Tại Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, những vi phạm trong lĩnh vực xây dựng ngày càng lan rộng, dai dẳng và nghiêm trọng. Có những sai phạm xảy ra giữa “thanh thiên bạch nhật”, kéo dài mà cơ quan chức năng không phát hiện hoặc có phát hiện thì xử lý không nghiêm. Người dân vi phạm xây dựng nhỏ trong hẻm thì phát hiện ngay, nhưng nhiều nhà cao tầng không phép mọc lên giữa phố thì chẳng ai biết.
Tòa nhà 8B Lê Trực (Hà Nội) từng gây nhiều tai tiếng.
Vi phạm nhỏ của người dân thì xử lý ngay, còn vi phạm lớn ngay trước mắt thì cơ quan chức năng đành bất lực là cớ làm sao? Sự so sánh mà ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TPHCM) đưa ra quả là một câu hỏi “xoáy”, quá khó đối với tư lệnh ngành xây dựng Phạm Hồng Hà. Tất nhiên rồi, Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm sao có thể trả lời câu hỏi đó của các vị ĐBQH, khi mà chỉ cần người dân mua ít gạch, cát, xi măng, chưa cần khởi công thì cán bộ địa chính, thanh tra xây dựng trên địa bàn đã biết, vậy mà những công trình mọc lên ở rừng phòng hộ, ở giữa trung tâm Ba Đình thì không ai hay biết xây dựng không phép, sai phép.
Đáng nói, với vai trò Bộ trưởng Bộ Xây dựng, là người chịu trách nhiệm cao nhất về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, thay vì nhận lỗi để sửa chữa thì Bộ trưởng Phạm Hồng Hà lại cho rằng, vi phạm trật tự xây dựng diễn biến phức tạp là do hành lang pháp lý chưa đầy đủ, và rằng đã rất cố gắng và làm được khá nhiều việc…Câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà lập tức bị một số ĐBQH phản ứng: Để xảy ra thực trạng vi phạm trật tự xây dựng hết sức nghiêm trọng như hiện nay phần lớn trách nhiệm là của ngành, vậy mà Bộ trưởng lại trả lời như vậy e rằng người dân sẽ không tâm phục, khẩu phục, khó tạo được sự đồng thuận.
Trước việc Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói đã sửa (hoặc kiến nghị sửa) được bao nhiêu văn bản quy phạm pháp luật, các ĐBQH đã chỉ thẳng vào các công trình vi phạm nghiêm trọng, dù đã có kết luận của cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa bị xử lý như: Các công trình nhà biệt phủ tại rừng phòng hộ Sóc Sơn, nhà 8B Lê Trực ngay giữa trung tâm Ba Đình, hay các vi phạm của Tập đoàn Mường Thanh… Theo một số ĐBQH thì những sai phạm trên gây nhức nhối trong dư luận xã hội, nhiều cử tri băn khoăn. Việc không giải quyết rốt ráo khiến nhiều cử tri cho rằng có lợi ích nhóm, hoặc sự bao che dung dưỡng cho vi phạm.
Có một thực tế là ở nhiều lúc, nhiều nơi, công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng bị buông lỏng, hoặc có sự nhấm nháy tiêu cực, tiếp tay cho vi phạm khiến vấn nạn này ngày càng trở nên trầm kha khó chữa. Người ta “mách nhỏ”, “rỉ tai” nhau rằng nếu muốn xây dựng không phép, hoặc sai phép chỉ cần lót tay phong bì cho cán bộ địa chính, thanh tra xây dựng, một tầng là ngần này tiền, theo đó 2 tầng, 3 tầng hay n tầng thì cứ thế mà nhân lên thôi. Đó là lý do mà ở ngay các quận nội thành Hà Nội cũng đã có vô số công trình mọc lên không phép, hoặc chí ít là sai phép.
Song, mỗi khi công luận phát hiện, chỉ ra một công trình vi phạm trật tự xây dựng nào đó thì các cơ quan chức năng từ phường tới quận, thành phố, thậm chí là Bộ Xây dựng đều “ngã ngửa người” vì không biết họ xây không phép hoặc sai phép. Ngay cả khi các cá nhân, đơn vị có “không biết” các công trình xây dựng không phép, sai phép thật thì cũng thể hiện sự quản lý yếu kém cần có thái độ cầu thị, nhận lỗi, thậm chí từ chức để nêu gương. Vậy nhưng lâu nay có ai, có đơn vị nào phải chịu trách nhiệm khi để mọc lên những công trình không phép, sai phép to đùng đâu.
Không chỉ các ĐBQH, ngay cả một người dân bình thường cũng không thể chấp nhận cách giải thích của những người có trách nhiệm là không biết các công trình nhà cao tầng, biệt phủ… vi phạm trật tự mọc lên trên địa bàn. Thôi thì một công dân xây một cái nhà cấp 4 nhỏ quá thì có thể cán bộ địa chính, thanh tra xây dựng không phát hiện được, song tòa nhà 8B Lê Trực đâu có bé, lại nằm giữa trung tâm Ba Đình thì lẽ nào lại không biết? Hay như công trình xây dựng của một số người đè lên rừng phòng hộ Sóc Sơn, lẽ nào các cơ quan chức năng lại không hay biết?
Ở đây chỉ có thể giải thích một cách logic là có sự nhân nhượng, dung túng, bao che cho vi phạm, thậm chí không loại trừ khả năng có sự thông đồng móc ngoặc, lót tay, bôi trơn để những người có trách nhiệm làm ngơ cho sai phạm. Vậy mới có thể giải thích hợp lý được hiện thực là vi phạm nhỏ của người dân thì cán bộ ngành phát hiện được ngay và kiên quyết xử lý nghiêm, còn vi phạm lớn của cơ quan nhà nước, của đại gia, doanh nghiệp thì “không phát hiện” được. Chẳng trách câu hỏi của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà về việc tại sao nhỏ thì nhìn ra ngay, còn lớn thì không thấy lại khó trả lời như vậy.