Không ít các "ông lớn" Việt Nam sử dụng M&A như một công cụ để đưa công ty tăng trưởng vượt bậc. Sau các thương vụ M&A đình đám, nhiều doanh nghiệp đã có những kết quả kinh doanh đáng kinh ngạc.
Thời gian qua, số lượng các thương vụ M&A thành công giữa các nhà đầu tư trong nước chiếm phần lớn; sau đó là các nhà đầu tư nước ngoài đã hiện diện và hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Trong bối cảnh thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) gặp khó khăn do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam vẫn nổi lên những thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A) với sự tham gia tích cực của cả nhà đầu tư nội và ngọai.
Đáng chú ý, số lượng các thương vụ M&A thành công giữa các nhà đầu tư trong nước chiếm phần lớn; tiếp đến là các nhà đầu tư nước ngoài đã hiện diện và hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Kể từ khi M&A "manh nha" và bắt đầu phổ biến tại Việt Nam cho đến nay, thị trường tài chính chứng kiến không ít thương vụ M&A đình đám.
Trong lĩnh vực ngân hàng có không ít các thương vụ ghi dấu mạnh mẽ như hợp nhất 3 ngân hàng (SCB - Ficombank - TinNghiaBank), Mekong Bank sáp nhập Maritime Bank, MHB - BIDV, DaiABank - HDBank, Southern Bank - Sacombank…
Tuy nhiên, phải đến những năm gần đây, các thương vụ M&A mới thực sự để lại ấn tượng bởi những hệ quả phía sau đó.
Đầu tiên có thể kể đến thương vụ mua lại "ông vua bán lẻ" Việt Nam Big C của Central Group. Cụ thể, tháng 5/2016, Tập đoàn bán lẻ đến từ Thái Lan đã chi 1,14 tỷ USD để sở hữu Big C Việt Nam.
Trước đó, Big C Việt Nam thuộc sở hữu của Tập đoàn Casino (Pháp). Cuộc đua sở hữu Big C Việt Nam diễn ra gần 1 năm với sự tham gia của nhiều "ông lớn" trong lĩnh vực bán lẻ như Berli Jucker (Thái Lan), Lotte Group (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), Dairy Farm (Singapore) và Saigon Co.op (Việt Nam).
Cuối cùng, doanh nghiệp của gia đình tỷ phú Thái Lan Chirathivat đã dành phần thắng.
Tuy vậy, đến tháng 10/2021, hàng loạt siêu thị Big C tại Hà Nội đã chuyển đổi thành Tops Market. Việc đổi tên này vốn đã được Tập đoàn thông báo từ năm trước và đã thực hiện tại nhiều siêu thị ở TP HCM.
Như vậy, thương hiệu Big C tại Hà Nội trở thành "dĩ vãng" sau hơn 20 năm tồn tại và trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam.
Thương vụ M&A mà công ty Thai Beverage của tỷ phú Thái Lan thực hiện đối với Công ty Bia rượu nước giải khát Sài gòn (Sabeco) là một trong những thương vụ đình đám trong lịch sử M&A tại Việt Nam nói tiêng và ngành bia châu Á nói chung.
Đáng chú ý, thương vụ này cũng là yếu tố quan trọng để thị trường M&A Việt Nam vượt mốc 10 tỷ USD năm 2017.
Theo đó, tháng 12/2017, ThaiBev đã chi 4,8 tỷ USD (tương đương 110.000 tỷ đồng) mua 53,59% vốn của Sabeco.
Thương vụ ThaiBev mua hơn 53% vốn Sabeco đã vượt qua thương vụ 4 tỷ USD hồi năm 2012 khi Heineken thâu tóm ABP - công ty sở hữu nhãn bia Tiger.
Với lịch sử hàng trăm năm, sở hữu các thương hiệu có tiếng như Saigon Beer và 333 Beer, Sabeco hiện nắm giữ thị phần lớn trong ngành bia Việt Nam. Sabeco cũng được đánh giá là thương hiệu bia thuộc top đầu Asean.
Cho tới hiện tại, Sabeco lại chưa đạt được những kỳ vọng mà đại gia Thái Lan mong muốn khi doanh thu và lợi nhuận liên tục đi xuống.
Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp đã có những kết quả kinh doanh đáng kinh ngạc sau các thương vụ M&A đình đám.
HDBank
Nhắc tới nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, giới ngân hàng sẽ nói tới hai thương vụ M&A đình đám đó là các thương vụ sáp nhập DaiABank vào HDBank và mua Công ty tài chính SGVF từ Ngân hàng Société Générale (Pháp), rồi liên doanh với đối tác Nhật Bản để hình thành HD Saison ngày nay.
Sau M&A DaiABank, HDBank đã phát triển nhanh chóng. Với mức vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng ban đầu, tính đến hết ngày 30/9/2021, tổng tài sản của HDBank đạt hơn 346.000 tỷ đồng.
Theo thông tin sơ bộ kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 mà HDBank công bố, tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ duy trì thấp dưới 1%, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 1,4%, đều thấp hơn cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng vượt 12.100 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, thu thuần từ dịch vụ tại ngân hàng mẹ đạt gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm trước nhờ sự khởi sắc của các mảng banca và dịch vụ thanh toán.
