Nhớ và quên

Trần Hữu Thăng 09/09/2018 11:00

Khi ta muốn quên ai, chính là lại vẫn nghĩ đến người đó”- La Bruyère

Nhớ và quên

1. Nhớ và quên là hai quá trình tư duy đặc biệt quan trọng trong đời sống con người. Hai quá trình này về hình thức, về từ ngữ là đối lập nhau, nhưng thực ra là hai mặt của một vấn đề, là hai biểu hiện của một tư duy thống nhất.

Từ hàng trăm năm nay ở nước ta và trên thế giới, trong các sách luân lý giáo khoa thư, sách công dân giáo dục, sách học làm người đều nêu rõ Những điều bắt buộc phải nhớ sau đây:

- Nhớ công ơn của các vị anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống qua bao thế hệ cho đất nước ta có được hòa bình, hạnh phúc như ngày hôm nay.

- Nhớ công ơn của ông bà, cha mẹ, họ hàng đã giúp ta trưởng thành như ngày hôm nay.

- Nhớ công ơn của các thầy, cô, các người đi trước đã dạy bảo, kèm cặp ta nên người.

- Nhớ công ơn những người lao động đã cho ta các sản phẩm vật chất, những phương tiện đầy đủ trong đời sống hàng ngày.
Những điều bắt buộc phải quên sau đây:

- Quên những gì mình đã giúp đỡ người khác. Vì nếu như mình không quên tức là mình vẫn mong có ngày người kia phải đền ơn mình, phải trả công cho mình. Đó là cách suy nghĩ của tư tưởng con buôn, tiểu nhân vụ lợi, không nên học theo.

- Quên những ai đã từ chối mình, nói xấu mình, làm hại mình. Vì sao phải quên? Vì nhờ có họ ta mới biết được những khuyết điểm, sai sót của mình mà sửa chữa, phấn đấu vươn lên. Có khi phải cảm ơn những người đã từ chối mình để giúp ta có động lực phát triển cao hơn, xa hơn. Nghĩ lại, nếu ngày ấy họ tận tình giúp đỡ, có khi hiện nay ta vẫn quanh quẩn ở cái địa phương ấy, ở cái cơ quan ấy mà không đi xa được như bây giờ.

- Lúc cao tuổi, nên quên bệnh tật, quên tuổi tác để liên tục ước mơ, liên tục phấn đấu cho những ngày sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Tóm tắt phần này, xin hãy nhớ danh ngôn sau đây của người Mỹ: “Cái gì đã cho, hãy quên đi. Cái gì đã nhận, phải nhớ kỹ”.

Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học ở trang 661, thì: “Nhớ là: 1/ Giữ lại trong trí óc điều đã cảm biết, nhận biết để rồi sau đó có thể tái hiện được. Thí dụ: Nhắc đi nhắc lại cho nhớ. Nhớ lời mẹ dặn. Uống nước nhớ nguồn. 2/ Tái hiện ra trong trí nhớ điều trước đó đã từng được cảm biết, nhận biết. Thí dụ: Bây giờ mới nhớ ra. Nhớ lại những ngày gian khổ. Sực nhớ. 3/ Nghĩ đến với tình cảm tha thiết muốn được gặp, được thấy người hay cảnh thân thiết nào đó hiện đang ở cách xa. Thí dụ: Anh đi anh nhớ quê nhà / Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương (ca dao).

Ở trang 739 thì: Quên là: 1/ Không còn nhớ, không lưu giữ lại trong trí nhớ. Thí dụ: Quên lời hứa. Cố quên chuyện cũ. Em ơi chua ngọt đã từng / Non xanh nước biếc ta đừng quên nhau (ca dao). 2/ Không nghĩ đến, không để tâm đến. Thí dụ: Làm việc quên cả ngày tháng. Quên mệt mỏi. Quên uống thuốc theo đơn. 3/ Không nhớ mang theo, không nhớ làm. Thí dụ: Ngủ quên. Bỏ quên ví tiền ở nhà. Quên mang bút. Quên việc đã hứa.

2. Vẻ đẹp của sự lãng quên:

Nhà thơ nữ lừng danh người Anh là Felicic Hermans (1793 – 1835) đã từng viết: “Một loại nhựa thơm tuyệt diệu cho cuộc sống, đó là sự lãng quên” (Life's best balm – forgetfulness).

Triết lý phương Đông về nhân sinh quan cho người cao tuổi cũng tha thiết khuyên nhủ: “Tuổi già chúng ta cần nên quên 3 thứ: Tuổi tác, hận thù và bệnh tật”.

Còn bậc thầy Pierre Corneille thì đã chỉ ra vai trò dàn xếp êm thấm của ông thầy thuốc vĩ đại là tháng năm cứ lặng lẽ trôi, cứ vô tình trôi đi khi ông viết: “Thời gian là một ông thầy vĩ đại, nó dàn xếp êm thấm mọi chuyện”.

Sau khi trích dẫn những danh ngôn kể trên, xin phép đặt vấn đề ngược lại: “Nếu nhất định không thể quên được những hận thù, những bệnh tật thì sao? Xin được mạnh dạn trả lời: “Chắc chắn tinh thần sẽ suy sụp, chắc chắn sẽ sống những ngày tháng bất hạnh, chắc chắn có những ngày tháng cuối đời nặng nề u ám!”.

Sau khi trích dẫn các danh ngôn về sự quên lãng nêu trên, lại xin đặt một vấn đề rất thực tế: “Việc quên đi một người, một việc, một sự kiện trong đời mình đâu có dễ dàng gì? khó quên lắm đấy ! ”. Xin dẫn chứng:

Shakespeare đã từng nêu một quy luật của tư duy: “Lúc ta tha thẩn một mình, chính là lúc ta bận rộn nhất”. Tưởng một mình nằm trên giường, một mình trên ghế đá công viên là được yên thân. Rất nhầm! chính lúc ấy những cái gì muốn quên, mong quên lại ào ạt tấn công vào cái đầu khốn khổ khiến ta không kịp chống đỡ.

