Kinh tế Việt Nam đến cuối năm 2022 đã thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết các địa phương. Đây chính là động lực để doanh nghiệp thích ứng với bối cảnh mới, đạt tăng trưởng như kỳ vọng.
Đầu tư công vẫn là cứu cánh
Chia sẻ tại Hội thảo “Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023”, do Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, PGS.TS Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) cho biết, kinh tế Việt Nam đến cuối năm 2022 đã thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết các địa phương, khá đều ở các lĩnh vực. Dự kiến tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 ước đạt 8%, trong khi lạm phát bình quân tăng hơn 3%, xuất khẩu tăng khoảng 12%, tiêu dùng cuối cùng tăng trên 10%, đầu tư tăng khoảng 9%... Song cũng dễ nhận thấy một số dấu hiệu đáng lo ngại: Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có dấu hiệu đang chậm lại. Thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng đối mặt với áp lực ngày càng tăng do chính sách tiền tệ thắt chặt và tăng lãi suất để giảm lạm phát của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed)… Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại, tình hình cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên xuất hiện trở lại.
Trong bối cảnh này, đề cập tới một số giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, ông Hùng cho rằng, đầu tư công vẫn là cứu cánh. Khi kinh tế suy giảm thì tăng đầu tư công chính là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng. Nhất là trong điều kiện cụ thể hiện nay, khi mà dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều, dư địa của chính sách tài khóa còn tương đối tốt nhờ những nỗ lực để đảm bảo cân đối tài chính ngân sách thời gian qua, tỷ lệ nợ công, bội chi ở mức thấp so với trần quy định.
Do đó, với việc nới thêm các chỉ tiêu để mở rộng chính sách tài khóa, sẽ tăng thêm nguồn lực cho đầu tư công (chi đầu tư phát triển khoảng gần 730 nghìn tỷ đồng, cao hơn 2022 được phân bổ là gần 530 nghìn tỷ đồng).
Tuy nhiên, theo ông Hùng, để nguồn lực này đạt hiệu quả cao nhất thì dòng vốn cho đầu tư công phải đi đúng hướng, đúng lĩnh vực, đúng tiến độ để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực.
Tháo gỡ về cơ chế, chính sách
Nhìn lại kết quả đạt được trong năm 2022, ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, kết quả phát triển kinh tế năm 2022 rất đáng phấn khởi so với những khó khăn mà chúng ta đã trải qua. Trong đó, chúng ta đã thực hiện thành công một phần cơ cấu nền kinh tế, tuy nhiên thời gian tới cũng đặt ra nhiều thách thức ở nội tại và bên ngoài, DN tiếp tục gặp khó khăn. “Năm 2023 là năm phải thực thi các hành động một cách mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời và đầy đủ các giải pháp đã đề ra” - ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo ông Hiếu, đối với các nhóm giải pháp đã được đặt ra, cần bám sát những khó khăn của cộng đồng DN để kịp thời giải quyết. Cần tập trung giải quyết các vấn đề căn cơ như vấn đề đầu tư công. Đồng thời chúng ta cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là tính minh bạch và công bằng, hướng tới chất lượng cao hơn không chỉ đơn thuần là giải quyết các thủ tục hành chính.
Đưa ra các giải pháp cụ thể, vị chuyên gia nhấn mạnh: “Chúng ta cần tập trung giải quyết những vấn đề rất căn cơ như giải ngân đầu tư công. Vấn đề này năm nào cũng nói, vậy điểm nghẽn ở đâu thì phải xử lý cho triệt để. Hay như gói phục hồi 350.000 tỷ đồng, năm đầu tiên tốc độ giải ngân có thể chậm, cần phải có sự đột phá trong năm 2023”.
Đặc biệt, các chuyên gia quan tâm đến câu chuyên tháo gỡ những nút thắt trong lĩnh vực bất động sản, đây là yếu tố quan trọng để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Ông Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, năm 2022 còn nhiều khó khăn, vướng mắc và các thách thức vẫn còn kéo dài sang cả năm 2023. Do đó, cần ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bất động sản an toàn. Theo ông Khôi, Chính phủ đang giao tổ công tác địa phương, chính quyền địa phương thống kê những khó khăn vướng mắc tại các dự án. Từ đó, báo cáo lên Chính phủ, Quốc hội để có giải pháp tháo gỡ. Ngoài ra, hiện nguồn vốn cũng đang khiến DN gặp khó thì nên tập trung vào dự án nhà ở thu nhập thấp, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để đưa dự án nhanh chóng đưa vào triển khai, cần có mặt bằng sạch, hệ thống cơ sở hạ tầng đầy đủ, hoàn thiện và rút ngắn thủ tục thực hiện đầu tư.
Năm 2023, Quốc hội, Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các chỉ tiêu chủ yếu được xác định là tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.