Khác với nghề đáy sông, nghề đáy biển hay còn gọi là nghề đáy hàng khơi, vất vả và khó khăn hơn. Với ngư dân vùng biển Cà Mau, nghề đáy được khai thác chủ yếu là mùa gió Nam tức mùa mưa (khoảng giữa năm) và mùa gió chướng mùa cuối năm với những sản phẩm đặc trưng.
Mưu sinh nơi cuối trời
Nằm giữa vùng biển Tây Nam, những hàng cọc đáy của ngư dân vùng Cái Vàm Đôi, Ngọc Hiển, Năm Căn, Trần Văn Thời… (tỉnh Cà Mau) có từ rất lâu đời. Chúng tôi bắt đầu làm một chuyến hải trình thăm những ngư dân làm nghề đóng đáy hàng khơi ở vùng biển Tây Nam trên chiếc ghe gỗ dài chừng 12m tại cảng cá Sông Đốc nằm ngay cửa sông Ông Đốc (thị trấn Sông Đốc, Trần Văn Thời, Cà Mau) vào một buổi sáng đẹp trời. Tuy nhiên, chủ ghe là anh Nguyễn Văn Luân lại bảo bữa nay trời trở gió, đi ra hàng đáy sẽ rất nhọc nhằn. Mặc dù lúc khởi hành trời yên, biển lặng, nhưng tôi tin những phán đoán của người ngư dân có nhiều kinh nghiệm. Từ nơi cửa sông, chúng tôi chạy khoảng hơn nửa giờ đồng hồ là ra tới khu vực hàng đáy của anh Luân. “Quanh đây có rất nhiều hàng đáy, hầu hết của ngư dân địa phương vùng Sông Đốc, Phong Điền mà thôi. Nhà tôi cũng có 4 hàng đáy với 30 khẩu tất cả. Tôi có làm thêm hai chòi canh, thuê 4 người nữa, có cậu em vợ ở ngoài này vừa canh đáy, vừa làm việc luôn. Mùa này, cứ 3 ngày tôi lại ra tháo đáy một lần. Bây giờ ghe ra rồi tối khi con nước xuống là tháo đáy, sáng sớm hôm sau lại cho ghe chạy vào cảng. Đang mùa gió chướng, rất nhiều mực, cá từ ngoài biển theo về nên đáy đợt này thu cũng khá”, anh Luân kể.
Vừa nhìn theo tay người ngư dân, chúng tôi thấy những hàng cọc dài được đóng bằng cây gỗ cừ lớn, có cả cây dừa già nữa, cao chừng 3m so với mực nước biển. Các cọc đáy này cách nhau chừng 5 - 6m, có rất nhiều dây nhợ lằng nhằng buộc chằng chịt. Ở phía cuối cọc đáy là một căn nhà rất nhỏ, nhìn xa xa như một chiếc tổ chim. Lúc này, anh Luân đã tắt máy, bắt đầu cho ghe chạy theo chớn và nói chuyện với mấy người đang ló đầu từ chiếc nhà nhỏ trên cọc đáy ra. Khi ghe gần tới, anh ném sợi dây thừng có buộc một quà cầu bằng chì to như trái bần lên nhà để buộc lại, rồi thả neo. Phải mất chừng 10 phút tôi mới có thể bước từ dưới ghe lên căn nhà rất nhỏ này với sự hỗ trợ của mấy người ngư dân. Phần vì sóng đánh khá mạnh khiến chiếc ghe cứ dập dềnh lên xuống.
Căn nhà mà hai ngư dân trông đáy ở chỉ rộng chừng 8m2 được lát bằng gỗ tràm sơ sài, nhìn thấy cả sóng biển nhấp nhô bên dưới sàn. Vách nhà cũng được làm bằng gỗ tràm ghép lại, có che chắn thêm những miếng tôn để chắn gió, sóng hắt nước lên. Sát vách nhà là 2 chiếc võng mắc sát lại để hai người thợ canh đáy ngủ nghỉ. Đồ đạc trong căn nhà nhỏ cũng rất đơn giản, chỉ có một chiếc bếp ga, nồi chảo, mấy cái chén bát. Tất cả đồ đặc đều bằng nhựa, được buộc bằng sợi dây cước cố định vào cọc tràm. Những khi sóng gió lớn, đồ có thể nghiêng ngả hoặc dịch chuyển nhưng không bị bay mất. Quý nhất trong căn nhà chính là 2 chiếc điện thoại iphone khá mới, có cả cục sạc được cất giữ cẩn thận trong chiếc hộp nhựa. Buổi tối, hai người thợ canh đáy có thể thắp sáng bằng ắc quy nhưng chỉ bật đèn khi nghe tiếng ghe máy (kẻ gian gỡ trộm đáy), hầu hết chỉ dùng để sạc điện thoại. Anh Luân bảo ngoài căn chòi này, cách đây chừng 500 m còn một căn chòi như thế nữa để canh 2 hàng đáy bên đó. Chỉ cho chúng một sợi dây ở góc ngoài căn chòi, anh Trần Văn Sơn, 31 tuổi bảo bắt đầu đi nấu bữa trưa. Vừa nói, anh vừa kéo sợi dây lên thì dưới đó là một túi lưới. Trong túi có hơn chục con cá nâu, mấy con mực nang ngọ nguậy. “Tôi làm nghề canh đáy được gần 3 năm rồi. Tôi nhà ở bên Cái Nước nhưng từ hồi dịch theo bạn ra đây. Ở đây chủ đáy bao cơm nuôi, mỗi tháng trả 6 triệu đồng. Công việc cũng không quá vất vả nhưng ngoài này buồn lắm, suốt ngày nằm chòi xem Youtube thôi. Chỉ những bữa tháo đáy thì vất vả. Nếu gặp trời mưa, gió lớn thì còn nguy hiểm nữa. Nhưng cũng quen rồi. Cứ 2 tuần tôi lại về cảng rồi chạy xe về nhà thăm vợ con”, anh Sơn kể.
