Trong năm học tới, một số trường đại học chủ động xây dựng đề án hỗ trợ sinh viên, trong đó có trường quyết định không tăng học phí theo lộ trình nhằm chia sẻ với người học.
Giảm áp lực học phí
Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Theo đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GDĐT khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, thống nhất với các bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP.
Việc sửa nghị định theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP, trình Chính phủ trước ngày 8/8. Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu không tăng học phí năm học 2023 - 2024.
Thông tin trên khiến nhiều sinh viên vui mừng, phấn khởi vì giảm gánh nặng học phí sẽ tăng cao trong năm học tới.
Em Nguyễn Quỳnh Giang, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Giao thông vận tải cho hay, từ khi bước chân vào cổng trường đại học, mọi chi phí sinh hoạt, thuê nhà trên thành phố hầu hết do em tự lo. Thế nên, việc trường đại học sẽ tăng học phí theo lộ trình từ 10-20% trong những năm tới đây sẽ là gánh nặng lớn.
“Em rất mừng khi đọc thông tin Chính phủ yêu cầu không tăng học phí trong năm học 2023-2024. Em sẽ giảm giờ làm thêm để tập trung vào học tập hơn”, Giang chia sẻ.
Tương tự, em Nguyễn Thanh Tú, sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Ngoại thương cho biết: “Nếu tiền học phí không tăng, em sẽ sử dụng số tiền tiết kiệm để học thêm các chứng chỉ tiếng Anh, Tin học”.
Nhiều chính sách hỗ trợ người học
Nhằm chia sẻ, đồng hành với sinh viên, trong năm học tới, một số trường đại học chủ động xây dựng đề án hỗ trợ sinh viên, trong đó có trường quyết định không tăng học phí theo lộ trình.
Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM vừa thông báo đến sinh viên sẽ không tăng học phí năm học 2023- 2024. Theo đó, học phí chương trình đào tạo chuẩn là 354.000 đồng/tín chỉ. Học phí chương trình chất lượng cao là 770.000 đồng/tín chỉ. Học phí này được duy trì liên tục 4 năm nay mà không tăng.
Năm học 2023-2024, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội quyết định không tăng học phí theo lộ trình nhằm chia sẻ, đồng hành với người học.
Theo lãnh đạo Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP, năm học 2023-2024, mức học phí quy định đối với nhà trường được tăng tối đa 30-53% (tùy từng ngành học) so với năm học 2022-2023.
Mặc dù phải chịu áp lực từ lộ trình tự chủ tài chính, song Hội đồng Trường đã cân nhắc các phương án và quyết định không tăng theo lộ trình quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP.
Quyết định này nhằm tránh gây sốc với sinh viên và phụ huynh. Đồng thời, chia sẻ khó khăn với người học, gia đình và xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như đời sống kinh tế xã hội còn khó khăn.
Ngoài việc chia sẻ về học phí đối với người học năm học 2023-2024, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội còn có thêm các chính sách để đồng hành, hỗ trợ và chia sẻ với người học như: Hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP; học bổng chính sách, học bổng tài trợ; trợ cấp khó khăn, học phí học online; chỗ ở ký túc xá…
Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định, từ năm học 2022-2023, học phí của cơ sở giáo dục công lập tăng theo lộ trình hằng năm.
Các cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên thực hiện theo khung học phí từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026, lộ trình điều chỉnh không quá 12,5%/năm từ năm học 2026-2027. Việc này do thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quyết định, căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội của cả nước và các chỉ số lạm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm.