Sáng ngày 27/10 tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) đã tổ chức Hội thảo “Sức khỏe tâm thần và sử dụng ma túy trong thanh thiếu niên: Thấu hiểu và hỗ trợ”. Tại hội thảo nhiều chuyên gia cho biết, có rất nhiều nguyên nhân đa dạng dẫn đến việc sử dụng ma túy ở thanh thiếu niên song hầu hết thanh thiếu niên sử dụng ma túy ban đầu chỉ với mục đích thử nghiệm, tìm cảm giác lạ.
Các đại biểu chia sẻ tại hội thảo.
Theo Bác sỹ Nguyễn Song Chí Trung - Trung tâm chuyển giao công nghệ điều trị nghiện và HIV (VHATTC) – Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, có rất nhiều nguyên nhân đa dạng dẫn đến việc sử dụng ma túy ở thanh thiếu niên, nhưng thông thường luôn có những lý do đằng sau như: sức ép của việc khẳng định bản thân và thuộc về nhóm bạn bè, bị bạo hành, bị lạm dụng, bố mẹ ly hôn, cuộc sống quá cơ cực, v.v….
Hầu hết thanh thiếu niên sử dụng ma túy ban đầu chỉ với mục đích thử nghiệm và ngưng sử dụng sau một thời gian, nhưng có một bộ phận sẽ có nguy cơ cao hơn với việc lạm dụng và nghiện ma túy do có chịu ảnh hưởng của các yếu tố khác.
Cũng theo Bác sỹ Trung, sự kỳ thị và phân biệt đối xử là một rào cản nghiêm trọng hạn chế việc chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ và tiếp cận hỗ trợ của các thanh thiếu niên sử dụng ma túy, khi có đến 65.9% lo sợ phản ứng của mọi người nếu biết mình sử dụng ma túy và 53.8% cảm thấy cần thiết phải che giấu tình trạng.
“Hiện chưa có một nghiên cứu riêng biệt về kỳ thị - phân biệt đối xử trên thanh thiếu niên có vấn đề về sử dụng ma túy và mắc rối loạn tâm thần, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy nhóm này sẽ phải chịu sức ép rất lớn từ việc bị kỳ thị khiến các em càng khép kín và bế tắc hơn. Càng bị cô lập thì việc chẩn đoán các rối loạn sẽ càng muộn, điều trị sẽ bị trì hoãn, khiến cho những tổn thương do nghiện ma túy và rối loạn tâm thần gây ra cho não bộ sẽ khó hồi phục và mất thời gian hơn rất nhiều” – Bác sỹ Nguyễn Song Chí Trung cho biết.
Tại Việt Nam, theo báo cáo mới nhất của UNICEF (2018) về tình hình sức khỏe tâm thần trong trẻ em và thanh niên độ tuổi từ 14 đến 18 thì tỷ lệ̣ trung bình mắc các rối loạn tâm thần của nhóm này là 12%, phổ biến là trầm cảm, rối loạn lo âu, sợ cô đơn và tăng động giảm chú ý. Như vậy, ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần nhưng chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được các hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết, khiến cho một bộ phận các bạn tìm kiếm và sử dụng rượu, thuốc lá và ma túy để “tự chữa”, xoa dịu các dấu hiệu của rối loạn tâm thần.
Tuy nhiên điều này không những không giúp ích trong việc điều trị các rối loạn tâm thần mà còn làm tăng nguy cơ lạm dụng chất dẫn đến sự phụ thuộc, tự biến mình thành con nghiện.