Sáng 11/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức hội thảo Góp ý dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.
PGS Bùi Thiện Dụ (ĐH Phương Đông) cho rằng chúng ta đang có xu hướng đào tạo học sinh thành những người ngoan, muốn xã hội mọi người chỉ nghe lời, chỉ chấp hành! Kết quả là nhìn thấy một “sự hoàn thiện của sự nghe lời, sự ngoan ngoãn, sự robot hóa”… Vì vậy, PGS Dụ góp ý cho Luật Giáo dục nên quan tâm đến vấn đề này.
Bên cạnh đó, có đại biểu cho rằng chúng ta có Bộ GDĐT. Nếu chỉ để là Luật Giáo dục thì cụ thể trong Luật có cần nhắc đến? Luật Giáo dục có ghi rõ hệ thống giáo dục quốc dân gồm: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục ĐH. Nhưng thực tế luật này chỉ chi tiết hóa cho giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non. Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH được tách ra thành các luật tiêng. Vì đây là luật gốc cho giáo dục nên PGS Dụ cho rằng việc tách ra hai lĩnh vực đặc thù là giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH nên được ghi nhận cụ thể ngay ở phần đầu, cụ thể là ở mục 1 “phạm vi điều chỉnh”. Các luật riêng trong lĩnh vực giáo dục ĐH hay giáo dục nghề nghiệp cũng phải thống nhất, tương thích với những phần chung của luật này.
PGS Dụ cũng lưu ý không nên liệt kê hàng loạt nhiệm vụ cụ thể vừa thừa, vừa thiếu như trước đây, bởi không thể kể hết những việc phải làm mà chỉ nêu tóm gọn lại, nêu vấn đề đặc thù của giáo dục… còn các vấn đề còn lại thì tuân theo các luật khác liên quan.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Giới (Hội Thư viện Việt Nam) cho rằng, hiện nay, dự thảo Luật mới đề cập đến nhiệm vụ của giáo dục mầm non là nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Tuy nhiên, hàng loạt vụ bạo lực học đường xảy ra thời gian qua cho thấy nhà trường- nơi đáng lẽ phải là môi trường an toàn cho trẻ thì đang tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn. Đáng đau xót hơn là các nguy cơ này lại có phần xuất phát từ chính các cô giáo, người có trách nhiệm chăm sóc các em.
Về vấn đề này, TS Phạm Tất Thắng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng vấn đề bảo vệ trẻ em đã được đề cập cụ thể trong Luật Trẻ em 2016. Còn Luật Giáo dục chỉ quy định các vấn đề liên quan đến giáo dục và đào tạo, cần tách bạch các vấn đề với nhau. Mặc dù vậy, bất cứ nhà trường nào cũng cần tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Giáo dục hay Luật Trẻ em và các Luật khác đã được Nhà nước ban hành.
Liên quan đến dạy và học tiếng Anh, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri-Viện trưởng Viện Đào tạo – Nghiên cứu về Tổ chức và Hành chính, ngoại ngữ quy định trong chương trình giáo dục là ngôn ngữ sử dụng “phổ biến trong giao dịch quốc tế”. Ông Tri đặt câu hỏi, có thể ghi cụ thể là tiếng Anh không? Đây là điều cần rút kinh nghiệm của nền giáo dục Việt Nam trước đây, lúc học tiếng này, lúc học ngôn ngữ khác dẫn đến không hiệu quả.
Chia sẻ quan điểm này, TS Nguyễn Hữu Ninh- Chủ tịch Hội đồng Quản lý Trung tâm nghiên cứu, giáo dục Môi trường và Phát triển (VUSTA) cho rằng việc dạy và học tiếng Anh và các ngoại ngữ khác cần đề cập cụ thể hơn nữa trong Luật Giáo dục. Gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam cho thấy tầm quan trọng của việc dạy và học tiếng Anh hiện nay. Chúng ta cần đưa vào Luật để quyết tâm thực hiện, là việc cần làm ngay không thể chậm trễ được nữa.
Bày tỏ ủng hộ ý kiến trên, GS.TS Nguyễn Đình Hương- nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, Luật nên quy định tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai và cần phổ cập tiếng Anh, khuyến khích các ngôn ngữ khác. Chính phủ và Bộ GDĐT cũng đã có những đề án ngoại ngữ theo lộ trình để thấy tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ trong thời đại công nghiệp hiện nay, bất cứ ngành nghề nào cũng cần sử dụng ngoại ngữ ở các cấp độ, mục đích khác nhau. Đã đến lúc cần quy định cụ thể vấn đề này trong Luật để làm cơ sở triển khai các đề án, kế hoạch nâng cao năng lực ngoại ngữ của người dân Việt Nam nói chung.