Giá trị giao dịch qua ví điện tử ngày càng lớn, cá nhân đua nhau mở ví điện tử để thực hiện thanh toán các dịch vụ đi lại, tiền điện, tiền nước. Thế nhưng, tỷ trọng thanh toán dùng tiền mặt vẫn rất lớn.
Trong thanh toán điện tử thì ví điện tử là một công cụ thanh toán hữu hiệu. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấp phép cho hơn 20 ví điện tử được cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam. Một số ví điện tử khá phổ biến tại Việt Nam là Momo, Airpay, Payoo, VNPT Pay, Mobi Vi, Bảo Kim, Vimo, Moca, Ngân lượng, Viettel Pay, Zalo Pay, Ví việt.… Hiện nay, có rất nhiều nhà cung cấp chấp nhận cho khách hàng thanh toán bằng ví điện tử. Để có được tài khoản ví điện tử, khách hàng chỉ cần vào website của nhà cung cấp dịch vụ rồi vào đó nạp tiền vào ví của mình từ tài khoản ngân hàng hoặc qua thẻ trả trước, tài khoản thẻ ATM.
Nhiều quan điểm cho rằng, số lượng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực thanh toán điện tử ngày càng nhiều khiến sự cạnh tranh trên thị trường thêm gay gắt, trong khi công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực này giống nhau. Vì vậy, các doanh nghiệp phải cạnh tranh bằng cách tăng khuyến mãi, giảm chi phí cho người dùng. Cũng trong thời gian gần đây, các ví điện tử tung thêm nhiều tính năng để phục vụ khách hàng. Ngoài việc ứng dụng công nghệ thanh toán quét QR, một số ví điện tử tiếp tục ứng dụng công nghệ quét AR cho phép khách hàng xem tiếp nhận thông tin theo cách mới mẻ, không gây nhàm chán.
Giới chuyên gia cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra nhiều cơ hội để phát triển thanh toán hiện đại, dễ sử dụng. Chính vì vậy, ví điện tử có đầy tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay thì thanh toán bằng tiền mặt vẫn “thống trị”, bởi nó vẫn là thói quen ở Việt Nam. Tuy có 40% dân số đã có tài khoản ngân hàng, song vẫn còn tới 90% chi tiêu hàng ngày sử dụng tiền mặt, 99% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100 nghìn đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền.
Đặc biệt, với khu vực nông thôn, mục tiêu tăng thanh toán không dùng tiền mặt càng khó khăn vì đại bộ phận người dân chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ và tiện ích thanh toán hiện đại. Thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu, bén rễ vào tiềm thức của dân chúng. Bên cạnh đó, hạ tầng thanh toán ở nông thôn còn yếu.
Thời gian qua, NHNN đã tích cực đẩy mạnh các giải pháp nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là nghiên cứu áp dụng nhiều phương tiện thanh toán mới, hiện đại. NHNN đã thí điểm một số mô hình thanh toán dựa trên sự hợp tác giữa các ngân hàng thương mại và một số tổ chức thông qua sử dụng phương thức thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng. Tính đến cuối quý I/2018, các mô hình thí điểm trên đã xây dựng được trên 72.000 điểm cung cấp dịch vụ thanh toán, chuyển tiền trên toàn quốc, phục vụ cho khoảng 7 triệu lượt khách hàng bao gồm cả các khách hàng chưa có tài khoản tại ngân hàng.