Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Nguyễn Thị Hà, sự phát triển của công nghệ thông tin, internet mang lại nhiều lợi ích cho con người, trẻ em cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên, trẻ em cũng phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, xâm hại trên môi trường mạng.
Mặt tối phía sau mạng xã hội
Sự phát triển của công nghệ thông tin, internet mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng kèm theo những rủi ro cho trẻ em, nhất là trong thời đại công nghệ số, kỷ nguyên số, công dân số như hiện nay. Trẻ em ngày càng dành nhiều thời gian sử dụng Internet với nhiều mục đích khác nhau như (học tập; xem phim; sử dụng mạng xã hội, theo dõi các nhân vật của công chúng; tìm kiếm thông tin; trò chuyện với bạn bè, người thân...). Việc này cũng khiến trẻ em sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Trẻ bị xâm hại qua môi trường mạng nguy hiểm không kém đời thực, bởi những nội dung, hình ảnh được phát tán trên môi trường mạng có thể hiện hữu bất cứ lúc nào, gây tổn thương dai dẳng cho trẻ em.
Đáng chú ý, tại Hội thảo “Trẻ em trong thế giới số - Giải quyết rủi ro và thúc đẩy cơ hội” được tổ chức mới đây, đại diện Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao (A05 - Bộ Công an) cho hay, 116 trong số 135 vụ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng do công an xử lý trong quý I/2023 liên quan tới lạm dụng tình dục như dụ dỗ quan hệ, trình diễn khiêu dâm. Ngoài số bị lạm dụng tình dục, có 13 vụ đăng tải thông tin trẻ bị bạo lực học đường, làm nhục trên mạng; 4 vụ phát tán văn hóa phẩm độc hại cho trẻ em; 2 vụ thông qua mạng xã hội dụ dỗ trẻ bỏ nhà đi, tham gia tệ nạn. Khoảng 10.000 trang mạng có nội dung độc hại đã bị cơ quan công an ngăn chặn.
Theo đại diện A05, các vụ được phát hiện chỉ là phần nhỏ mà đã phản ánh tình trạng trẻ em đang đối mặt nhiều nguy cơ trên mạng internet như bị thu thập thông tin cá nhân vào mục đích phạm tội, nạn nhân của buôn người hay của các loại tội phạm công nghệ cao.
Ông Nguyễn Ngọc Anh - Chuyên gia Chương trình Bảo vệ trẻ em của UNICEF cho biết, hiện có nhiều xu hướng mới nổi có nguy cơ làm tăng thêm số lượng và mức độ phức tạp của các vụ việc. Đồng thời làm trầm trọng thêm những thách thức đối với những người làm công tác bảo vệ trẻ em. “Có nhiều trường hợp trẻ em tiếp xúc trực tuyến và trở thành đối tượng của xâm hại và bóc lột ngoại tuyến, tức là ngoài đời thực, thậm chí là buôn bán người. Bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trực tuyến là một mối nguy hại không biên giới. Vấn nạn này liên tục phát triển và thường không được báo cáo đầy đủ về quy mô và mức độ” - ông Ngọc Anh cảnh báo.
Cần chiến lược tổng thể
Thời gian qua, Bộ LĐTB&XH cũng đã có nhiều hoạt động cụ thể để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Bộ đã phối hợp chỉ đạo và thực hiện: Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; xây dựng, tích hợp các kênh thông báo trực tuyến về các vấn đề liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng với Tổng đài 111. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an kiểm tra, xử lý kịp thời các nội dung đăng tải trên các mạng xã hội có nội dung xấu, độc, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em và từ phản ánh của người dân qua Tổng đài 111. Tăng cường triển khai các biện pháp kỹ thuật, chặn lọc, gỡ bỏ nội dung không phù hợp với trẻ em. Bên cạnh đó là sử dụng chính môi trường mạng để tăng cường sáng tạo tương tác trên môi trường mạng, nâng cao nhận thức của cha mẹ và trẻ em. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Anh, các chiến lược giải quyết vấn đề bắt nạt trực tuyến, xâm hại và bóc lột trên mạng phải là một hợp phần của các chiến lược bảo vệ trẻ em rộng hơn.
Bên cạnh đó, hợp tác và điều phối giữa các bên liên quan là chìa khóa thành công. Do đó, để bảo vệ trẻ em một cách hiệu quả thì nhiều bên liên quan cần phải tham gia hành động như: Chính phủ, xã hội dân sự, các chuyên gia làm việc với trẻ em, cha mẹ và trẻ em, cơ quan truyền thông và khu vực tư nhân. Các doanh nghiệp cần tôn trọng quyền trẻ em, đồng thời ngăn chặn và khắc phục tình trạng vi phạm quyền của trẻ em liên quan đến môi trường kỹ thuật số.
Theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, để bảo vệ tốt nhất cho trẻ em trên môi trường mạng cần đánh giá nhanh và ở tầm chiến lược, dự báo, những kinh nghiệm các bài học của Việt Nam và quốc tế để có các giải pháp cụ thể hơn, thiết thực hơn để bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng, cũng như thúc đẩy các cơ hội để trẻ em có thể tham gia tích cực hơn trên môi trường mạng.
Ông Nam cho rằng, cần tiếp tục rà soát, bổ sung hệ thống pháp luật chính sách để tăng cường tính phòng ngừa, tính bảo vệ trẻ em và đấu tranh, xử lý có hiệu quả với các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng thông qua các quy trình bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, gắn kết với các quy trình phòng, chống xâm hại trẻ em.
Theo báo cáo của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, năm 2022 Tổng đài đã tiếp nhận 419 cuộc gọi về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và 18 lượt thông báo về các kênh/video clip có nội dung độc hại đối với trẻ em. Riêng 5 tháng đầu năm 2023, Tổng đài tiếp nhận 128 cuộc gọi về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và 3 lượt thông báo về các kênh/video clip có nội dung độc hại đối với trẻ em. Trong số 128 cuộc gọi thì có 124 cuộc gọi tư vấn và 4 ca kết nối, can thiệp cho trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.