Theo thông tin từ BV Nhi Trung ương, khoảng một tháng trở lại đây, số lượng bệnh nhi bị nhiễm virus hợp bào hô hấp gia tăng đột biến.
Trong đó, nhóm trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi phải đối diện với nhiều nguy cơ. Hiện có gần 20 trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV - Respiratory Syncytial virus) phải điều trị nội trú. Điều đáng ngại là có nhiều trường hợp, gia đình không nhận biết tình trạng nặng của bệnh nhi, mà chỉ ngỡ đó chỉ là cảm cúm thông thường. PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh- Phó trưởng khoa Hô hấp cho biết, mỗi ngày, chỉ riêng khoa hô hấp đã tiếp nhận từ 5-10 ca bệnh nặng, tập trung vào nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Theo các chuyên gia, RSV là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi. Bệnh phát triển mạnh vào mùa đông - xuân, xuân - hè, nhưng năm nay, dịch bệnh xuất hiện sớm hơn. “Nguyên nhân có thể do sự biến đổi thời tiết và biến đổi cấu trúc gen của RSV”- BS Hanh nhận định.
Khi trẻ nhiễm RSV, triệu chứng khởi điểm là hắt hơi, sổ mũi nhiều và có thể sốt nhẹ tới cao. Một số trẻ bị nhẹ vẫn có thể sinh hoạt bình thường, thậm chí tự khỏi bệnh sau 3-5 ngày.
Tuy nhiên, với nhiều trường hợp, đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, trẻ đẻ non, thiếu cân, tim bẩm sinh… do sức đề kháng kém, cấu trúc đường thở chưa hoàn thiện nên dễ bị virus tấn công. Mặt khác, RSV có áp lực với đường hô hấp nên trường hợp nhẹ có thể gây ra các triệu chứng viêm đường hô hấp trên (viêm mũi họng, viêm tai giữa). Nặng hơn là dẫn tới viêm tiểu phế quản, viêm phổi, suy thở nhanh.
Theo BS Hanh, bệnh do RSV gây ra không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi trẻ mắc bệnh, cần cho trẻ uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt và đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt, giàu vitamin… Trẻ có thể tự khỏi, nhưng cần theo dõi sát để phát hiện các dấu hiệu nặng và đưa trẻ tới bệnh viện, cơ sở y tế kịp thời. Những trường hợp bội nhiễm phổi phải uống thuốc kháng sinh, truyền dịch, thậm chí hỗ trợ thở ôxy… Tuy vậy, BS Hanh khuyến cáo, điều này không có nghĩa khuyến khích các gia đình tự điều trị cho con ở nhà, tự mua thuốc cho con uống mà vẫn phải tới các cơ sở y tế để thăm khám. “Bởi cha mẹ sẽ không thể nhận định được trẻ chỉ bị nhiễm virus thông thường hay đã bị nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới để quyết định sử dụng thuốc một cách hợp lý”- theo BS Hanh.
Các chuyên gia y tế cũng cho biết, để phòng bệnh, tránh đưa trẻ tới nơi công cộng, tiếp xúc với những người có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi… Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn rất quan trọng bởi virus có thể sống vài giờ trên mặt bàn, ghế, đồ chơi, bàn tay… Các bậc cha mẹ cũng cần rửa tay sạch trước khi chăm sóc trẻ và đặc biệt tránh thói quen hôn trẻ – có thể làm lây lan virus.