Nhiều hi vọng ở chương trình giáo dục phổ thông mới

Thu Trang (thực hiện) 17/08/2015 09:30

Tiếp tục có những ý kiến đóng góp về chương trình GDPT mới, bà Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, đã từng có lúc “choáng” với sự thay đổi từ phía Bộ GD&ĐT.

Nhiều hi vọng ở chương trình giáo dục phổ thông mới

Ảnh minh họa

Nguồn: thanhnien.com.vn

PV: Đứng ở vai trò là Hiệu trưởng một trường THPT, trong thời gian tới nhà trường sẽ phải thay đổi rất nhiều khi thực hiện chương trình GDPT mới mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra. Chẳng hạn các giáo viên sẽ phải tiếp cận với phương pháp dạy mới như tích hợp liên môn... Bà suy nghĩ về vấn đề này như thế nào?

Nhiều hi vọng ở chương trình giáo dục phổ thông mới - 1

Bà Vũ Thị Phương Anh: Hiện nay Bộ GD&ĐT mới bắt đầu triển khai như thế. Về phía Sở GD&ĐT cũng là rất mới. Nhưng bắt đầu từ 3 năm nay, Sở đã tổ chức việc soạn giáo án liên môn tích hợp để cho giáo viên làm quen. Nếu sau này thực sự dạy liên môn tích hợp thì chắc chắn phải được đưa đi đào tạo, chứ không phải cứ thế dạy môn nọ sang môn kia.

Còn việc hiện nay khi soạn giáo án liên môn tích hợp, điều chúng tôi hiểu sâu sắc nhất, về lý thuyết mọi người cứ hình dung là lấy môn này chéo sang môn kia nhưng thực tế không phải. Ví dụ tôi dạy môn Vật lý, bây giờ liên môn tích hợp sẽ liên quan đến Hóa, Sinh nhưng nó liên quan ở kiến thức thực tế.

Có nghĩa là vào một hiện tượng Vật lý còn liên quan đến cả Hóa học và Sinh học, chứ không phải tôi dạy Vật lý tôi lại trèo sang Hóa với Sinh.

Theo bà, giáo viên có bị bỡ ngỡ với chương trình GDPT mới này không?

- Tôi nghĩ rằng từng bước làm như thế này sẽ không có sự bỡ ngỡ. Chỉ có điều một số thì vẫn chưa hiểu rõ và cứ nghĩ rằng liên môn tích hợp nghĩa là chéo môn nọ sang môn kia, dạy Văn bây giờ lại đi dạy cả Sử, Địa hay dạy Lý lại đi dạy cả Hóa, Sinh và ngược lại. Nhưng bản chất thì không phải như thế, mà làm sao gắn sâu hơn tính hàn lâm với thực tế.

Bấy lâu nay cách dạy hàn lâm quá. Các em học Lý rất là sâu nhưng vào đến sử dụng điện, cắm cái ổ điện thôi cũng lúng túng không biết làm thế nào cho chuẩn. Cái ổ điện rất chuẩn rồi nhưng không biết thế nào thì mới bị giật… Tôi thấy có thực tế như vậy.

Cách đón nhận của giáo viên cũng khác nhau, thưa bà?

- Thực tế thì Bộ GD&DT từ 2012 đã có rất nhiều thay đổi, từ thay đổi cách thi cho đến điều chỉnh, thay đổi chương trình hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo. Lúc đầu khi nói đến thay đổi thi, tất cả mọi người cũng đều “choáng”. Chúng tôi ở trong ngành giáo dục thì chúng tôi thấy thực tế Bộ đã có những bước đi khá cẩn trọng, cũng đã được sự nghiên cứu rất kĩ càng.

