Ngày 30/5, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn báo cáo tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV về Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022. Trong đó dự toán, chi chuyển nguồn, nợ thuế tăng, chậm giải ngân… là những vấn đề nổi cộm.
Theo đó, đánh giá về công tác lập và giao dự toán, Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ rõ, tại thời điểm xây dựng dự toán năm 2022, dịch Covid-19 bùng phát, nhiều tỉnh, thành phố bị phong tỏa, cách ly, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội, nhiều doanh nghiệp ngừng và tạm ngừng hoạt động.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ ước thực hiện thu nội địa, thu xuất nhập khẩu năm 2021 làm cơ sở xây dựng dự toán năm 2022 thận trọng, thực tế thực hiện lớn hơn so với ước thực hiện. Cụ thể, ước thực hiện thu nội địa (không bao gồm dầu thô) năm 2021 là 1.133.200 tỷ đồng, thực tế thực hiện năm 2021 là 1.313.281 tỷ đồng, bằng 115,9% so với ước thực hiện năm 2021. Ước thực hiện thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2021 là 335.000 tỷ đồng, thực tế thực hiện năm 2021 là 377.105 tỷ đồng, bằng 112,6% so với ước thực hiện năm 2021 tại thời điểm lập dự toán, bằng 119,7% so với dự toán giao. Qua kiểm toán cho thấy, tại một số địa phương, ước thực hiện năm 2021 làm cơ sở xây dựng dự toán thu năm 2022 thấp hơn 90% so với thực hiện năm 2021.
“Một số địa phương lập dự toán chưa đầy đủ, chưa bao quát hết nguồn thu. Một số chỉ tiêu thu dự báo chưa sát nên lập dự toán chưa phù hợp với thực tế thực hiện; việc lập, giao dự toán nguồn thu xuất nhập khẩu tại một số Cục Hải quan chưa sát với khả năng thu” - báo cáo của KTNN nêu rõ.
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, việc lập, giao kế hoạch đầu tư công năm 2022 tại một số Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương còn hạn chế, nhất là việc dự kiến kế hoạch vốn cho dự án chưa sát thực tế dẫn đến không giải ngân được hoặc tỷ lệ giải ngân rất thấp. Công tác lập, thẩm định, giao kế hoạch vốn chậm so với quy định; bố trí kế hoạch vốn chưa sát thực tế, phải hủy hoặc điều chỉnh kế hoạch vốn; chưa đảm bảo thứ tự ưu tiên; chưa ưu tiên bố trí dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản; bố trí cho dự án khởi công mới khi chưa có chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư…
Tương tự, đối với dự toán chi thường xuyên, Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ trình và được Quốc hội bố trí dự toán ngân sách trung ương (NSTW) năm 2022 để xử lý các vấn đề phát sinh trong năm (chi hỗ trợ các địa phương thực hiện chế độ, chính sách mới và thực hiện các nhiệm vụ khác của NSTW) số tiền 43.069 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản dự toán này chưa sát thực tế do trong năm có một số nhiệm vụ chưa phân bổ số tiền 16.306,9 tỷ đồng hoặc không phân bổ hết số tiền 16.275 tỷ đồng, ảnh hưởng đến việc xác định chỉ tiêu bội chi (số không phân bổ và chưa phân bổ là 32.581,9 tỷ đồng, bằng 9,3% dự toán bội chi NSTW) và kế hoạch vay của NSNN. Tại một số Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương lập dự toán chi thường xuyên chưa phù hợp quy định; lập dự toán chậm; chưa sát thực tế…
Một trong những nội dung đáng chú ý khác trong Báo cáo kiểm toán là tổng số chi chuyển nguồn năm 2022 sang năm 2023 là 1.146.676 tỷ đồng (NSTW 379.276 tỷ đồng; ngân sách địa phương 767.400 tỷ đồng), bằng 39,6% tổng chi NSNN (2.897.466 tỷ đồng) và bằng 65,5% số thực chi (1.750.790 tỷ đồng). “Số chuyển nguồn tiếp tục tăng cao cả về số tương đối và số tuyệt đối so với năm 2021, trong đó loại trừ nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương 432.350 tỷ đồng, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi 287.374 tỷ đồng, số chuyển nguồn năm 2022 sang 2023 còn lại 426.952 tỷ đồng, tăng 55.917 tỷ đồng so với năm trước (371.035 tỷ đồng)” - KTNN đánh giá.
