Diễn đàn MDEC - Hậu Giang 2016 với chủ đề “Đồng bằng sông Cửu Long - Chủ động hội nhập và phát triển bền vững” đã khép lại, nhưng dư âm về việc làm sao vực dậy sản xuất ở vùng này vẫn là vấn đề nóng. Bởi lẽ, chưa năm nào Tây Nam Bộ lại phải chịu đựng đợt khô hạn, xâm nhập mặn dữ dội như năm nay. Con số phát triển nông nghiệp âm sau 6 tháng đầu năm cho thấy rất nhiều khó khăn. Trong khi đây lại là vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây của cả nước.
Cá tra đã và đang là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL.
Tại Hội nghị, bên cạnh việc khẳng định những lợi thế của ĐBSCL trong phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản; thì những người tham dự cũng lên tiếng về những thách thức to lớn liên quan tới năng lực sản xuất, biến đổi khí hậu, tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn diễn ra ngày một khắc nghiệt.
6 tháng đầu năm nay, ngành nông nghiệp vùng rơi vào tình trạng tăng trưởng âm 2,2%, thiệt hại gần 5.000 tỷ đồng, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Cũng vì do tăng trưởng nông nghiệp của vùng giảm, nên toàn ngành nông nghiệp của cả nước cũng sụt giảm tăng trưởng so với cùng kỳ là 0,18%, tác động tới GDP 6 tháng đầu năm của cả nước.
Nơi đây, nhiều cánh đồng khô cháy, nhiều con kênh, dòng sông bị nước mặn xâm nhập khiến không ít nông dân bỏ ruộng, phải về những đô thị kiếm công việc làm ăn qua ngày.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề, 3 sản phẩm chủ lực của vùng là lúa gạo, thủy sản và trái cây đang chịu cạnh tranh. Riêng về tác động của biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng nêu câu hỏi: “Chúng ta có sống chung với xâm nhập mặn được không? Chúng ta có ngăn được mặn không, hay chỉ kiểm soát mặn và trữ ngọt?”.
ĐBSCL nhiều năm qua đã thực sự trở thành “trụ đỡ” cho nền kinh tế bởi sản phẩm nông nghiệp là rất phong phú, dồi dào, số lượng lớn mà chất lượng cũng tốt. Các sản phẩm nông nghiệp trong vùng xuất khẩu tới nhiều thị trường trên thế giới, kể cả những thị trường khó tính.
Đó là gạo, trái cây và thủy sản. Nhưng, thực tế cho thấy, đây cũng là khu vực dễ tổn thương. Chỉ một mùa khô hạn, một mùa xâm nhập mặn sâu vào nội đồng mà nhiều cánh đồng đã bỏ hoang, người dân đã phải mưu sinh không phải trên ruộng đồng.
Thực tế cho thấy, việc đầu tư vào vùng này không tương xứng, khi mà số doanh nghiệp của cả nước giảm, đầu tư vào toàn vùng ĐBSCL hiện chỉ chiếm 11,6%, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2015 (số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam). Khi nông dân với doanh nghiệp chưa có cái bắt tay mạnh mẽ thì việc may rủi, hên sui trong sản xuất nông nghiệp sẽ vẫn tồn tại.
Sự “nhạy cảm” của khu vực cũng từng được giới khoa học nông học chỉ ra, và coi đó là những thách thức đe dọa ĐBSCL, trong đó có tác động xấu của biến đổi khí hậu; sản xuất không theo quy hoạch tổng thể vùng dẫn tới cạnh tranh thiếu lành mạnh và khả năng được mùa rớt giá do dư thừa sản phẩm; và cũng có thể nói tới việc đối mặt với sự tụt hậu.
Nước đối với sản xuất tại ĐBSCL là rất hệ trọng, GS Nguyễn Ngọc Trân (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Chuyên gia cao cấp của Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia) cũng đã từng cảnh báo, cái giá phải trả cho nỗ lực đẩy mạnh sản xuất lúa gạo, làm tròn nhiệm vụ “vựa lúa của cả nước” là diện tích rừng tràm biến mất nhanh chóng ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, tại vùng U Minh Thượng và Hạ.
Như vậy, các vùng trũng bị chắt nước để tăng vụ, chứa đựng nguy cơ mực nước trong khu vực sẽ hạ thấp khi nước Mekong về không dồi dào như trước. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp vào sản xuất và ngày càng thấy rõ. GS Trân lưu ý: Tăng trưởng đã được đánh đổi bằng chế độ thủy văn bị xáo trộn bên ngoài đê bao. Bên trong đê thì độ màu của đất giảm sút, môi trường suy thoái.
Theo giới chuyên gia, vấn đề cấp thiết trước mắt là phải rà soát lại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch phát triển ngành, địa phương ở ĐBSCL theo hướng phải tiết kiệm nước ngọt, chung sống với hạn, mặn.
Từ đó, không ít ý kiến cho rằng phải biến bất lợi thành lợi thế, bằng cách mở rộng nuôi trồng thủy sản nước lợ và giảm vụ mùa lúa mà thay vào đó là trồng những giống lúa chất lượng cao, không chạy theo khối lượng. Nói như GS Võ Tòng Xuân thì đối với các tỉnh có nước ngọt quanh năm như An Giang, Đồng Tháp và một phần tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, thì cần tập trung đầu tư cho cây lúa nhưng sử dụng nước tiết kiệm hơn. Còn vùng mặn thì linh hoạt theo hướng đầu tư cho cây lúa trong mùa mưa và nuôi tôm mùa khô.
Về giải pháp căn cơ cho khu vực, ông Nguyễn Quốc Việt- Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng, cần dựa trên thực tiễn của vùng để tập trung giải quyết các vấn đề khó khăn đang đặt ra như: biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn; hỗ trợ đổi mới khoa học công nghệ ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp; thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước để giải quyết việc làm cho người lao động.
Đó là những mục tiêu vừa trước mắt vừa lâu dài đối với phát triển kinh tế bền vững cho ĐBSCL. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc phát triển văn hóa-xã hội cũng là nhu cầu cấp bách. Nhiều năm qua, khu vực này vẫn bị coi là “vùng trũng” của giáo dục, tuy hệ thống trường lớp đã phát triển đều khắp. Đời sống tinh thần của nhiều cộng đồng dân cư vùng nông nghiệp nông thôn vẫn còn thua sút so với nơi khác. Điều kiện chăm lo sức khỏe cho bà con cũng chưa được như mong muốn.
Những khó khăn, thách thức ấy đang đặt ra gay gắt với ĐBSCL, nơi làm ra 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% sản lượng trái cây của cả nước; đóng góp 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của Việt Nam.