Nhiều cái mới mà xã hội chưa biết thì không thể nào nói là không lo lắng được. Chương trình cần có những sự thay đổi dần dần, từ việc đầu tiên cho HS nghiên cứu khoa học, tiếp đến chương trình dạy liên môn tích hợp cũng đã triển khai vài năm nay rồi, giáo viên cũng đã tham gia rất nhiều, được chuẩn bị giáo án rồi…

Việc thay đổi hiện nay tất nhiên là vất vả, nhưng với cán bộ chúng tôi trong ngành giáo dục, thì không cảm thấy giật mình như trước nữa. Có cả một lộ trình để thay đổi. Và chúng tôi cũng hi vọng hướng thay đổi tới đây sẽ được như mong muốn đổi mới căn bản toàn diện. Chưa ai có thể nói điều gì chắc chắn, nhưng chúng tôi thấy lộ trình làm là khá thận trọng. Ra đến ngoài xã hội thì có thể bây giờ mọi người mới quen với cụm từ “liên môn tích hợp”, nhưng trong ngành giáo dục thì đã làm việc đấy mấy năm nay rồi.

Chúng tôi làm cả những chuyên đề theo hướng liên môn tích hợp. Trước khi vào chuyên đề, bao giờ các thầy cô cũng cho các em làm một bài kiểm tra. Bài kiểm tra đó chúng tôi làm theo hướng có câu trắc nghiệm, có câu đúng sai, có câu tự luận, có câu trả lời ngắn, có câu trả lời dài, có câu bình luận trao đổi với nhau. Nhưng bản chất bài kiểm tra đó nhằm để cung cấp kiến thức.

Chúng tôi thu bài về và biết được hiểu biết của HS về lĩnh vực đó như thế nào. Đó cũng là một cách cung cấp kiến thức cho các em về các vấn đề mà mình chuẩn bị làm, không phải là một tờ giấy trắng chẳng biết gì.

Ví dụ như vấn đề về sức khỏe sinh sản vị thành niên, một số trường làm nói rằng HS không chịu tham gia, hỏi cứ im thin thít không chịu giơ tay, chẳng nghe ý kiến gì cả, tự hỏi lại tự trả lời… Thế nhưng trường chúng tôi các em tham gia rất hào hứng. Bởi vì các em đã được cung cấp kiến thức.

Khi đã được cung cấp kiến thức có một hiểu biết thì người ta thấy đó là vấn đề khoa học, không phải vấn đề gì rất khó nói, khó chia sẻ. Khi đã nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của giáo viên và HS, chúng tôi nghĩ đấy là bài dạy thành công.

Trong chương trình GDPT mới có một phần lớn dành cho các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nhà trường đã có phương án triển khai chưa?

- Nhà trường cũng đang triển khai các chuyên đề. Không phải HS cứ ngồi học trên lớp cô giảng trò nghe thì mới là học, mà có rất nhiều hình thức về học. Chẳng hạn giao lưu, tham gia các hoạt động giống như gameshow truyền hình cũng là hình thức để các em học. Và học như thế thì hào hứng hơn nhiều.

Trong quá trình học các em có quyền trao đổi với nhau. Ở trên lớp học nghiêm chỉnh không thể cứ “chồm” lên trao đổi với nhau. Nhưng tham gia các giờ hoạt động này các em hoàn toàn được trao đổi. Chính những trao đổi này làm thay đổi hoàn toàn cách dạy cách học. Các em tự thể hiện bản lĩnh tự thể hiện năng lực của bản thân, cũng như tính tự tin trong quá trình giáo tiếp, quá trình hoạt động.

Nhiều trường cứ nghĩ hoạt động này tốn kém, nhưng thực chất vẫn là làm việc của thầy, làm việc của trò. Nhà trường chúng tôi từng tổ chức chương trình “người lính và những bản tình ca”. Chương trình đó mỗi lớp có 1 tiết mục hát, mời phụ huynh cùng tham gia. Các HS sẽ chuẩn bị quần áo, kiến thức… chẳng tốn kém bao nhiêu.

Chúng tôi cũng đã dự toán với một nhà trường, 1 năm đầu tư khoảng 100 triệu cho hoạt động này tôi nghĩ rất ý nghĩa. Số tiền này không phải là quá lớn. Trên thực tế chúng tôi làm rất bài bản và chẳng bao giờ tiêu đến 1 nửa con số đó!

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều hi vọng ở chương trình giáo dục phổ thông mới