“Nhìn” là tên triển lãm khá đặc biệt đang diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt- Hà Nội), kéo dài tới hết ngày 9-4. Thông qua những bức ảnh chụp trẻ em tự kỷ ở Việt Nam và thế giới, triển lãm mong muốn cộng đồng cùng thấu hiểu với trẻ tự kỷ và gia đình họ.
Cậu bé Nem bên bức ảnh chụp chính mình.
Ngày 2-4 tới đây, lần đầu tiên “Ngày Việt Nam nhận thức về chứng tự kỷ” sẽ được tổ chức. Nhân dịp này có nhiều chương trình nghệ thuật vì trẻ tự kỷ, ủng hộ người tự kỷ và do chính người tự kỷ tham gia cũng sẽ được tổ chức. |
Những bức ảnh trưng bày trong triển lãm là của nhiếp ảnh gia Debbie Rasiel (người Mỹ). Chị cũng là một người mẹ có con bị tự kỷ. Debbie chia sẻ, Việt Nam là nơi có trình độ học vấn cao, nhưng nhận thức về hội chứng tự kỷ vẫn còn nhiều hạn chế. Khi tới Việt Nam, chị thực sự rất buồn khi chứng kiến quá nhiều trẻ em tự kỷ phải ở trong nhà và không có cơ hội được đi học. Đó là những đứa trẻ thông minh nhưng kỹ năng của các em chưa được phát triển. Theo Debbie Rasiel, trong số những đứa trẻ mắc tự kỷ mà chị đã gặp, rất nhiều em có tài năng, một số đã được phát triển, một số thì còn chưa được khai phá. Vì thế, việc giới thiệu về những người tự kỷ tới cộng đồng thông qua một triển lãm ảnh khiến cho Debbie Rasiel cảm thấy vinh dự.
Theo cách lý giải ấy, triển lãm “Nhìn” là một cây cầu nối giữa hai thế giới: Nghệ thuật và tự kỷ. Nếu tiếp cận theo cách thông thường, đó chỉ là hình ảnh đời thường của những đứa trẻ tự kỷ. Nhưng “Nhìn” ở một góc sâu lắng hơn, sẽ thấy đó những bức ảnh được sắp đặt có chủ ý theo các khu vực, chủ đề… Đó là những khoảnh khắc ghi lại trẻ tự kỷ ở trường học, ở gia đình cùng người thân… Trong buổi khai mạc triển lãm, nhiều gia đình có con tự kỷ được Debbie Rasiel ghi lại trong triển lãm này đã có mặt tham dự. Họ cho biết đây cũng chính là cơ hội để người tự kỷ, con cái họ có cơ hội được hòa nhập. Trong đó có gia đình của Nem (tên thật là Hà Đình Chí)- một em nhỏ dùng tranh của mình để giao tiếp với thế giới bên ngoài. Nem và những đứa trẻ tự kỷ có năng khiếu về nghệ thuật được coi là những đứa trẻ “thông minh theo một cách khác”. Theo Debbie Rasiel, những đứa trẻ tự kỷ có được môi trường, điều kiện để thể hiện tài năng thiên bẩm như Nem thuộc về số ít những em nhỏ may mắn. Hiện còn rất nhiều trẻ tự kỷ chưa nhận được sự quan tâm từ chính người thân và cộng đồng. Do đó, kể câu chuyện về những đứa trẻ tự kỷ thông qua triển lãm cũng chính là cách gửi đi thông điệp về trách nhiệm của cộng đồng với tương lai của những em nhỏ mắc hội chứng tự kỷ.
Sau chương trình khai mạc diễn ra chiều 26-3, “Nhìn” thưa vắng khách tham quan. Những nhân viên trông coi phòng triển lãm cho biết, thảng hoặc cũng có người ghé qua. Hoặc nếu có dừng chân thì đó cũng là chặng cuối cùng khi họ tham quan tại Bảo tàng. Điều ấy ít nhiều góp phần “đo” mức độ quan tâm của xã hội tới những đứa trẻ khác biệt. Cho dù thế, chỉ cần thêm một người tới để chiêm ngưỡng “Nhìn” thì sự cảm thông và chia sẻ hi vọng tiếp tục được lan tỏa.