Gelex
Trong giới đầu tư, cái tên Nguyễn Văn Tuấn (đại gia Tuấn "mượt"), Tổng giám đốc Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, MCK: GEX) nhiều lần gây chấn động thị trường với các thương vụ M&A nghìn tỷ, thâu tóm lượng lớn cổ phần ở 2 tổng công ty “gốc” Nhà nước.
Tháng 4/2019, Gelex chính thức mua vào 27 triệu cổ phiếu VGC của Tổng công ty Viglacera – CTCP ( MCK: VGC, qua đó nâng tổng số lượng cổ phiếu nắm giữ trực tiếp lên 57,1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 12,74%.
Đến tháng 10/2019, công ty TNHH Thiết bị điện Gelex - công ty con do Gelex sở hữu 100% vốn, mua thêm 30 triệu cổ phiếu VGC của Viglacera. Sau giao dịch, thông qua công ty con, Gelex đã tăng số cổ phần nắm giữ từ 57,1 triệu cổ phiếu lên 87,1 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ sở hữu tăng từ 12,74% lên 19,43%.
Sau nhiều lần mua vào từ các cổ đông lớn, tổng tỷ lệ sở hữu trực tiếp và gián tiếp thông qua công ty con và cá nhân liên quan của Gelex tại Viglacera lên đến 46,07% vốn điều lệ.
Nhờ hợp nhất với Viglacera, bức tranh kinh doanh của Gelex thêm nhiều phần tươi sáng. Theo báo cáo tài chính quý III/2021 mà GEX mới công bố, doanh thu trong kỳ của doanh nghiệp này tăng 28% lên 6.024 tỷ đồng, lợi nhuận gộp tăng 77% lên 960 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, Gelex báo lãi sau thuế đạt 344 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 69% so với cùng kỳ, trong đó, lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ ghi nhận 239 tỷ đồng.
Việc sở hữu quyền chi phối tại Tổng công ty Viglacera từ quý II/2021 đã giúp các chỉ số tài chính của Gelex tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng năm 2021, doanh thu ở mức 12.060 tỷ đồng (tăng 59%), lợi nhuận trước thuế tăng 79% lên 1.414 tỷ đồng.
Trong năm 2021 với việc hợp nhất Viglacera, Gelex đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.285 tỷ đồng. Với kết quả đạt được sau 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp vượt 11% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính đến hết tháng 9/2021, tổng tài sản của Gelex tăng gấp đôi lên mức 54.273 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu cũng đến từ việc sáp nhập Viglacera.
Masan
Sau khi thâu tóm chuỗi siêu thị Vinmart của Vingroup và chính thức đổi tên thành Winmart, CTCP Tập đoàn Masan (MCK: MSN) cũng đã thu được những trái ngọt đầu tiên.
Theo kết quả kinh doanh quý III/2021 mà Masan mới công bố, doanh nghiệp của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đạt doanh thu thuần 23.605 tỷ đồng và 1.586 tỷ đồng lãi sau thuế; tăng lần lượt gần 17% và 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng tăng gần 35% lên 1.147 tỷ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần Masan Group đạt 64.801 tỷ đồng, tăng trưởng 16,5% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ tăng trưởng doanh thu ở hầu hết các mảng kinh doanh như doanh thu Masan Consumer Holdings tăng 14,3%, Masan MEATLife tăng 32,8% và 89,3% của Masan High-Tech Materials.
Lợi nhuận ròng trong 9 tháng năm 2021 của Tập đoàn Masan tăng 119,5%, đạt mức 2.126 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập từ mảng kinh doanh chính trong 9 tháng tăng 1.864% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu nhờ vào tỷ suất lợi nhuận tuyệt đối cao hơn ở tất cả các mảng kinh doanh.
Đặc biệt, quý III/2021 là quý đầu tiên WinCommerce và mảng kinh doanh thịt MEATDeli của Masan MEATLife đều đạt lợi nhuận ròng dương.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của WinCommerce ( đơn vị vận hành chuỗi WinMart và WinMart+) tăng 1,3% mặc dù số điểm bán lẻ đi vào hoạt động ít hơn gần 200 điểm so với cùng kỳ năm ngoái do phân khúc siêu thị mini tăng trưởng mạnh, bù đắp cho ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với phân khúc siêu thị.
Thế nhưng, chỉ tính riêng quý III/2021, doanh thu thuần của chuỗi bán lẻ này tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước nhờ WinMart+ tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 25,5% và WinMart tăng trưởng 19,1%.
Trong 9 tháng đầu năm, chuỗi WinMart+ đạt doanh thu thuần 16.168 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần quý III/2021 của WinMart+ tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu/m2/tháng trên cơ sở Like-for-Like (LFL) tại các siêu thị mini (đóng góp 67% doanh số WinCommerce) đạt mức tăng trưởng 19,9% trong 9 tháng đầu năm và 33,2% trong quý III/2021.