Mặc dù chưa hết năm 2020 nhưng hiện nay, nhiều trường ĐH ở khu vực phía Nam đã bắt đầu lên kế hoạch cho kỳ tuyển sinh năm 2021.
So với những năm gần đây, điểm khác biệt của kỳ tuyển sinh năm tới là nhiều ngành nghề mới, những nghành nghề về công nghệ đón đầu xu thế xã hội được các trường mở ra để đáp ứng nhu cầu thực tiễn cũng như sinh viên.
Cụ thể, theo ghi nhận của chúng tôi, đại diện Trường ĐH Công nghệ TP HCM cho biết năm nay trường bổ sung đến 7 ngành mới, nâng tổng số ngành đào tạo trình độ ĐH dự kiến là 52 ngành. Các ngành mới này gồm có nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ như robot và trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu hay nhóm kinh tế - quản trị như quản trị nhân sự và ngành quan hệ công chúng, quan hệ quốc tế thuộc nhóm khoa học xã hội. Theo trường này, đây là những ngành đang có nhu cầu rất lớn ở hiện tại và tương lai nhưng nguồn nhân lực lại khan hiếm. Như hai ngành robot và trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, trường muốn đào tạo để phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tương tự, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM cũng dự kiến mở thêm 5 ngành mới gồm: Tài chính quốc tế, bất động sản, thiết kế đồ họa, báo chí, tâm lý học để đáp ứng nhu cầu người học và thị trường lao động.
Trong khi đó, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM dự kiến sẽ mở thêm 6 ngành đào tạo mới, nâng tổng số ngành, nhóm ngành lên đến 43. Cụ thể là các ngành kinh tế tài nguyên thiên nhiên, kỹ thuật hóa phân tích, quản trị nguồn nhân lực, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, quản lý đô thị thông minh và bền vững, robot và hệ thống điều khiển thông minh.
Cũng tập trung vào các ngành mới, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM cho biết đang hoàn thiện thủ tục xin phép mở thêm 4 ngành mới để tuyển sinh năm 2021 là hoá dược và hợp chất thiên nhiên,kinh doanh thời trang và dệt may, quản trị kinh doanh thực phẩm và marketing…
Một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cho biết, xu hướng công nghệ hoá, ứng dụng công nghệ trong cuộc sống không chỉ dừng ở các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt. Nhiều mô hình như chính quyền đô thị, đô thị thông minh, giao thông thông minh…. đang được triển khai và sẽ cần nguồn nhân lực rất lớn.
Vì vậy, nhu cầu của người học và người sử dụng lao động ở các lĩnh vực này cũng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới nên các trường mở thêm những ngành nghề này là cần thiết, đúng đắn. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng đào tạo cũng là một thách thức với cơ quan quản lý vì là ngành nghề mới.