“Dính bẫy” của Công ty Alibaba, có người đầu tư “lướt sóng” nhưng có người dùng toàn bộ số tiền mình có, thậm chí đi vay để mong có nơi an cư, sai lầm của họ dẫn đến nợ nần đeo bám, gia đình tan nát.
Cuối năm 2022, vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản," “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba được đưa ra xét xử sơ thẩm trong gần 1 tháng.
Sau hơn 4 năm kể từ khi khởi tố vụ án vào ngày 13/9/2019, vụ án đã kết thúc xét xử sơ thẩm bằng phiên tòa với nhiều con số kỷ lục về hồ sơ, hơn 1 triệu bút lục, hơn 4.500 bị hại, hơn 2.400 tỷ đồng bị chiếm đoạt... và bài học “giấc mơ” đầu tư bất động sản.
Theo nội dung vụ án, bị cáo Nguyễn Thái Luyện đã thành lập 22 công ty trực thuộc Công ty Alibaba, giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín của Luyện làm người đại diện theo pháp luật của các công ty, sau đó tổ chức mua số lượng lớn đất nông nghiệp, tự lập ra 58 dự án dân cư, phân lô trái pháp luật.
Nguồn tiền mua đất nông nghiệp được huy động từ chính khách hàng bằng cách, dùng pháp nhân của Alibaba và các công ty cùng hệ thống. Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm đã lừa đảo 2.445 tỷ đồng của 4.548 bị hại.
Thiệt hại của bị hại trong vụ án đã thấy rõ, khi số tiền họ đóng cho Công ty Alibaba và các pháp nhân trực thuộc để mua dự án đã bị chiếm đoạt.
Cùng “dính bẫy” của Công ty Alibaba, có người đầu tư “lướt sóng” nhưng có người dùng toàn bộ số tiền mình có, thậm chí đi vay để mong có nơi an cư. Sai lầm của họ dẫn đến nợ nần đeo bám, gia đình tan nát.
Trường hợp của chị H. (ngụ quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) là điển hình, chị vay ngân hàng và gom cùng số tiền tiết kiệm mua 30 lô đất của Công ty Alibaba với hy vọng vừa kiếm lời vừa có nhà cho các con.
Tuy nhiên, chị vừa trả tiền được 1 tháng thì Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm bị bắt. Số tiền vay nợ dồn hết vào mua các dự án của Công ty Alibaba, không thể bán hay rút tiền về, chị đành bán nhà trả nợ.
Từ việc này dẫn đến gia đình xích mích, vợ chồng ly thân, giờ mẹ con về ở nhờ nhà mẹ ruột.
Tương tự, bà M. (75 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, bà bán căn nhà ở thành phố lấy tiền mua 5 lô đất của Công ty Alibaba để sau này các con và ông bà có thể ở gần nhau. Vỡ mộng, giờ bà và các con phải ở trọ.
Thiệt hại của vụ án này không dừng ở số tiền hàng nghìn khách hàng bị chiếm đoạt mà còn phá vỡ quy hoạch của nhà nước về quản lý đất đai.
Kiểm sát viên Lê Thị Đông, người trực tiếp kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử và giữ quyền công tố trong vụ án này nhận định, hành vi tự phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp hoặc các loại đất khác không phải là đất thổ cư, không đúng quy hoạch, không đúng mục đích sử dụng đất, không có dự án theo quy định... của các bị cáo trong vụ án tạo nên sự rối loạn nghiêm trọng thị trường bất động sản, ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách quản lý, điều tiết vĩ mô của Nhà nước.
Chính hành vi phân lô tách thửa tùy tiện, tràn lan, tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn cho xã hội vì không có sự đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch giao thông và quy hoạch xây dựng được cấp thẩm quyền phê duyệt; cơ sở hạ tầng không đảm bảo cho người dân có thể sinh sống, gây thiệt hại cho người mua.
Trên thực tế, nhiều khu đất trong vụ án này nằm trong tình trạng hoang hóa, cơ sở hạ tầng không có, đất không đưa vào sử dụng được gây lãng phí nghiêm trọng nguồn lực tài nguyên của Nhà nước và gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Hành vi phạm tội của các bị cáo còn để lại hậu quả rất nặng nề cho xã hội trong thời gian dài.
Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án nhận thấy, “mẫu số chung” của các bị hại là tin vào những lời quảng cáo “có cánh” của Công ty Alibaba như đất thổ cư, thời hạn sử dụng lâu dài, có nhiều tiện ích, kết nối giao thông với nhiều công trình lớn; thanh khoản tốt, thanh toán linh hoạt, dễ sinh lời, đồng thời có nhiều quyền chọn.
Các bị hại trực tiếp đến công ty để tìm hiểu thêm thì thấy công ty có trụ sở bề thế, nhiều nhân viên, quy mô lớn và có nhiều khách hàng khác đang giao dịch mua bán đất nên tin tưởng.
