Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Nhìn từ trong siêu bão

CẨM ANH 08/09/2024 09:56

Siêu bão là một thách thức lớn. Nhưng trong bối cảnh ấy càng phải bình tĩnh vượt qua thách thức, nhất là khi giờ đây, sau cơn bão đi qua, còn phải tái thiết lại cuộc sống.

Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trong công tác ứng phó với siêu bão Yagi, ở các thành phố công tác di dời dân đến điểm an toàn cũng được đặt ra.

Ngay trong đêm 6/9, Hà Nội đã tổ chức di dời 48 hộ dân với 160 nhân khẩu ở chung cư A7 Tân Mai (khu nhà 5 tầng đã xuống cấp thuộc nhóm nguy hiểm cấp C) đến Trường tiểu học Tân Mai cách đó khoảng 500m, để đảm bảo an toàn cho người dân.

Sáng 7/9, các hộ dân ở các nhà tập thể cũ đang trong tình trạng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn của các khu Thành Công, Giảng Võ, Ngọc Khánh, Cống Vị, Kim Mã (quận Tây Hồ) cũng đã được di dời nhằm bảo đảm an toàn khi bão số 3 đổ bộ.

Sáng 7/9, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định đã hoàn thành việc hỗ trợ, di dời hơn 1.000 người dân đang sống ở khu tập thể, chung cư cũ bị xuống cấp đến điểm tránh trú an toàn. Các khu chung cư cũ đã được phong toả, không để người dân đi lại, ra vào nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân.

Công điện của Thủ tướng, thị sát trực tiếp tâm bão của Phó Thủ tướng và các đoàn công tác của các bộ ngành, chỉ đạo sát sao của các tỉnh, thành phố, các địa phương cho thấy một tinh thần không chủ quan, không lơ là. Tính mạng và an toàn tài sản của người dân được đặt lên hàng đầu.

Mặc dù vậy, thiệt hại vẫn không tránh được vì sức mạnh của siêu bão. Có những thiệt hại về tính mạng, về tài sản, nhà bị tốc mái, nhiều cây bị đổ, có những con tàu ngoài khơi bị lật... Sau bão, các điểm du lịch như Hạ Long, Cô Tô, Đồ Sơn, Cát Bà… sẽ tan hoang. Các xóm làng ven biển Thái Bình, Nam Định… xơ xác. Sẽ phải mất thời gian để tái thiết.

Có một clip được lan đi trong chiều siêu bão đổ bộ, 7/9. Đó là nhiều ô tô đã đi chậm lại, tạo thành lá chắn che bớt sức gió để giúp những người đi xe máy vượt qua cầu Nhật Tân. Đã có những sự giúp đỡ, tương trợ, nhường cơm sẻ áo cho những bà con phải sơ tán, di dời… Và chắc chắn, để đảm bảo cho người dân an toàn, các lực lượng cứu hộ cứu nạn phải ứng trực, phải lao vào tâm bão, vào màn mưa.

Khi bão qua đi, còn hậu quả của hoàn lưu, của mưa lũ. Nghĩa là còn nhiều việc để phải lo lắng. Còn cần sự chung tay, đoàn kết để vượt qua sự tàn phá của thiên tai.

Dân tộc mình như thế, trong khó khăn hoạn nạn bao giờ cũng sáng ngời nghĩa đồng bào.

Thiên tai luôn luôn là thứ khó lường, nằm ngoài mọi sự toan tính của con người. Bão lũ thì năm nào cũng đến, khó tránh khỏi. Con người chỉ có thể làm hết sức có thể để giảm thiểu thiệt hại, nhưng trước cuồng phong, sức người bao giờ cũng vẫn là nhỏ bé. Cho nên, đảm bảo an toàn con người là trên hết. Và chỉ có sự nhân văn, tình người và tinh thần đoàn kết mới là sức mạnh mềm để vượt qua siêu bão.

Ngay cả ở những nước phát triển nhất, cường thịnh nhất trên thế giới nếu gặp thiên tai cuồng nộ bất ngờ cũng không làm cách nào trở tay kịp. Nhưng đối mặt với siêu bão, chúng ta vẫn nhận ra có những bài học cần phải rút ra.

Nhiều năm vừa qua, công tác sơ tán dân mỗi khi dự báo có bão lớn đều đã được làm một cách tích cực và chủ động. Trước siêu bão Yagi lại một lần nữa chủ trương được đưa ra và thực hiện tốt. Nhưng đôi khi, sự chủ quan lại đến từ những thứ không lường được, ví dụ chỉ một cơn giông nhỏ trước bão cũng khiến có người dân thiệt mạng. Chủ động tích cực triển khai các biện pháp phòng chống, giảm thiểu thiệt hại trên nguyên tắc tính mạng người dân là trên hết là điều chúng ta có thể làm khi mỗi mùa bão lũ đến. Như tinh thần chỉ đạo trong công điện của Thủ tướng Chính phủ, để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và nhà nước, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

Đối phó với một siêu bão như Yagi không phải là lần đầu tiên. Và hàng năm, người dân cả nước vẫn chung tay giúp đồng bào vùng bão lũ, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, cứu trợ người dân. Nhưng có lẽ tâm lý của những năm tháng thiếu thốn thời bao cấp đã khiến người dân vẫn có sự hoảng loạn trước bão như tích trữ lương thực, thực phẩm quá nhiều gây lên sự xáo trộn. Trong khi đáng lẽ, vào những thời điểm khó khăn, mỗi người chỉ nên mua vừa đủ, trong bối cảnh các cơ quan quản lý đã giải thích là nguồn cung lương thực, thực phẩm vẫn dồi dào.

Nếu trong hoạn nạn tự chúng ta không đoàn kết, không ý thức về sự chia sẻ, không nhường nhịn thì không thể tập trung được nguồn lực vượt qua khó khăn. Bão lũ có khi không làm chúng ta gục ngã mà chính việc chúng ta hoang mang dẫn đến xáo trộn lại làm cho chúng ta yếu đi.

Bài học của người dân ở những quốc gia mỗi lần xảy ra thiên tai ở mức độ khủng khiếp như sóng thần, động đất… vẫn bình tĩnh xếp hàng nhận lương thực, thực phẩm cứu trợ hoặc mỗi người chỉ mua nhu yếu phẩm ở mức tối thiểu nhất để còn nhường cho người khác là thái độ cần phải được mỗi người chúng ta chia sẻ trong những ngày này. Việc tích trữ tạo nên sự khan hiếm để đẩy giá tăng và cả việc hốt hoảng đổ xô đi mua lương thực thực phẩm với số lượng lớn của người dân như trong những ngày vừa qua là một thái độ ứng xử chưa phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhìn từ trong siêu bão