“Thị trường thì có những phân khúc riêng, từ họa sĩ đến người mua tranh. Thực tế, có những họa sĩ trẻ chưa nổi tiếng nhưng vẽ rất đẹp, rất hay, nhiều người mua có cái nhìn tốt hoặc cũng có người mua để ủng hộ, động viên họa sĩ, bạn bè… Riêng tôi nghĩ, nhiều khi tranh bán được không đồng nghĩa với tranh đẹp, tranh hay”, họa sĩ Đặng Tiến bày tỏ.
Tranh của anh luôn được các nhà sưu tập ưu ái, anh có thể chia sẻ về điều này?
- Tôi luôn vẽ cái gì mình thấy thích, cái gì gây xúc động cho mình mà không câu nệ đề tài hay phong cách. Một điều gì đó làm mình xúc động thì trong đầu hiện lên bố cục, hòa sắc, cách thể hiện… thế là chọn khổ toan phù hợp và vẽ. Ơn giời, những bức tranh tôi vẽ, khi hoàn thành cũng được nhiều người thích, trong đó có những nhà sưu tập.
Trong thời gian vừa qua, dù mong muốn thực hiện một triển lãm cá nhân, nhưng tranh của anh không đủ vì vẽ xong là có người sưu tầm?
-Tôi vẽ theo cái sự thích, quan niệm và suy nghĩ của mình mà không quan tâm tới suy nghĩ của người khác. Ai đó từng nói, mỗi bức tranh có số phận của nó. Nếu người khác thấy thích thì mua. Tôi nghĩ, tôi vẽ theo cảm xúc thật, không “lên gân lên cốt”, với cảm nhận, tình cảm của mình. Tranh tôi vẽ thường “hiền lành”. Nhưng tôi thường rất chú ý tìm bố cục và cố gắng chắt lọc, đơn giản hóa những gì phức tạp. Có thể do cái tạng mình nó thế. Và may là nhận được sự đồng cảm của nhiều người.
Từ năm 2019, tôi định bày triển lãm cá nhân tại Hà Nội sau khi bày triển lãm cá nhân tại TPHCM (năm 2017). Nhưng những bức tranh vẽ ra định để bày triển lãm thì có khách mua, tôi cố gắng vẽ bổ sung cho đủ nhưng rồi sự đuổi theo làm tôi thấy mệt và tôi quyết định hủy. Những năm gần đây, tôi cũng nhận được lời mời bày triển lãm cá nhân hoặc nhóm, nhưng nói chung, đều thấy khó thực hiện vì dành đủ số lượng tranh cho triển lãm không dễ, đành “bày triển lãm” trên facebook vậy. Bây giờ, nhờ có mạng xã hội, tranh của các họa sĩ đến được với nhiều người hơn. Tôi nghĩ đó cũng là một cách triển lãm hay, chứ không như trước đây. Tôi sợ nhất bán bức tranh nào chưa kịp bày triển lãm hoặc chưa kịp khoe với ai.
Anh có thể nhìn nhận về thị trường mỹ thuật từ đầu năm đến nay?
- Đợt cao điểm sự cách ly vì dịch Covid-19, tôi chỉ tập trung vẽ. Theo dõi qua mạng xã hội, triển lãm mỹ thuật các nơi cũng tạm dừng. Sau đó đến nay, qua trao đổi với đồng nghiệp và theo dõi, thấy nhiều triển lãm được tổ chức với sự quan tâm của đông đảo công chúng và các nhà sưu tập, tranh của nhiều họa sĩ cũng bán được. Tôi cũng không rõ cụ thể thị trường nghệ thuật sôi động mức nào, chỉ biết tranh của mình vẫn nhiều người hỏi mua. Tuy nhiên, tôi vẽ túc tắc chứ không vội vàng, nên số lượng tranh cũng không có nhiều.
Theo anh, vì sao thời gian này các tác phẩm tranh được nhà sưu tập và đầu tư quan tâm?
- Nhìn chung, kinh tế, đời sống xã hội ngày càng phát triển và được nâng cao, chẳng riêng gì mỹ thuật, nhiều bộ môn nghệ thuật đều được công chúng quan tâm. Những năm 80 hoặc đầu những năm 90 của thế kỷ trước, các trường đại học mỹ thuật thường không đông sinh viên, giờ thì khác rồi. Các trường mở thêm nhiều khoa, ngành đào tạo mà năm nào cũng rất đông thí sinh dự thi và theo học.
