Xã hội

Nhọc nhằn đời hủ tiếu gõ

ĐOÀN XÁ 26/11/2023 09:40

Nằm khuất trong các con hẻm nhỏ, dưới gốc cây to hay ven đường phố nhộn nhịp, những xe hủ tiếu gõ là một phần không thể thiếu của TPHCM. Mặc dù luôn được nhớ đến như món ăn của người nghèo nhưng gần như bất kỳ ai sinh ra, gắn bó với mảnh đất này cũng từng thưởng thức qua một tô hủ tiếu gõ. Càng đặc biệt hơn, đằng sau xe hủ tiếu ấy là những mảnh đời, số phận còn nhiều khó khăn.

hu3.jpg
Những xe hủ tiếu gõ quen thuộc.

Mưu sinh cùng xe hủ tiếu

Mỗi ngày phải đẩy hơn 1km từ nhà riêng ra góc nhỏ ở đường Nguyễn Ảnh Thủ (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TPHCM) nhưng chiếc xe hủ tiếu gõ của ông Nguyễn Văn Hạnh (66 tuổi) luôn đậu ở đó tới tận đêm khuya, bất kể mưa gió. Ông Hạnh kể, khá tình cờ ông bắt đầu bán hủ tiếu khoảng 15 năm trước.

“Gọi là hủ tiếu gõ chứ tôi chỉ đứng đây, không có gõ gì cả. Tôi đứng xe ở đây bán nhiều năm rồi. Phía trong chủ nhà họ không cho thuê mặt bằng nhưng cho phép mình đậu xe đứng bán, được kê thêm 2 chiếc bàn và 4 chiếc ghế nhựa. Hủ tiếu của tôi chỉ có thịt và xương thôi. Trước kia hai vợ chồng cùng đứng bán thì có làm thêm trứng cút luộc, tôm lột, gan heo cho khách nhưng hồi đầu năm vợ tôi đi xuống Bình Chánh ở với vợ chồng con gái. Tôi chỉ có một mình nên bán hủ tiếu xương thịt mà thôi”, ông Hạnh kể.

Ông Hạnh bảo cơ duyên tới với nghề bán hủ tiếu gõ cũng rất tự nhiên bởi hồi trẻ ông làm tài xế xe tải từ chợ nông sản Hóc Môn xuống dưới Đồng Tháp lấy hàng. Công việc thường đi buổi chiều và về trong đêm nhưng có một bữa trời mưa gió không may bị lật xe xuống kênh. Dù thoát chết nhưng phần vì bị gãy tay, phần vì sợ nên bỏ nghề, về nhà mở xe hủ tiếu bán.

hu1.jpg
Những tô hủ tiếu gõ quen thuộc ở TPHCM.

Lúc này quan sát xe hủ tiếu gõ của ông Hạnh, chúng tôi mới thấy khá đơn giản. Xe có thiết kế 3 bánh, có khung thép như chiếc ba gác nhỏ dài chừng 1,5m, ngang chỉ gần 1m. Xe có một chiếc nồi lớn, lúc nào cũng nghi ngút khói vì dưới nồi là bếp than tổ ong. Bí quyết 15 năm bán hủ tiếu gõ của ông Hạnh là nồi nước lèo luôn phải sôi. Bên cạnh là chiếc khay có mặt kính đựng xương thịt, từng miếng chặt khá đều tay.

Cạnh đó là hai chiếc túi nilon đựng rau xà lách và húng quế. Dưới chiếc xe là chậu nhựa lớn để bỏ hết tô, chén, đũa mà khách vừa ăn xong. Bên cạnh là chiếc thùng nhựa màu cam để đựng đồ thừa. Xe không có bảng hiệu nhưng ở TPHCM, chỉ cần nhìn là ai cũng biết đó là xe bán hủ tiếu gõ.

Tại TPHCM có hàng ngàn xe hủ tiếu gõ nhỏ bé, lặng lẽ như của ông Hạnh. Các xe hủ tiếu này thường bắt đầu bán tầm xế chiều (khoảng 3-4 giờ) cho tới tối muộn.

Ông Hạnh bảo mặc dù hầu hết khách hàng của ông là công nhân, người lao động, học sinh, sinh viên, nhưng cũng có cả người “sang” hơn, đi ô tô dừng lại ăn hủ tiếu gõ của ông. “Có ông giám đốc ở bên kia hẻm tối muộn hay ăn hủ tiếu của tôi. Thường lúc tôi chuẩn bị dọn hàng thì ông mới lái xe về, đậu ở ngã ba phía gốc cây kia rồi đi qua đây ăn. Ai ăn tôi cũng chỉ lấy giá 25.000 đồng mỗi tô”, ông Hạnh kể thêm.

Tại TPHCM có hàng ngàn xe hủ tiếu gõ nhỏ bé, lặng lẽ như của ông Hạnh. Các xe hủ tiếu này thường bắt đầu bán tầm xế chiều (khoảng 3-4 giờ) cho tới tối muộn. Khi bắt đầu mở hàng là thời điểm nhiều công nhân tạm nghỉ để ăn xế trước khi tiếp tục làm tăng ca hoặc các bạn trẻ sinh viên, học sinh mới tan buổi học. Với giá khoảng 20.000 - 30.000 đồng tuỳ theo từng loại, tô hủ tiếu coi như một bữa ăn thịnh soạn đầy đủ chất dinh dưỡng với thịt, xương heo và hủ tiếu mì, rau xà lách, rau thơm, giá… với những người có thu nhập thấp.

hu2.jpg
Xe hủ tiếu của ông Hạnh.

