 ha, nhưng sau nhiều năm giao đất, hầu hết đều đang bị bỏ hoang. Trong đó có 47 dự án đô thị, nhà ở với tổng diện tích đất 2.445 ha và 3 dự án đầu tư phát triển kinh tế khác. Trong số 47 dự án xây dựng nhà ở có 15 dự án đã có chủ trương, nhưng không triển khai đầu tư (diện tích 722 ha), 14 dự án đã giải phóng mặt bằng xong, nhưng chậm hoàn thành các hạng mục đầu tư xây dựng (tổng diện tích 970,74 ha), 18 dự án chậm triển khai giải phóng mặt bằng (diện tích 752,49 ha).
Chỉ đến khi, thông tin phản ánh trên địa bàn TP Hà Nội có hơn “300 dự án treo”, “bỏ hoang”, người dân sống trong vùng quy hoạch dự án gặp khó khăn, đặc biệt là vấn đề lãng phí tài nguyên đất và được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT và TP Hà Nội kiểm tra, xử lý thì một số dự án mới rậm rịch khởi động. Huyện Mê Linh cũng nằm trong số đó.
Sau khi điều chỉnh quy hoạch phân khu, TP Hà Nội đã phê duyệt cho 29/47 dự án BĐS chậm triển khai tại huyện Mê Linh. Trong năm 2019, huyện Mê Linh đã trình TP Hà Nội thu hồi 8 dự án BĐS chậm triển khai như: Dự án khu đô thị Vinashin, khu đô thị mới Việt Á, khu biệt thự nhà vườn CIT, khu đô thị mới BMC... Những dự án còn lại đã được cấp chính quyền huyện Mê Linh yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng phương án hoàn thiện hạ tầng cũng như kế hoạch xây dựng các công trình công cộng để tạo điều kiện cho người dân về ở.
Khi đó, một số dự án BĐS của huyện Mê Linh “đã phải tái khởi động” và việc khởi động lại của một số dự án lúc này lại mang tính chất “làm màu” nhiều hơn. Chủ đầu tư được dịp thể hiện nhiều dấu hiệu vi phạm những quy định của pháp luật qua việc triển khai thực hiện và phân phối sản phẩm tới khách hàng. Thị trường BĐS một lần nữa trở nên “hỗn loạn”.
Điển hình như dự án Khu đô thị Mê Linh Vista City của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Du lịch Minh Đức (Công ty Minh Đức) tại xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) và Khu đô thị Mê Linh New City của Công ty TNHH Minh Giang (Công ty Minh Giang) tại xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) được “chào bán” rầm rộ nhờ các nhân viên của sàn môi giới với động thái san gạt hạ tầng. 2 công ty này cùng có chung trụ sở tại số 35-37, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Nhân viên của công ty cho biết, bản chất 2 Công ty này là một.
Theo phản ánh của khách hàng N.T.L. (trú tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội): Tại thời điểm đó dự án này được chủ đầu tư san gạt, rục rịch làm hạ tầng và quảng bá bán hàng. Bà L. cùng một người bạn được chăm sóc, tư vấn đã quyết định xuống tiền đặt mua 2 lô biệt thự liền kề. Hình thức bán hàng tại 2 dự án nói trên được nhân viên sàn BĐS tư vấn và yêu cầu đặt cọc 100 triệu đồng để ký vào “Phiếu xác nhận nhu cầu khách hàng” với căn nhà muốn mua. Sau đó, khách hàng sẽ qua trụ sở của công ty để ký “hợp đồng vay”. Bằng hợp đồng vay vốn này thể hiện khách hàng là người tự nguyện đứng ra cho chủ đầu tư vay vốn để thực hiện đầu tư kinh doanh của công ty với các tiến độ khách hàng phải chuyển vốn cho chủ dự án vay theo các lần và tỷ lệ khác nhau. Trong hàng loạt các điều khoản của hợp đồng vay vốn này, phía chủ đầu tư sẽ đồng ý cho khách hàng ký vào “Đơn đăng ký mua nhà ở” tại dự án nói trên và chỉ đến khi nào đủ điều kiện ký “Hợp đồng mua bán nhà ở” theo quy định của pháp luật thì chủ đầu tư sẽ thông báo cho khách hàng. Số tiền mỗi lần khách hàng chuyển cho “chủ đầu tư vay” có thể bằng hình thức chuyển khoản hoặc tiền mặt. Đổi lại, khách hàng sẽ nhận được phiếu thu.
Số tiền vài tỷ đồng khách hàng phải bỏ ra cho “chủ đầu tư vay vốn” đó mới là tiền đất mà cũng không biết chính xác đến bao giờ mới được ký “hợp đồng mua nhà”. Trong khi đó, dự án mà chủ đầu tư được cấp chính quyền giao là phải xây dựng nhà cùng nhiều hạng mục khác.
Những khách hàng như bà L. thực sự đã “nắm dao đằng lưỡi” khi chấp nhận vào tiền để cầm về tờ “đơn đăng ký mua nhà ở”… Theo chia sẻ của bà L., khi xuống tiền thì những nỗi lo thường trực như: Hạ tầng dự án chưa hoàn thiện, hồ sơ kỹ thuật của căn nhà, không có nhà mẫu; thiếu cung cấp minh bạch cho khách hàng về hồ sơ pháp lý của dự án; thông tin về thời gian bàn giao nhà không thể hiện cụ thể; chẳng rõ thời điểm đủ điều kiện để ký hợp đồng mua bán,... nhưng vì tâm lý muốn sở hữu nên nhiều khách hàng như bà L. đã quyết định vác tiền cho “chủ đầu tư vay vốn”, cũng chẳng biết dự án của chủ đầu tư có được ngân hàng nào “cam kết bảo lãnh” hay không.
Hiện dự án mà bà L. đầu tư lại trong tình trạng “ngủ yên” thì lại được những người bạn trong giới đầu tư cho biết thông tin về việc TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo rà soát, xử lý, thu hồi những dự án chậm tiến độ. Bà L. hoang mang không biết dự án thuộc diện nào và nếu bị thu hồi thì chủ đầu tư có đủ năng lực giải quyết, đảm bảo pháp lý và những giá trị tài chính cho những khách hàng như mình đã đầu tư vào dự án hay không.
Căn cứ vào những quyết định dự án được phê duyệt trước khi một số địa giới hành chính được sáp nhập về TP Hà Nội (ngày 1/8/2008) và thực tế triển khai của các dự án, nhiều ý kiến cho rằng bản chất thực của một số dự án chỉ là các chủ đầu tư “ôm đất” để hưởng lợi cơ chế. Có những quyết định được phê duyệt một cách chóng vánh, sát ngay ngày được sáp nhập về Thủ đô.