Nghề xưa mai một
Cũng như nghề đáy sông cầu, đáy ven sông, nghề đáy hàng khơi của ngư dân vùng Cà Mau đánh bắt dựa trên nguyên lý thủy triều lên/xuống tạo ra dòng chảy. Dòng chảy này đem theo thủy sản bị vướng vào đáy, chui vào túi và ngư dân sẽ gỡ túi đáy lên. Điều đặc biệt là công việc tháo túi đáy rất vất vả, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. “Túi đáy nằm sát dưới mặt biển. Ngay cả khi thủy triều rút thì cũng phải 3 người kéo mới lên được. Vì đáy đóng sát biển nên có cả tôm cá thủy sản và rác, bèo tây từ sông trôi ra cũng chui vào. Mình kéo và lựa rất mệt, có khi cả tiếng đồng hồ mới xong một túi đáy. Nhiều túi nặng hơn tạ nhưng chỉ hơn chục kg cá mà thôi”, anh Sơn cho biết.
Vừa nói, anh vừa thoăn thoắt bước đi trên hàng dây giữ miệng đáy, tay vịn vào hàng dây phía trên. Với những ngư dân làm nghề canh đáy, việc đi trên dây và lặn dưới biển là những kỹ năng đầu tiên và quan trọng nhất mà họ phải thành thục nếu muốn gắn bó với nghề. Anh Luân bảo những hàng cọc đáy này có tuổi đời khoảng 10 năm. “Cứ chừng 10 năm mình phải mua cọc mới đóng xuống thay thế. Nghề đáy rất đặc thù, tiền lưới cọc thì ít nhưng tiền thuê nhân công thì nhiều. Như gia đình tôi có 4 người canh đáy, mỗi tháng tiền lương là 24 triệu đồng, thêm tiền ăn uống là hơn 30 triệu rồi. Mà nghề đáy ngày càng khó khăn do quy định về mắt lưới, không được đánh bắt tận diệt nên một năm chỉ đánh hai mùa (tổng cộng 8 tháng). Thời gian còn lại mình gỡ lưới lên nghỉ ngơi”, anh kể thêm. Cũng theo anh Luân, mùa gió chướng cuối năm thì sản phẩm chủ yếu là mực nang, cá khoai, ghẹ, tôm sắt và một số loại cá tạp. Sau khi gỡ đáy xong, anh chạy ghe về cảng Sông Đốc để phân loại và bán cho thương lái tùy theo loại. Cuối năm, khu vực cảng Sông Đốc rất nhộn nhịp với những ghe gỡ đáy ra vào. Đó cũng là cảng thuộc loại lớn nhất vùng biển Tây Nam.
Hầu hết hàng đáy của ngư dân ven biển Cà Mau nằm cách bờ từ 5 - 10 km. Nhiều khu vực cửa sông lớn như sông Ông Đốc, sông U Minh, sông Bảy Hạp, sông Cửa Lớn… thì mật độ hàng đáy nhiều hơn do hải sản nhiều. Hơn nữa, hải sản vùng nước lợ có giá trị kinh tế cao hơn, hầu hết đều là đặc sản đắt tiền. Những khu vực khác cũng có hàng đáy nhưng ít hơn. Với đặc thù mực nước thấp (khoảng 5 - 10m), đáy biển bằng phẳng nên việc đóng đáy rất thuận tiện. Tuy nhiên, nghề đáy đánh bắt bị động, phải trông chờ vào con nước và trữ lượng hải sản nên hiện nay nhiều ngư dân chuyển sang nghề khác có tính chủ động cao và sản lượng nhiều hơn.
Từng là nghề phổ biến nhất ở vùng châu thổ Cửu Long Giang, nghề đóng đáy trải dài từ ven sông, đồng ngập nước ra cửa sông, cửa biển và cả trên biển nhưng hiện nay, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nghề đóng đáy đang mai một. Đặc biệt là nghề đáy hàng khơi nằm ngoài biển xa, những hàng cọc đáy đang ngày một hiếm hoi.