Một mình một làn riêng nhưng di chuyển chậm chạp, các phương tiện giao thông khác thi nhau lấn làn, làm nặng nề thêm tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm vốn đã nhức nhối ở Thủ đô, hàng loạt sai phạm, lãng phí được phát hiện,… Đó là những điều người ta hình dung ra khi nhắc đến buýt nhanh BRT tại Hà Nội.
“Dẹp đi cho nhanh!”
Mỗi ngày đều sử dụng BRT để di chuyển đến chỗ làm, anh Đặng Cao Phong (phường Kim Mã – Ba Đình) cho biết, do tuyến đường thuận lợi nên anh mới chọn buýt nhanh để thay thế phương tiện cá nhân.
Đánh giá hiệu quả của tuyến buýt nhanh này, anh Phong cho hay: “Do đặc thù có làn riêng dành cho xe chạy nên tốc độ trung bình có nhỉnh hơn so với xe buýt truyền thống. Tuy nhiên vào những giờ cao điểm thì cũng tắc như nhau. Có làn riêng nhưng cũng không được di chuyển vì các phương tiện khác lấn làn hết rồi”.
Còn anh Trần Văn Nghĩa (Hà Đông) cho biết, hành khách trên BRT chỉ đông đúc vào các buổi sáng và chiều tối, trong khi cả ngày thường rơi vào tình trạng thưa thớt, vắng vẻ khách di chuyển.
"So với các tuyến buýt thông thường, hành khách trên BRT ít hơn hẳn. Chưa kể BRT chỉ di chuyển một quãng đường nhất định chứ không đa dạng như buýt thông thường. Trong khi dành hẳn 1 làn đường riêng rất lãng phí", anh Nghĩa đánh giá.
Quãng đường di chuyển của BRT đi qua nhiều đoạn đường với mật độ giao thông cao bậc nhất của thành phố, thường xuyên xảy ra ùn tắc như Tố Hữu, Lê Văn Lương… không những không hạn chế được tình trạng này mà còn làm trầm trọng thêm việc ùn ứ giao thông.
Trong khi các phương tiện xe máy, ô tô tranh nhau từng mét đường thì BRT lại “một mình một cõi”, mặt đường trống không gây lãng phí rất lớn. Điều này còn tạo nên ức chế, bức xúc cho người tham gia giao thông.
Là tài xế Grab car, anh Trịnh Văn Nam (quê Phú Thọ) cũng thường xuyên di chuyển qua quãng đường Tố Hữu, Lê Văn Lương,… Anh Nam cho biết, di chuyển trên đoạn đường này vào giờ cao điểm được xem là cực hình, nhất là trong những ngày thời tiết nắng nóng mới đây.
“Bình thường vào giờ cao điểm đoạn đường này đã đủ tắc rồi, riêng BRT lại có một làn riêng nữa nên các phương tiện khác không có chỗ mà di chuyển. Trên mạng cũng chia sẻ đầy hình ảnh ô tô xe máy chen nhau bên này chẳng được, bên kia thì mặt đường trống không. Tôi thấy rất lãng phí mà lại làm cho giao thông thêm ùn tắc thế thì nên dẹp sớm BRT chứ để làm gì”, anh Nam cho hay.
Hình ảnh thường thấy trên các đoạn đường có BRT chạy qua là cảnh xe máy sẵn sàng “đua nhau” lấn làn riêng của BRT, đặc biệt là giờ cao điểm. Những chiếc xe buýt nhanh như bị nuốt chửng bởi các phương tiện khác.
Những điều chỉnh nửa vời
Mới đây, Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất TP Hà Nội trên tuyến đường dành riêng cho xe buýt BRT 01 (tuyến Yên Nghĩa – Kim Mã) cho phép các phương tiện lưu thông vào gồm: Xe vận tải khách khối lượng lớn từ 24 chỗ trở lên, các loại xe công vụ, xe cứu nạn, xe buýt thường.
Theo đơn vị này, tuyến BRT là trục xuyên tâm, do tập trung các phương tiện ra, vào khu vực trung tâm, lưu lượng các phương tiện tăng cao, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm gây ra tình trạng ùn ứ giao thông.
Trước đó, theo báo cáo của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, sản lượng tốt nhất của BRT trong 5 năm đi vào vận hành là 5,5 triệu lượt khách, bình quân 42 khách một chuyến (vào năm 2019). Trong khi công suất thiết kế là 90 khách một chuyến. Nghĩa là hiệu quả khai thác vẫn chưa được một nửa.
Còn nếu xét về thời gian, trong khi 5,5 triệu hành khách trên BRT di chuyển được nhanh hơn thì ở làn đường bên cạnh, gấp nhiều lần con số đó là người dân đang di chuyển bằng xe máy, ô tô chôn chân trong cảnh ùn tắc, chậm lại với thời gian tương ứng. Như vậy, buýt nhanh chỉ giải quyết vấn đề “nhanh” với một số lượng hành khách nhất định, nhưng làm chậm lại quá trình di chuyển của rất nhiều người cùng tham gia giao thông trên tuyến đường đó. Hiệu quả khai thác gần như không đạt được và có thể coi là thất bại.
Dù được biết, Hà Nội cũng đã cho lắp đặt nhiều camera phạt nguội trên cung đường này, tuy nhiên tình trạng chạy xe vào làn BRT vẫn diễn ra như cơm bữa mà không có biện pháp nào ngăn chặn.
Sau nhiều năm khai thác và hoạt động, những hạn chế của BRT vẫn còn y nguyên, không có cách nào “chữa cháy”. Những giải pháp đưa ra chỉ mang tính tình thế, nửa vời khiến BRT như “cái gai” trong mắt người dân Thủ đô.
Việc mở rộng các phương tiện có thể di chuyển vào làn BRT được coi là một "bước tiến" để hạn chế tình trạng ùn tắc, bớt đi phần nào ức chế của người dân khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, liệu Hà Nội có cần mạnh dạn hơn nữa trong việc xoá luôn sự ưu tiên của BRT để giải phóng cho cả các phương tiện cá nhân khác như xe máy, ô tô riêng?
Rất nhiều người dân sống tại khu vực BRT đi qua và di chuyển trên các cung đường này cho biết, họ mong muốn Hà Nội cần nhìn nhận lại và có chính sách mới đối với việc khai thác hoạt động của BRT. Khi hiệu quả không đạt được như kì vọng, thậm chí còn gây lãng phí và nhức nhối thêm tình trạng giao thông đô thị thì tốt nhất nên để BRT hoạt động như xe buýt thông thường.