Sức khỏe

Những bác sĩ đón Xuân cùng người bệnh

Đức Trân 20/02/2024 07:52

Có lẽ chuyện “lỗi hẹn” đón giao thừa, hay du xuân với gia đình để ở lại chăm sóc, cứu sống bệnh nhân đã không còn xa lạ đối với các y, bác sĩ trực Tết.

bai-chinh.jpeg
BS Lã Thị Mỹ Dung thăm khám bệnh nhi tại Bệnh viện đa khoa huyện Đan Phượng (Hà Nội). Ảnh: BVCC.

Thế nhưng, họ không coi đó là sự thiệt thòi, bởi lẽ, mỗi khi thấy bệnh nhân qua cơn nguy kịch và khỏe mạnh thì đó mới chính là niềm vui, hạnh phúc trọn vẹn trong những ngày trực Tết của các “chiến sĩ áo trắng”.

Đã có 12 năm công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Đan Phượng (Hà Nội), và cũng từng ấy năm tham gia trực Tết tại đây, BS Lã Thị Mỹ Dung, khoa Khám bệnh chia sẻ: Sau hơn chục năm gắn bó với công việc, giờ đây tôi đã quen với việc trực Tết, vì nghề Y mình lựa chọn là vậy. Khi mới công tác, có những thời điểm con vẫn còn nhỏ cũng có lúc tôi tủi thân vì không được quây quần bên gia đình, thấy vất vả khi Tết mà vẫn quay cuồng vì vẫn có bệnh nhân cần chữa trị. Thế nhưng, dần dần tất cả những cảm xúc ấy cũng được lấp đầy bằng sự quan tâm, chúc Tết của lãnh đạo, bằng tình cảm của đồng nghiệp và niềm hạnh phúc khi thấy bệnh nhân sớm bình phục.

Dù vậy, thế nhưng đối với gia đình của BS Dung, sự thiệt thòi là không thể tránh khỏi bởi chồng chị, BS Nguyễn Đức Hải - khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Quân y 105) cũng “đi biền biệt” trong những ngày Tết.

BS Dung chia sẻ: Tôi lấy chồng xa mà 2 vợ chồng đều trực Tết nên cũng hơn chục năm nay không được về quê ngoại. Đến giờ bố mẹ cũng chẳng hỏi năm nay Tết có về quê không mà chỉ nhắn cứ yên tâm, ông bà tự lo được hết. Trên này thì may mắn có bố mẹ chồng. Những ngày Tết hai cụ lại tất bật lo sắm Tết, lo chăm sóc 2 đứa nhỏ rồi đi chùa, đi chúc Tết cũng đều phải nhờ ông bà cả. Chục năm nay cũng chưa có lần nào hai vợ chồng cùng nhau cho con đi chơi Tết được. Chồng tôi làm ở khoa Hồi sức tích cực nên những ngày Tết này vô cùng bận rộn và áp lực bởi số người tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm phải nhập viện rất lớn, 6 giờ sáng mùng 1 Tết bắt đầu đi trực tới đêm là chuyện bình thường. May mắn, dù người thân rất muốn vợ chồng tôi có thể ở nhà để sum vầy bên nhau nhưng gia đình cũng hiểu, rất nhiều người bệnh cũng cần chúng tôi.

BS Dung cũng bày tỏ thêm niềm vui đặc biệt: Khác với mọi năm, Tết năm nay số lượng người phải nhập viện vì tai nạn giao thông đã giảm nhiều. Đây là niềm vui lớn nhất của tôi trong những ngày trực Tết vừa rồi. Cứ năm nào càng gần Tết thấy bệnh nhân càng vắng, càng vãn tiếng còi xe cấp cứu thì chúng tôi lại càng hạnh phúc.

Khác với BS Dung, đối với BS Lê Thị Trâm Anh - khoa Sản (Bệnh viện đa khoa Bắc Giang), việc trực Tết chị đã làm quen từ nhỏ. Sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều là bác sĩ, từ nhỏ BS Trâm Anh đã được theo bố mẹ đi làm, đi trực và môi trường bệnh viện cũng trở thành thân quen.

“Từ bé tôi đã quen với việc đón Giao thừa mà không có bố hoặc mẹ ở nhà. Năm nào gặp ca bệnh nguy kịch hay bệnh nhân đông thì cả bố và mẹ đều không có. Những ngày đầu năm của gia đình tôi có lẽ cũng hơi khác so với những nhà khác bởi sau những ca trực, nếu cứu sống bệnh nhân thì niềm vui ngày Tết của cả gia đình được nhân lên nhiều lần và ngược lại. Nhưng có lẽ cũng chính vì thế mà tôi đã yêu nghề y từ nhỏ, yêu cảm giác được đón những đứa trẻ chào đời và quyết định chọn khoa Sản, rồi cũng chọn cả chồng là bác sĩ luôn cho… giống bố mẹ. Nhiều người nói không nên lấy chồng cùng ngành nhưng có chồng cùng viện với tôi lại là niềm hạnh phúc. Những lúc mệt mỏi, áp lực được chồng hiểu, thương và gánh vác thêm công việc, sự san sẻ của anh giúp tôi thêm yêu nghề” – BS Trâm Anh kể.

Cũng theo BS Trâm Anh, hầu hết trường hợp nhập viện đêm giao thừa do chuyển dạ bất ngờ hoặc cấp cứu nguy kịch. Do đó, bác sĩ sản khoa luôn nhắc nhở nhau phải giữ sự tập trung và đưa ra quyết định sáng suốt để đón những công dân đầu tiên của năm mới. “Điều đặc biệt cũng là hạnh phúc nhất của bác sĩ khoa Sản là được chào đón em bé mới chào đời đầu năm” – BS Trâm Anh tâm sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những bác sĩ đón Xuân cùng người bệnh