Nhiều hạn chế trong công tác giám sát

Hải Nhi (thực hiện) 03/04/2017 10:10

Đó là vấn đề được ông Trịnh Hữu Bàn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang nêu khi đánh giá về công tác giám sát tại địa phương trong những năm qua. Tuy nhiên, theo ông Bàn, từ khi có Quyết định 217, và nhất là Luật Mặt trận 2013 được thông qua đã làm rõ hơn vai trò của Mặt trận và được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đặc biệt là những kiến nghị sau giám sát cũng dần được tiếp thu.

Ông Trịnh Hữu Bàn.

PV: Thưa ông, hiện MTTQ tỉnh Bắc Giang đang gặp phải những rào cản gì trong công tác giám sát?

Ông Trịnh Hữu Bàn: Với giám sát địa phương, trong những năm vừa rồi thực hiện Quyết định 217 về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã làm rõ hơn vai trò giám sát của Mặt trận. Trước đây chủ yếu có 3 hình thức giám sát: Phối hợp; lắng nghe ý kiến, tổng hợp ý kiến; tuyên truyền vận động giám sát.

Tuy nhiên, thông qua giám sát thời gian qua nổi lên rất nhiều hạn chế với những nguyên nhân khách quan, chủ quan.

Thứ nhất là đối tượng giám sát, thành phần giám sát cấp tỉnh và trung ương làm khá tốt, cấp huyện vừa phải. Nhưng đặt vấn đề cấp xã hiện nay giám sát của Mặt trận Tổ quốc với vai trò chủ trì còn rất hạn chế.

Thứ hai là phối hợp giám sát, đặc biệt là với vai trò chủ trì của Mặt trận còn rất hạn chế liên quan tới cán bộ, với cơ sở vật chất, uy tín, cơ chế để làm đúng vai trò chủ trì.

Thứ ba là kỹ năng giám sát, cán bộ Mặt trận còn ít, một số người được luân chuyển từ các ngành địa phương khác. Nhưng cũng có cán bộ Mặt trận trình độ cử nhân nhận nhiệm vụ song chưa phát huy được khả năng, chưa chú trọng việc trau dồi kiến thức thực tiễn. Mặt khác do không chịu tìm hiểu pháp luật nên phối hợp còn hạn chế. Kỹ năng, kinh nghiệm giám sát chưa cao dẫn đến thông tin còn hạn chế.

Khi làm việc với chuyên gia và chuyên viên của các ngành quản lý nhà nước, Mặt trận giám sát họ, nhưng thực ra mình chưa nắm chắc vấn đề giám sát, cho nên là rất khó.

Khó khăn thứ tư là tiếp thu kiến nghị, trở lại vấn đề pháp lý là giám sát của Mặt trận Tổ quốc là mang tính xã hội và tính nhân dân, cho nên Mặt trận không có kết luận giám sát như là giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước cũng như Quốc hội hay Hội đồng nhân dân các cấp. Thực tế Mặt trận chỉ thông báo kết quả giám sát. Do vậy, kiến nghị trong kết luận giám sát khác hẳn với kiến nghị của thông báo kết quả giám sát. Cho nên tiếp thu đến đâu, tiếp thu như thế nào thì cũng tùy thuộc vào cấp ủy, chính quyền và cơ quan chuyên môn nơi đó là chủ yếu... Có thể nói là rất nhiều hạn chế trong thực tiễn như vậy.

Năm vừa qua, tỉnh Bắc Giang đã lựa chọn nội dung gì để giám sát, thưa ông?

- Năm 2016 chúng tôi đã chọn các nội dung giám sát gồm: Xây dựng nông thôn mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hiện chúng tôi đang giám sát về việc chấp hành bảo vệ môi trường, đi sâu tuyên truyền vận động nhân dân thu gom phân loại và xử lý rác thải ở khu dân cư.

Vậy còn những khu công nghiệp, khoáng sản?

- Khu công nghiệp, khoáng sản rất lớn, rất nhiều nhưng Mặt trận “chưa vào được” do còn một số hạn chế về năng lực, như tôi đã nói ở trên. Theo tôi, riêng về lĩnh vực công nghiệp thì phải giám sát bất ngờ, hoặc là phải có sự phối hợp của người dân chứ theo đoàn vào thì giám sát chẳng thấy được gì.

Từ những thực trạng nêu trên, ông có đưa ra những giải pháp gì để nâng cao công tác giám sát tại địa phương?

- Quan trọng nhất để công tác giám sát có hiệu quả là phải lựa chọn được nội dung giám sát liên quan thiết thực tới người dân. Thứ hai là được xã hội quan tâm. Ví dụ như an toàn thực phẩm. Quan trọng hơn là xây dựng chương trình giám sát theo Quyết định 217 thì phải được cấp ủy và chính quyền nhất trí, đồng thuận.

Thứ hai là phải làm tốt phối hợp nội dung giám sát, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước nhưng phải làm rõ vai trò chủ trì của Mặt trận, tức là chủ thể giám sát phải là Mặt trận tổ quốc. Để làm tốt chủ trì và vai trò chủ thể thì liên quan đến rất nhiều những nội dung, ví dụ trình độ, năng lực, kinh nghiệm, uy tín, cơ sở vật chất của Mặt trận tổ quốc nơi đó. Nếu làm tốt phối hợp sẽ tăng cường sức mạnh Mặt trận. Vì sức mạnh của Mặt trận chính là từ các tổ chức thành viên và người dân. Vì vậy vận động người dân tham gia vai trò giám sát sẽ rất hiệu quả.

Thứ ba, về phương pháp giám sát, phải nghiên cứu văn bản của đơn vị chịu sự giám sát. Kết hợp với khảo sát thêm ở những địa phương, đơn vị, những đối tượng liên quan đến nội dung giám sát để có đánh giá thêm. Có những phiếu điều tra xã hội học cho người dân đánh giá. Thu thập thông tin trên truyền thông, dư luận xã hội cũng giúp Mặt trận giám sát hiệu quả cao.

Cuối cùng vẫn là sản phẩm giám sát, đó là thông báo kết quả giám sát. Quan trọng nhất của thông báo là Mặt trận chỉ ra được những tồn tại, hạn chế. Từ đó có những kiến nghị khắc phục. Nội dung kiến nghị phải cụ thể, thiết thực, phù hợp và có tính khả thi khi thực hiện tại địa phương.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều hạn chế trong công tác giám sát