Thi sỹ La Bruyère từng khẳng định một quy luật về sự quên, sự nhớ như sau: “Khi ta muốn quên ai, chính là lại vẫn nghĩ đến người đó” (Vouloir oublier quelqu'un c'est y penser). Vậy xin phổ biến một phương pháp “Tập làm trong sạch trí não” đi đôi với tập thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe cơ thể hàng ngày. Đó là nguyên lý của Yoga, của thiền định, của tâm bình an với khẩu hiệu đơn giản là: “Làm cho trí não trống rỗng, trong sạch, không vướng bận gì, không nghĩ đến ai, không nghĩ đến việc gì”. Bắt đầu tập từ 5 phút, rồi 10 phút. Dần dần bộ óc ta sẽ tươi mát, chủ động, muốn quên muốn nhớ theo ý ta.

Nguyên lý đề cao tâm bình an, tâm trong sáng, gạt bỏ mọi vướng bận đã được nhà triết học Reinhold Niebuhr (1892 – 1971) khái quát một cách cực kỳ chính xác: “Xin Thượng đế hãy ban cho tôi sự thanh thản để chấp nhận những gì không thể thay đổi, lòng dũng cảm để thay đổi những gì có thể thay đổi và sự khôn ngoan để phân biệt hai điều này” (God grant me the serenity to accept the things I cannot change, the courage to change the things I can, and the wisdom to know the difference). Từ nhận định khái quát này cho thấy rõ: Trong cuộc sống hàng ngày thì những gì không thể thay đổi được (The things cannot change) mới là phổ biến, mới là đa số, mới là đời thường. Vậy thì trong ba thứ ta cầu mong được Thượng đế ban cho thì sự thanh thản là điều cần thiết nhất và dễ thực hiện nhất. Một trong những vũ khí quan trọng giúp ta có lòng thanh thản, ấy là sự lãng quên như đã đề cập ở trên.

Lúc nào trong đời cũng cần bình thản, suy xét khi chẳng may gặp phải nghịch cảnh. Nếu còn trẻ, còn sức ta cố gắng nhẫn nại chịu đựng và tận dụng mọi sức lực, trí tuệ của bản thân để vượt qua. Ta tự an ủi mình rằng: “Không có sự giáo dục nào quý giá bằng nghịch cảnh” (Benjamin Disraeli). Nhớ lại ngày xưa khi còn khó khăn thì: Ăn dù khổ, vẫn cố lấy 3 bát cơm. Dù nóng bức chật chội đến đâu cũng cố tìm được một giấc ngủ ban đêm. Có như vậy thì sức khỏe ta không đến nỗi bị đe dọa. Sáng hôm sau tỉnh dậy, lót dạ bằng 2 bát cơm nguội rưới ít nước mắm, ta lại hăm hở lên đường. Thời gian vẫn còn ủng hộ ta.

Nhưng từ 60 tuổi trở đi, xin hãy thận trọng. Vì từ 60 tuổi, nhiều bộ phận trong “lục phủ, ngũ tạng” đã lão hóa, đã suy giảm chức năng. Đặc biệt tai hại là không còn ăn, ngủ được như trước nữa, khả năng thích nghi với môi trường bên ngoài cứ kém dần. Bữa tối, ăn cố một ít là bụng ậm ạch, khó chịu, còn khổ hơn là đói. Giấc ngủ thì sao khó đến quá, cứ nằm xuống là lại buồn bã suy nghĩ, đau đớn nhớ lại những kỷ niệm không vui, thao thức, mắt mở thao láo: “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh / Một mình, mình lại thương mình xót xa” (Truyện Kiều – Nguyễn Du). Vết thương phiền muộn ấy cứ toác ra thì thử hỏi làm sao vài viên thuốc ngủ có thể bù lấp được?

Cách tốt nhất cho người cao tuổi là phải “tập quên”. Tập quên bằng được, tập quên hàng ngày, tập quên hàng giờ, tập quên hàng phút. Hãy quên đi ! Hãy quên đi ! Đầu óc hãy trống rỗng ! Đầu óc hãy tươi mát!

Chỉ có liều thuốc “quên” mới là thần dược để cứu vãn tình thế. Để “quên” được có các cách rất hiệu quả sau đây:

1. Sáng nào cũng phải vận động thân thể, khoảng 1 giờ: Đi bộ, tập thể dục ở công viên mát mẻ, tự tập một mình hay tập cùng một nhóm người đều rất tốt. Nên nhớ khẩu hiệu được viết tại một Bệnh viện Tim mạch ở Pháp: “Đi bộ hay là chết” (Marche ou mort).

2. Phải giao lưu trò chuyện, nghe thời sự, xem văn nghệ ...Ở Nhật Bản, có nhiều câu lạc bộ như: Chơi các loại cờ, hát karaoke ... dành cho người già ở từng khu phố.

3. Vị nào còn khả năng phục vụ tốt thì nên tận dụng, như: Viết sách, viết báo, khám bệnh, kê đơn, bốc thuốc, dạy học, dạy nghề ... miễn là phục vụ tốt cho cộng đồng. Muốn nói chuyện khoa học được 45 phút, phải chuẩn bị tài liệu, viết đi, viết lại, tẩy xóa ... cộng lại cũng phải mất 5- 7 ngày. Vậy còn thì giờ đâu mà buồn phiền lo lắng nữa.

Thật hạnh phúc lắm thay cho những ai biết thưởng thức vẻ đẹp của sự Lãng quên!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhớ và quên