Đó cũng là khía cạnh để thấy rằng đời sống xã hội đã được nâng lên đáng kể. Tại các đô thị, những ngôi, tòa nhà cao cấp được thiết kế, xây dựng rất nhiều. Nhu cầu trang trí nội thất, thưởng thức nghệ thuật trở thành nhu cầu xã hội. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, người ta thấy những bức tranh của các họa sĩ lớp trước (thời Đông Dương, như: Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái…) được bán với giá ngất ngưởng khác với được bán rẻ, đổi ly cà phê hoặc thậm chí cho, tặng... Và thông tin bán đấu giá các bức tranh của các danh họa thế giới cũng đầy trên mạng, báo chí… làm các nhà đầu tư quan tâm. Đã có rất nhiều người ở Việt Nam giàu có nhờ buôn bán tranh.
Trên thực tế những tác phẩm như thế nào thì thường được sưu tập thưa anh?
- Khi các tác phẩm nghệ thuật được đưa ra thị trường, được coi là hàng hóa, thì nó cũng như các hàng hóa khác trên thị trường thôi. Nó cũng có những phân khúc riêng. Tôi đã chứng kiến, có họa sĩ được nhà sưu tập trả giá những bức tranh rất cao, đồng thời, cũng có những họa sĩ bán tranh của mình với giá rất thấp. Giá cao hay thấp thì cũng là bán được, quan trọng là tác giả thấy vừa lòng. Tôi thấy rằng, đời sống xã hội được nâng cao, người làm “nghề vẽ” cũng có cơ hội sống được. Và chúng ta phải hiểu một điều, không phải ai cũng có tiền để mua được tranh của họa sĩ nổi tiếng.
Sau một số triển lãm vừa qua, nhiều bức tranh nhanh chóng được gắn nơ, thậm chí ở những tác giả trẻ và chưa nổi tiếng, anh có thể chia sẻ về điều này?
- Đã là thị trường thì có những phân khúc riêng, từ họa sĩ đến người mua tranh. Thực tế, có những họa sĩ trẻ chưa nổi tiếng nhưng vẽ rất đẹp, rất hay; nhiều người mua có cái nhìn tốt hoặc cũng có người mua để ủng hộ, động viên họa sĩ, bạn bè… Riêng tôi nghĩ, nhiều khi tranh bán được không đồng nghĩa với tranh đẹp, tranh hay.
Tuy nhiên, trước dòng chảy của thị trường, có thể thấy nhiều hoạ sĩ bắt đầu vội khi họ liên tục vẽ và trưng bày triển lãm cách nhau thời gian ngắn?
- Tôi nghĩ, vẽ vội, bày liên tục triển lãm cũng chẳng nên lo. Vì còn có rất nhiều họa sĩ vẽ chậm rãi và chỉ bày triển lãm khi cần thiết. Quan trọng là tranh hay hoặc không. Điều đó cho thấy sự phong phú của nghệ thuật, và thị trường sẽ sàng lọc. Không phải ai vẽ nhiều, vẽ lâu, bày triển lãm nhiều… cũng thành họa sĩ nổi tiếng và ngược lại.
Theo anh làm thế nào để duy trì được sự bình ổn lâu dài của thị trường mỹ thuật với những tác phẩm hay, chất lượng, nhiều sáng tạo?
- Chúng ta đều thấy, kinh tế, đời sống xã hội phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của nghệ thuật cũng như thị trường nghệ thuật. Những năm qua đã xuất hiện rất nhiều nhà sưu tập, nhà đầu tư trong nước với nhiều bộ sưu tập chất lượng.
Giá nhiều tác phẩm mỹ thuật cũng được nâng lên đáng kể. Rõ ràng, điều kiện tiên quyết là ổn định sự phát triển kinh tế; đời sống xã hội ngày càng được nâng cao. Tiếp đó, chúng ta cần có những nhà đầu tư, kinh doanh nghệ thuật chuyên nghiệp, uy tín với đội ngũ phê bình nghệ thuật, giám tuyển có nghề. Tất cả điều đó sẽ kích thích đáng kể các nghệ sĩ - nhất là các họa sĩ trẻ, họ sẽ tự tin hơn khi dấn thân vào con đường sáng tạo đầy nhọc nhằn này.