Các chuyên gia dự báo, nhu cầu tuyển dụng dự kiến sẽ tăng từ 10 - 15% từ nay đến sát Tết. Tại các địa phương - nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, các doanh nghiệp đang tuyển dụng thêm hàng chục nghìn lao động
Doanh nghiệp khôi phục sản xuất
Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất và đang đẩy mạnh tuyển dụng lao động ở nhiều lĩnh vực. Hiện những tấm biển tuyển dụng rất mới lại được dựng lên trước cửa nhiều nhà máy. Số lượng cần tuyển thậm chí lên tới hàng nghìn người và có thể đi làm ngay sau khi phỏng vấn.
Được biết, từ cuối năm 2020 đến nay, một làn sóng tuyển dụng mới chủ yếu là lao động kỹ thuật trình độ từ trung cấp đến cao đẳng. Theo kết quả khảo sát, nhu cầu tuyển dụng lao động khối kỹ thuật của các doanh nghiệp năm 2021 tăng vọt khoảng 815.000 người và năm 2022 ước vào khoảng 817.000 người. Số lượng các công ty tái tuyển dụng đang tăng trở lại sẽ lấp dần những khoảng trống trong năm đầy khó khăn 2020.
GDP cả nước năm qua thuộc nhóm cao nhất thế giới cho thấy triển vọng của thị trường lao động 2021 khởi sắc nhờ làn sóng dịch chuyển, mở rộng sản xuất tại Việt Nam của một số tập đoàn lớn đã và sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Những ngành nghề nào có nhu cầu tuyển dụng cao năm 2021?
Theo Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp năm 2021, tổng số lao động qua đào tạo nghề trọng điểm cần tuyển mới là khoảng 815.000 người và năm 2022 là khoảng 817.000.
Theo đó, năm 2021, tổng số lao động qua đào tạo nghề trọng điểm cần tuyển dụng mới là khoảng 815.000 người và năm 2022 là khoảng 817.000 người. Trong đó, nhu cầu tuyển mới lao động có trình độ cao đẳng là cao nhất, tiếp đến là trình độ trung cấp và sơ cấp.
Cụ thể, năm 2021, đối với lao động trình độ sơ cấp, nhu cầu tuyển dụng mới nhiều nhất là may thời trang, tiếp đến là kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật xây dựng...
Đối với trình độ trung cấp, nhu cầu tuyển dụng mới nhiều nhất là may thời trang, tiếp đến là vận hành máy xây dựng, kỹ thuật chế biến món ăn. Còn với trình độ cao đẳng, nhu cầu tuyển dụng mới nhiều nhất là may thời trang, tiếp đến là vận hành máy xây dựng, điện công nghiệp…
Những hạng mục mà người lao động cần phải cải thiện nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp đó là: Chuyên môn/nghiệp vụ; Kỹ năng giao tiếp; Kỹ năng tư duy sáng tạo, tính chủ động; Kỹ năng giải quyết vấn đề.
Cũng theo khảo sát của Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp, năm 2019 thu nhập bình quân chung của lao động trình độ sơ cấp khoảng 5,7 triệu đồng/tháng.
Nghề có thu nhập bình quân cao nhất là công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông (gần 9,2 triệu đồng/tháng); sau đó đến là kỹ thuật xây dựng (8,1 triệu đồng/tháng); kỹ thuật thiết bị điện tử (8,06 triệu đồng/tháng).
Đối với trình độ Trung cấp, nghề có thu nhập bình quân/tháng cao nhất là nghề quản lý khai thác công trình thủy lợi (12,2 triệu đồng/tháng); tiếp đến là kỹ thuật sơn mài và khảm trai (9,75 triệu đồng/tháng); chế tạo thiết bị cơ khí (9,15 triệu đồng/tháng). Thu nhập bình quân chung của lao động trình độ trung cấp khoảng 6,3 triệu đồng/tháng.
Đối với trình độ Cao đẳng: Nghề có thu nhập bình quân cao nhất là điều dưỡng (15,5 triệu đồng/tháng); sau đó đến quản lý khai thác công trình thủy lợi (14,1 triệu đồng/tháng); kỹ thuật sơn mài và khảm trai (10,2 triệu đồng/tháng). Thu nhập trung bình chung của lao động trình độ cao đẳng khoảng 7,3 triệu đồng/tháng.