Nhiều vụ nhận hối lộ được phát hiện

H.Vũ 14/09/2023 06:52

Ngày 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2023.

Toàn cảnh phiên họp.

Tội phạm ma tuý gia tăng

Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2023, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, về công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp, bảo đảm phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân và đấu tranh có hiệu quả đối với các vi phạm pháp luật và tội phạm.

Theo đó, một số loại tội phạm được kiềm chế và kéo giảm như: số vụ phạm tội có tổ chức giảm 26,92%; số vụ dâm ô với người dưới 16 tuổi giảm 5,62%. Về tình hình an toàn giao thông, giảm cả 3 tiêu chí: số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tổng thể chung, tội phạm gia tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại tài sản do tội phạm gây ra.

Đáng chú ý, số vụ tội phạm ma túy phát hiện tăng 18,42%; số ma túy tổng hợp thu giữ tăng đặc biệt cao (1.484,19%), cho thấy diễn biến hết sức phức tạp của tội phạm ma túy. Tình trạng sử dụng trái phép ma túy, nhất là ma túy tổng hợp diễn ra ở nhiều địa phương; xuất hiện một số loại ma túy núp bóng thuốc lá điện tử, đồ uống, thực phẩm, gây tác hại nhiều mặt đến thanh, thiếu niên.

Liên quan đến vấn đề tội phạm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đặt vấn đề: Vì sao chúng ta có đầy đủ lực lượng chức năng nhưng tội phạm ma túy vẫn tăng? Nguyên nhân do sự phối hợp hay vì lý do gì khi mà lực lượng chức năng hàng không cũng có, biên giới cũng có. Do đó đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu đánh giá vấn đề này kỹ hơn nữa.

Trong khi đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu, theo báo cáo của Chính phủ, tội giết người tăng trên 20%, cướp tài sản tăng trên 53% lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng trên 57% và gây rối trật tự công cộng tăng tới 88%. Từ đó, bà Thanh đề nghị trong các báo cáo của các cơ quan cần phân tích và nêu kỹ hơn nguyên nhân việc gia tăng một số loại tội phạm nêu trên, để có những giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

Khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”

Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 71,46% về số vụ, tăng 116,17% số đối tượng, đặc biệt, số vụ nhận hối lộ tăng 312,5%. Điều này cho thấy, với quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước, công cuộc chống tham nhũng ngày càng đạt hiệu quả.

Liên quan đến vấn đề phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bà Nguyễn Phương Thuỷ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng. Quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung. Đây là những tồn tại, hạn chế nhưng đồng thời cũng là những nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.

Theo bà Thuỷ, báo cáo cũng chưa đề ra được những giải pháp cụ thể để khắc phục những tồn tại, hạn chế này. Do đó trong thời gian tới đặc biệt trong công tác cán bộ cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn để làm sao đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện một cách đầy đủ, đúng pháp luật các nhiệm vụ, công vụ được giao và không để xảy ra tham nhũng.

Thiếu tướng Lê Văn Tuyến - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết thêm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng kinh tế và các loại tội phạm về tiêu cực, tham nhũng kinh tế cũng quyết liệt hơn. Ông Bùi Ngọc Lam - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, nhất là trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Qua 1 năm hoạt động, đã khởi tố mới 530 vụ án với 1.858 bị can phạm tội về tham nhũng và xử lý nhiều cán bộ có vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh” mà trước đây là tồn tại lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng.

“Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt. Hiện nay chúng tôi đã thành lập Ban Chỉ đạo để triển khai kế hoạch theo quyết định của Thủ tướng và sớm triển khai để hoàn thành trong năm 2023 và đầu năm 2024 để đưa vào hoạt động”-ông Lam cho biết về giải pháp trong thời gian tới để phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Thi hành án dân sự tăng vọt

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, năm 2023 số vụ việc và tiền trong thi hành án dân sự tăng vọt. Ví dụ, vụ việc tăng khoảng 18% so với năm 2022, và tăng 25,5% về tiền. Kết quả thực hiện thi hành án cũng khá khả quan với số tiền tuyệt đối là hơn 77.000 tỷ đồng, tăng trên 18.000 tỷ đồng so với năm 2022. Trong các vụ án về tham nhũng kinh tế, số tiền tuyệt đối thu được khoảng 20.000 tỷ đồng, tăng gần 9.500 tỷ đồng so với năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều vụ nhận hối lộ được phát hiện