Chấp nhận mất 88 tỷ đồng đã đầu tư, UBND TP Hải Phòng đã có tờ trình HĐND TP đề xuất phương án chấm dứt thực hiện Dự án nhạc nước tại khu vực lòng hồ Tam Bạc. 88 tỷ đồng là số tiền lớn nhưng nếu bất chấp dư luận để triển khai dự án sẽ là mất mát lớn hơn. Dừng hẳn một dự án tai tiếng là một phương án giải quyết đúng đắn, nhưng những bài học đắt giá nào sẽ được rút ra qua vụ nhạc nước này?
Công trình nhạc nước Hải Phòng đã chính thức phá sản.
Được gọi tên đầy đủ là Dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống trình diễn nhạc nước kết hợp âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo nghệ thuật tại khu vực lòng hồ Tam Bạc – giai đoạn 1, Dự án này được triển khai từ tháng 12/2014, có tổng mức đầu tư được phê duyệt là 194,96 tỷ đồng.
Cho đến khi được đưa vào hoạt động dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng Hải Phòng (tháng 5/2015), TP Hải Phòng đã chi tạm ứng cho Công ty Sơn Lâm (nhà thầu thực hiện dự án) số tiền là 88,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một dự án nhân danh văn hóa, nhân danh sự đầu tư để quảng bá và thu hút khách du lịch tới Hải Phòng đã thiếu sự thẩm định nghiêm túc ngay từ đầu.
Được biết ngay khi Công trình này ngay từ khi manh nha hình thành vào năm 2012 đã vấp phải những ý kiến chưa đồng thuận ngay từ các ban ngành chức năng của thành phố Hải Phòng do nó được thiết kế quá khác biệt so với các dàn nhạc nước ở nơi khác và bởi mức kinh phí quá “khủng”.
Người Hải Phòng gọi công trình như cái bè nuôi cá giữa lòng hồ Tam Bạc vì nó không được thiết kế theo dạng sân khấu, không có vị trí dành riêng cho người dân thưởng thức.
Công trình nằm trong khu vực đông dân cư, liền kề 2 tuyến đường Quang Trung và Nguyễn Đức Cảnh có mật độ người, phương tiện tham gia giao thông đông đúc. Được biết, tại nhiều kỳ họp HĐND TP Hải Phòng, câu chuyện nhạc nước cũng đã từng rất nóng…
Nhưng bất chấp tất cả, công trình nhạc nước vẫn ra đời và được đưa vào chạy thử nghiệm từ tháng 5/2015, vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng Hải Phòng. Rồi sau nhiều lần chạy thử và hiệu chỉnh, dàn nhạc nước vẫn chưa thể bàn giao, nó tắt ngóm và nằm im một chỗ.
Điều này, trong Tờ trình của UBND Thành phố Hải Phòng đã ghi rất rõ: Sau thời gian vận hành, công trình bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể là vị trí công trình đặt tại lòng hồ Tam Bạc là không phù hợp, không bảo đảm mỹ quan đô thị; hiệu quả khai thác thấp, chưa thu hút được đông đảo nhân dân và du khách.
Hoạt động của công trình ảnh hưởng không tốt tới môi trường sống của khu vực lân cận, gây bức xúc trong nhân dân; lượng người đến xem trình diễn nhạc nước ngày càng giảm; hàng năm ngân sách phải chi trả cho việc vận hành công trình khoảng gần 2 tỷ đồng/năm.
Động thái đề xuất của UBND TP Hải Phòng diễn ra trong bối cảnh tháng 9/2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận và quyết định xử lý kỷ luật 3 cán bộ nguyên lãnh đạo và lãnh đạo thành phố liên quan đến việc quyết định phê duyệt đầu tư dự án nhạc nước.
Như vậy cho đến thời điểm Hải Phòng đề xuất dừng Dự án, có thể tóm tắt về Dự án này bằng những con số: hơn 88 tỷ đồng ngân sách đã bị ném vào đây một cách lãng phí, 3 cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật và bây giờ, người ta lại phải mất công sức và tiền bạc để tháo dỡ nó đi. Nhưng cái mất lớn nhất của dự án này là mất lòng tin của nhân dân.
Vì sao một Dự án không được lòng dân ủng hộ lại vẫn quyết liệt được triển khai? Để bây giờ khi mọi chuyện đã rõ ràng, người ta thấy rất rõ rằng không thể tiếp tục duy trì hoặc tiến hành hoàn thiện Dự án khi dư luận nhân dân cực kỳ bức xúc.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng lý giải về một trong những lý do khiến Thành phố phải đề xuất dừng hẳn Dự án là bởi: “Bây giờ lòng dân không ủng hộ, TP rất khó xuất một khoản ngân sách lớn chi trả cho công trình không như ý muốn đó”. Và “TP không thể cố tình thi công công trình này trong sự bức xúc của nhân dân”.
Trả lời của ông Chủ tịch TP Hải Phòng liệu đã đủ để lấy làm một bài học, rất cũ nhưng đúng đến muôn đời sau: Bài học lòng dân. Núp dưới danh nghĩa một công trình văn hóa phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân, người ta quyết liệt triển khai một công trình không được lòng dân. Và 88 tỷ đồng dù rất lãng phí vẫn buộc phải thà vứt đi còn hơn tiếp tục phải đổ thêm vào gấp hơn 2 lần số tiền đó nữa, chưa kể khoảng 2 tỷ đồng để duy trì mỗi năm. Trong nhận thức của người dân Hải Phòng, hồ Tam Bạc tự thân nó trước khi có công trình nhạc nước xen vào, đã là không gian đẹp.
Dừng lại một công trình nhạc nước như là sự tất yếu phải trả giá cho một công trình không hợp lòng dân. Nhưng điều bức xúc trong dư luận nhân dân chắc chắn chưa phải đã hết. Ngay cả trong trường hợp đã có xử lý kỷ luật cán bộ liên quan đến vấn đề này. Nếu không có những chế tài đủ mạnh hơn về việc chịu trách nhiệm, những quyết định vô trách nhiệm vẫn có thể được đưa ra.
Nhạc nước chắc chắn không phải là công trình đầu tiên, cũng như cuối cùng phải dừng lại vì “lòng người ngao ngán”. Đã có nhiều sự việc tương tự, đã có nhiều cán bộ bị kỷ luật, nhưng dường như chưa có bài học nào là cuối cùng nếu khi đưa ra một quyết định người ta đã quên mất 2 chữ “lòng dân”.