Cẩn thận hơn, nhiều bị hại xây dựng mối quan hệ quen biết một thời gian để tìm hiểu kỹ thông tin thế nhưng vẫn không nghĩ là bị lừa và “gục ngã". Nhiều bị hại cũng chính là người nhà của nhân viên Công ty Alibaba, thậm chí từng là nhân viên của công ty này.
Hình thức các hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều thể hiện đầy đủ thông tin về nền đất chuyển nhượng về vị trí, số lô, số ô, diện tích... Đồng thời đưa ra mức giá rất hấp dẫn, dao động khoảng 200-300 triệu đồng/nền đất thổ cư với diện tích khoảng 100m2 tùy từng vị trí; chỉ cần nộp 2 triệu đồng tiền cọc cũng giữ được vị trí mong muốn, thậm chí được trả góp theo tiến độ nếu có nhu cầu... với mức giá "mềm", thanh toán linh hoạt này, các bị hại đã tin tưởng nộp tiền cho Công ty Alibaba do Luyện quản lý, sử dụng.
Chưa dừng lại ở đó, nhiều bị hại tiếp tục rơi vào bẫy của Nguyễn Thái Luyện với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Cụ thể, Luyện cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.
Theo phương thức này, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán đều không nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết khi đến hạn mà sẽ được Công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo hoặc khuyến khích khách hàng lấy tiền lãi tiếp tục tái đầu tư bằng hợp đồng mới vào các nền đất tại dự án khác với nhiều chính sách khuyến mãi khác nhau và quảng cáo chính sách khuyến mãi của dự án sau hấp dẫn, nhiều lợi ích hơn chính sách khuyến mãi của dự án trước.
Ngày 9/12/2022, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên buộc Nguyễn Thái Luyện và vợ là bị cáo Võ Thị Thanh Mai liên đới bồi thường hơn 2.445 tỷ đồng cho 4.548 bị hại.
Quá trình chờ nhận được tiền bồi thường của những bị hại còn kéo dài bởi vụ án còn trải qua quá trình xét xử phúc thẩm nhưng ít ra họ cũng có cơ sở hy vọng khi Tòa án tuyên duy trì kê biên 658 thửa đất hình thành từ số tiền lừa đảo của Nguyễn Thái Luyện.
Cơ quan chức năng duy trì kê biên hơn 56 tỷ đồng thu giữ tại Công ty Alibaba và trong tài khoản các cá nhân, pháp nhân trực thuộc Alibaba, 272 miếng kim loại vàng thu tại trụ sở Công ty Alibaba.
Vụ án Công ty Alibaba là điển hình của thủ đoạn tận dụng kẽ hở của pháp luật trong quy định về quản lý đất đai để đưa ra các thông tin gian dối; tự ý phân lô, tách thửa huy động vốn kinh doanh trái quy định pháp luật trên khu vực chưa được phép đầu tư, chưa có hệ thống hạ tầng; đưa ra thông tin gian dối người mua như có thể an cư hoặc giúp khách hàng giàu lên nhanh chóng đi kèm cam kết lợi nhuận hấp dẫn.
Theo Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 1/12/2021 đến ngày 31/10/2022, Cơ quan điều tra 2 cấp Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố 1.543 vụ với 223 bị can phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản." Trong số đó, nhiều vụ án theo kiểu Alibaba, vẽ dự án “ma” để lừa đảo tiền của nhà đầu tư, ví dụ như vụ án Công ty Hoàng Kim Land và Công ty Đất Vàng Hoàng Gia, vụ án Công ty Phát An Gia...
Quá trình tìm hiểu thực tế, phóng viên nhận được nhiều phản ánh của người dân và phát hiện thủ đoạn mới của một số công ty “nghi vấn".
Cũng bằng thủ đoạn “treo đầu dê bán thịt chó," rao bán đất thổ cư nhưng dẫn khách đi xem đất ở trong... rừng trên những chuyến xe bít bùng, các công ty này sau khi dụ được khách nộp tiền, khi bị khách hàng phát hiện, lãnh đạo công ty trốn tránh và viện đủ lý do từ chối cung cấp thông tin, giấy tờ đất liên quan.
Khách hàng “làm căng” công ty trả lại không quá 30% số tiền khách đã nộp. Nguy hiểm hơn, sau một thời gian các công ty kiểu này sẽ đổi tên công ty, thành lập pháp nhân mới và tiếp tục chiêu lừa ...
Giấc mơ làm giàu từ kinh doanh bất động sản là mong muốn chính đáng của tất cả mọi người. Nhưng nhìn từ vụ án Công ty Alibaba cũng như tình hình thực tế đang diễn ra, người dân nên cảnh giác, trang bị cho mình kiến thức pháp luật liên quan... từ đó hình thành và tự trang bị “vaccine” chống lừa đảo.