Món ăn gắn với cuộc đời

Cách đó hơn 10km, tại lề đường Tô Ký, một trong những tuyến đường nhộn nhịp nhất của quận 12, bà Nguyễn Thị Ba (61 tuổi) cũng ngày ngày lặng lẽ với chiếc xe hủ tiếu gõ.

“Tôi bán hủ tiếu ở đây gần 10 năm rồi. Trước hai vợ chồng tôi làm phụ quán ăn ở bên Thủ Đức. Nhưng rồi chồng tôi bị tai nạn giao thông, di chuyển khó khăn, sức khỏe cũng không đảm bảo nên về làm xe hủ tiếu gõ bán mưu sinh. Mỗi ngày cũng bán được vài trăm tô, cuối tuần thì ít hơn vì công nhân nghỉ làm và sinh viên nghỉ học”, bà Ba kể.

Cũng theo người phụ nữ này, hai vợ chồng bà đều quê Đồng Tháp nhưng hiện nay đang thuê trọ ở quận 12. “Chúng tôi có hai con gái đều lấy chồng. Chúng không khá giả gì nên hai vợ chồng phải tự mưu sinh. Cũng may tôi còn có sức khỏe, cố bán thêm vài năm rồi về dưới quê sống”, bà Ba tâm sự.

Kể về nghề bán hủ tiếu gõ, bà Ba bảo mặc dù tới 3 giờ chiều mới bắt đầu đẩy xe hàng từ phòng trọ nhưng từ sáng sớm và đã phải đi chợ mua nguyên liệu: “Tôi bán hủ tiếu xương thịt, tôm, gan heo thôi nhưng nhiều việc lắm. Do chồng tôi khó di chuyển nên ông ở phòng trọ phụ tôi nhặt rau, nấu nước lèo, ninh xương thịt. Ở đây tôi có kê 3 chiếc bàn, chục cái ghế nhựa nhỏ cho khách ngồi ăn. Mấy bữa nay trời hay mưa buổi chiều nên cũng cực lắm, chỉ có 1 chiếc ô che thôi. Chén bát thì đặt hết vào chiếc thùng kia để đêm đem về để chồng ở nhà rửa chứ ngoài này không có nước”.

Theo người phụ nữ này, bí quyết của việc làm hủ tiếu ngon là phải chọn xương thịt ngon. “Tôi bán ở đây không có tên quán, bảng hiệu gì nhưng toàn khách quen thôi. Bán giá bình dân, chỉ 25.000 đồng/1 tô xương giò và 20.000 đồng/1 tô thịt thái lát. Mấy cô chú công nhân ở đây tăng ca xin thêm nhiều hủ tiếu, nhiều rau mà tôi cũng lấy giá như vậy. Mình phải làm ngon để họ ăn chứ không phải bán lấy đồng tiền rồi thôi”, bà Ba chia sẻ.

Mặc dù được coi là một trong những quán hủ tiếu nổi tiếng bậc nhất ở TPHCM, nhưng nhiều năm qua, anh Trần Văn Thanh (46 tuổi) vẫn duy trì xe hủ tiếu gõ của mình ở một con hẻm trên đường Hậu Giang (quận 6). Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Thanh bảo khu vực này có rất nhiều quán hủ tiếu nổi tiếng, được các đài truyền hình, kênh ẩm thực và mạng xã hội đưa tin, thu hút hàng triệu lượt xem và đông khách đến ăn.

Bí quyết của người đàn ông quê Gò Công (Tiền Giang) này là bán cho những khách hàng nghèo khó, người lao động. “Trước kia tôi cũng theo người ta đi phụ hồ, đi làm công trình nhưng thấy vất vả quá.

Có đêm nằm nhớ lại ngày bé ở quê Gò Công, tôi rất thích ăn hủ tiếu gõ, tối mà nghe thấy tiếng “cắc, cắc, bụp, bụp” phát ra từ 2 thanh tre già là thích lắm, đòi ba má mua cho ăn bằng được. Vì thích ăn nên tôi chuyển qua bán hủ tiếu vì nghĩ sẽ có nhiều người thích như mình. Ban đầu bán bên khu Chợ Lớn, Bình Tây, cây gõ thì tôi cũng lấy thanh tre gõ vào nhau để tạo tiếng kêu. Nhưng ở thành phố xe cộ nhiều, không ai nghe thấy cả. Rồi tôi làm chiếc ống sắt và thanh tre gõ vào nhau. Nhưng được ít lâu thì chuyển về đây đứng bán, không chạy xe đi gõ nữa. Giờ hủ tiếu gõ là tên gọi của món ăn chứ ít người gõ, chỉ bán hủ tiếu mà thôi”, anh Thanh chia sẻ.

Từ trung tâm quận 1 cho tới những khu vực vùng ven ngoại thành, đâu đâu người ta cũng có thể bắt gặp những xe hủ tiếu gõ như của bà Ba, ông Hạnh, anh Thanh.

Nhưng cũng phải để ý quan sát bởi những xe hủ tiếu gõ ấy hiện nay không còn phát ra âm thanh (tiếng gõ cắc, cắc, bụp, bụp) như trước mà chúng nằm khuất lấp, nhỏ bé, không biển hiệu. Thế nhưng, chúng cũng là một phần không thể thiếu trong đời sống ẩm thực, thậm chí là một nét văn hóa mà chỉ những ai sinh sống, gắn bó với mảnh đất này đủ lâu mới hiểu và cảm nhận được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhọc nhằn đời hủ tiếu gõ