Ngày 9/3, tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển Cộng đồng bền vững – SCODE, Hội Khoa học Đông Nam Á đã tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu “Đầu tư có trách nhiệm của các công ty Việt Nam trong lĩnh vực nông lâm nghiệp tại Lào”.
Quang cảnh hội thảo.
Đây là kết quả 2 chuyến khảo sát thực địa tại Lào vào Tháng 6/2017 và tháng 1/2018 với sự hỗ trợ của Lãnh sứ quán Việt Nam tại Paks; nhóm Học hỏi và Liên minh về Đầu tư xuyên Biên giới có trách nhiệm ( L&A) đã tiến hành khảo sát tại các công ty Cao su Việt – Lào, Công ty Cổ phần Cà phê Tín – Nghĩa tại tỉnh Champasak; công ty Thanh Bình huyện Sopbao; công ty Thongvixay, công ty Lê Minh Châu tại huyện Viengxai…
Ngoài ra, nhóm cũng đã tiếp cận với người lao động tại các doanh nghiệp cũng như người dân bản địa về vấn đề đầu tư và đầu tư có trách nhiệm.
Ông Phạm Văn Dũng, thành viên Nhóm nghiên cứu cho biết, bên cạnh những thuận lợi trong môi trường kinh doanh tại Lào, các nhà đầu tư Việt Nam khi bước chân vào thị trường này cũng phải đối diện với nhiều rào cản.
“Rào cản đầu tiên ít được nhà đầu tư nhắc đến nhưng biểu hiện rất rõ trên thực tế, theo chuyên gia này, là hạn chế của chính nhà đầu tư về khả năng nắm bắt thông tin, chính sách, xác định đúng môi trường và cơ hội đầu tư, chuỗi giá trị và thị trường phù hợp với nội lực. Việc thực hiện luật, chính sách trên thực tiễn chưa giúp xác định và phân biệt rõ để ưu tiên các nhà đầu tư lâu dài, có trách nhiệm, có đóng góp cha sẻ lợi ích. Vì vậy, các nhà đầu tư có trách nhiệm và bền vững chưa được bảo vệ trước các nhà đầu tư ngắn hạn”, ông Dũng nói.
Cũng theo kết quả khảo sát, ngôn ngữ và văn hóa cũng là một trong những rào cản đối với DN Việt khi đầu tư tại Lào.
Tại buổi chia sẻ kết quả khảo sát, đại diện nhiều DN Việt đang đầu tư tại Lào cũng thừa nhận, việc không hiểu tiếng Lào và hiểu phong tục tập quán, những điều cấm kỵ đã làm giảm hiệu quả sản xuất, gây ra hiểu lầm, rắc rối và thiệt hại không đáng có.
Thậm chí nhiều lao động địa phương không muốn hợp tác với người quản lý khi nói to hoặc có những cử chỉ được coi là xúc phạm đến họ.
Từ thực trạng trên nhóm khảo sát đã đưa ra những khuyến nghị cho các nhà đầu tư.
Trong đó, các nhà đầu tư cần nhận biết rõ những khoản đầu tư ngoài dự kiến như hỗ trợ xây dựng hạ tầng, đóng góp tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao ở địa phương để có được sự ủng hộ của cộng đồng.
Đặc biệt, cần lưu ý tìm hiểu rõ và tôn trọng quyền sử dụng đất theo luật tục của cộng đồng địa phương.
Nhà đầu tư chỉ có thể hoàn thành tốt trách nhiệm trong sử dụng đất khi người dân địa phương đồng thuận và được tham gia vào dự án với tư cách là “chủ đất” theo truyền thống.
Từ kết quả khảo sát, nhóm đã đưa ra các khuyến nghị dành cho các nhà đầu tư cũng như chính quyền địa phương.
Trong đó, nhóm đã đưa ra việc chia sẻ lợi ích khi xem xét trách nhiệm và tính bền vững của các DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Theo đó, việc chia sẻ lợi ích là việc các nhà đầu tư mang lại các lợi ích vật chất, văn hóa, tinh thần một cách hài hòa với cộng đông nơi đang đầu tư, tạo việc làm, góp phần tang thu nhập, cải thiện cơ sở hạ tầng, đóng góp vào ngân sách địa phương và có hoạt động bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, khi tiếp cận các DN có quy mô đa dạng (lớn, trung bình, nhỏ) với định hướng đầu tư khác nhau (dài hạn, trung hạn và ngắn hạn) nhóm đã phát hiện, không chỉ các DN lớn mới có thể chia sẻ lợi ích, mà các DN nhỏ cũng có thể chia sẻ lợi ích tốt trong phạm vi nguồn lực có hạn.
Tuy nhiên, các DN có định hướng đầu tư dài hạn thường có được tầm nhìn và chiến lược chia sẻ một cách rõ ràng, ổn định và hài hòa hơn.
Được biết, trong 10 năm trở lại đây, đầu tư trực tiếp sang Lào của DN Việt Nam đã tang lên đáng kể.
Việt Nam trở thành nước đứng thứ 2 với số vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD tại Lào, chủ yếu trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp.