Nhóm trông trẻ tự phát: Quản không dễ

Nguyễn Hoài 10/12/2021 09:32

Dù xuất phát từ nhu cầu của hai bên phụ huynh và giáo viên, song trong thời điểm dịch bệnh, trường học chưa được phép mở cửa thì việc tự tổ chức những nhóm chăm sóc trẻ tự phát sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ và cô giáo.

Theo các chuyên gia, để ngăn dịch vụ chăm sóc trẻ tại nhà là rất khó, sẽ không có giải pháp tối ưu nào cho đến khi trường học được mở của trở lại. Bởi, những nhóm trông trẻ tự phát này mở ra cũng nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh cần chỗ gửi con và giáo viên mầm non cần việc làm để có thu nhập.

Khó cấm cản

Tìm hiểu tâm tư của một số giáo viên mầm non, đa số các cô đều bày tỏ quan điểm rằng, cực chẳng đã họ mới phải nhận trông trẻ tại nhà, thậm chí nhiều cô đến tận nhà các gia đình để trông trẻ theo giờ để duy trì cuộc sống trong thời gian dịch Covid-19 còn kéo dài.

Dù biết tiềm ẩn rủi ro về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch nhưng bà Nguyễn Thị Kim Thanh, chủ Trường Mầm non Hạt giống nhỏ (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, sẽ rất khó để ngăn chặn tất cả các nhóm trẻ tự phát hay cấm cản việc các cô tự nhận trông trẻ tại nhà.

Các trường mầm non đang lao đao khi phải đóng cửa trường học thời gian dài vì dịch bệnh.

Trao đổi với chúng tôi, bà Thanh bày tỏ những trăn trở khi chứng kiến nhiều đồng nghiệp rơi vào tình cảnh không đủ ăn vì không có khoản thu nhập nào trong nhiều tháng phải tạm thời nghỉ dạy do dịch bệnh. Bản thân trường của bà Thanh cũng lao đao, không có khả năng hỗ trợ lương cho giáo viên nhà trường trong thời gian này.

Bà Thanh cho rằng, vì cơm áo, gạo tiền các cô phải nhận trẻ về nhà trông. Hơn nữa, phụ huynh cũng cần chỗ gửi con trong khi phải đi làm. Trong bối cảnh hiện nay, sẽ không có giải pháp tối ưu nào cho đến khi trường học được mở cửa trở lại.

Trước thực trạng nhiều nhóm trông trẻ tự phát nở rộ, mới đây Phòng GDĐT quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã có công văn yêu cầu giáo viên, nhân viên các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập ký cam kết với chủ lớp; chủ nhóm lớp ký cam kết với UBND phường tuyệt đối không được tổ chức các hoạt động giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại trường, nhóm lớp tư thục, nhà riêng của giáo viên, nhân viên trong thời gian thành phố yêu cầu học sinh nghỉ học tại nhà để phòng, chống dịch Covid-19.

Phòng GDĐT quận Thanh Xuân cũng đề nghị UBND các phường phối hợp để tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các cơ sở dạy thêm, học thêm, trông giữ trẻ mầm non sai quy định. Từ đó, có biện pháp xử lý nghiêm với những hành vi không chấp hành nghiêm quy định.

Tuy nhiên, ngay sau khi công văn được gửi đến các trường, hàng loạt giáo viên mầm non tư thục và nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập trên địa bàn quận Thanh Xuân đã lập tức xin nghỉ việc để tiếp tục công việc trông giữ trẻ tại nhà và không làm ảnh hưởng đến các chủ trường.

Về vấn đề này, theo ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng GDĐT quận Thanh Xuân, đối với công tác phòng, chống dịch, tất cả các văn bản cho đến thời điểm này đều không cho phép các trường được tổ chức dạy thêm, học thêm và trông giữ trẻ, phía UBND quận đã có văn bản chỉ đạo việc đó.

Trước bối cảnh dịch bệnh kéo dài như hiện nay, đời sống giáo viên gặp nhiều khó khăn, có thể sẽ phát sinh một số việc sai với quy định. Do đó, Phòng GDĐT quận đã ký văn bản phối hợp với các phường để tăng cường các biện pháp và trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch.

Ông Hữu cho hay, các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập phải quản lý giáo viên của mình. Đây là biện pháp quản lý bình thường và đang thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, không cho phép dạy thêm, học thêm và trông giữ trẻ trong thời gian phòng, chống dịch.

Hạn chế mức thấp nhất nguy cơ với trẻ

Thực tế từ quận Thanh Xuân có thể thấy rằng, việc ngăn cấm các nhóm trẻ tự phát, giáo viên nhận trông trẻ tại nhà trong khi nhu cầu của phụ huynh và giáo viên là rất lớn không phải chuyện dễ dàng. Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề này, giải pháp tối ưu là tính toán phương án mở cửa trường học trở lại.

Về mặt pháp lý, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, điều kiện và thủ tục đăng ký thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 12 Quyết định số 14/2008/QĐ-BGDĐT ban hành Điều lệ trường mầm non, như: giáo viên đạt trình độ nhất định; diện tích phòng tối thiểu 1,5 m2 cho một trẻ; có bếp riêng, an toàn, đảm bảo phòng chống cháy nổ, thực hiện chế độ đăng kiểm thực phẩm,… và các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, tài liệu theo quy định.

Dịch vụ trong trẻ tại nhà được đăng nhiều trên các diên đàn mạng xã hội.

Dẫu biết rằng việc gửi con và nhận trông giữ trẻ tại các địa điểm tự phát là trái quy định, tuy nhiên Luật sư Tiền nêu quan điểm: “Trong điều kiện hiện nay, phải thông cảm rằng, thực tế phụ huynh thực sự khó khăn khi phải đi làm mà "bí" chỗ gửi con. Mặt khác, các cô giáo cũng có nhu cầu giữ trẻ để ổn định thu nhập trong mùa dịch”.

Trước mắt, để giải quyết vấn đề này, theo Luật sư Tiền, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh trong việc tìm người trông trẻ.

Phụ huynh cũng nên cân nhắc kỹ khi gửi con ở những nhóm trẻ tự phát, cần có những phương án hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ với trẻ em, bằng cách thoả thuận với người giữ trẻ chú ý các khâu an toàn như gas, điện, nước, vệ sinh thực phẩm,...

Về giải pháp lâu dài, cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về quản lý, giám sát các điểm trông giữ trẻ tự phát: bắt buộc thực hiện thủ tục đăng ký với chính quyền cơ sở, đề ra ra các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể đối với những cơ sở tham gia loại hình dịch vụ này. Đối với những cơ sở trông giữ trẻ em trái phép, không có giấy phép, không đảm bảo các điều kiện an toàn cho trẻ cần có các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời.

Luật sư Trần Xuân Tiền lưu ý, điểm giữ trẻ tự phát hay các cô đến nhà phụ huynh để trông trẻ đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Ngoài nguy cơ cao nhiễm Covid-19 khi gửi tại những nhóm trông trẻ tự phát thì còn rất nhiều nỗi lo như: không đủ điều kiện cơ sở vật chất đề phòng tai nạn cho trẻ, không có kĩ năng xử lý các tình huống phát sinh,...

Việc tự ý nhận trông trẻ mùa dịch mà không đăng ký thành lập hoặc không có giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật có thể bị phạt tiền đến 20 triệu đồng, căn cứ vào Điều 34 Nghị định 144/2013/NĐ-CP. Ngoài ra, sẽ bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhóm trông trẻ tự phát: Quản không dễ