"Việc xây dựng dự toán không sát và thấp hơn thực tế làm cho không gian tài khóa bị thu hẹp. Đáng lưu ý, khi xây dựng dự toán thu thấp, trong khi nhu cầu chi đầu tư ngày càng tăng, đặt ra vấn đề phải đi vay, dẫn đến xây dựng dự toán bội chi cao hơn so với nhu cầu thực tế. Mặt khác, việc giải ngân lại chậm, nhiều dự án không giải ngân được, buộc phải chuyển nguồn. Thực tế, số chuyển nguồn năm 2022 gần bằng 85,3% số phải huy động bội chi. Đây là con số rất lớn. Nếu chúng ta làm dự toán sát với khả năng thu, chi thì không cần phải chuyển nguồn và phải vay thêm đến 85%. Tất cả khoản vay nợ, bội chi là bài toán chúng ta để lại cho giai đoạn sau, thế hệ sau, vì đi vay phải trả. Điều này đặt ra vấn đề tới đây, cần đánh giá lại thực sự thấu đáo và sớm sửa đổi Luật NSNN để có cách tiếp cận xây dựng dự toán ngân sách phù hợp và thực tế hơn".
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.
Nợ thuế tăng 36%
Đối với công tác chấp hành ngân sách, theo số liệu của KTNN, thu NSNN quyết toán 1.820.310 tỷ đồng, bằng 128,8% (tương ứng vượt 406.902 tỷ đồng) so với dự toán giao và tăng 14,3% so với thực hiện năm 2021. Trong đó, thu nội địa vượt 22,9% dự toán giao (một số khoản thu vượt dự toán cao, như: Thu từ doanh nghiệp nhà nước vượt 13,3%, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vượt 18,2%, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh vượt 21,7%, thu tiền sử dụng đất vượt 54,4% so với dự toán Trung ương giao).
Phân tích nguyên nhân thu vượt dự toán, KTNN nêu rõ, ngoài nguyên nhân do tại thời điểm lập dự toán Chính phủ thận trọng trong dự báo tình hình phục hồi và phát triển kinh tế thì nguyên nhân chủ yếu do dịch bệnh sớm được kiểm soát, kinh tế nhanh chóng được mở cửa trở lại, việc ban hành các chính sách tài khóa, kích cầu, đầu tư công được triển khai quyết liệt, nền kinh tế tăng trưởng vượt cao so với mục tiêu; thu ngân sách của nhiều ngành, lĩnh vực tăng trưởng đột biến và duy trì mức nộp cao. Ngoài ra, ngành thuế đẩy mạnh công tác quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ đọng cũng góp phần tăng thu cho NSNN.
Tuy nhiên, KTNN cũng phát hiện, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu các loại thuế, phí, lệ phí, các khoản thu khác… đã được KTNN chỉ ra từ các năm trước vẫn diễn ra tại các đơn vị được kiểm toán. KTNN xác định số phải nộp NSNN tăng thêm 3.841 tỷ đồng. Đồng thời, số nợ thuế do cơ quan thuế quản lý tiếp tục gia tăng. Tổng số nợ đến ngày 31/12/2022 là 158.914,7 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2021, số tuyệt đối tăng 41.952,9 tỷ đồng. Nợ thuế do cơ quan hải quan quản lý cũng tăng 3,8% (270,7 tỷ đồng) so với năm 2021.
Giải ngân chậm, không giải ngân hết
Qua kiểm toán công tác chi đầu tư phát triển, KTNN chỉ ra 44 dự án nguồn NSTW được kéo dài thời gian giải ngân, thanh toán từ năm 2021 sang năm 2022 nhưng không giải ngân hết trong năm 2022 phải hủy bỏ với số tiền 348,7 tỷ đồng và tiếp tục được bố trí kế hoạch vốn năm 2022 nhưng vẫn không giải ngân được, phải kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 hoặc hủy bỏ với tổng số vốn là 2.029 tỷ đồng, bằng 80% kế hoạch vốn giao năm 2022.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương không giải ngân hết kế hoạch vốn được bổ sung trong năm, phải đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 của 79 dự án với tổng số đề xuất kéo dài 2.335,732 tỷ đồng, chưa đảm bảo thực hiện theo đúng nguyên tắc, tiêu chí điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn NSTW năm 2022.
Trong chi thường xuyên, kết quả kiểm toán chỉ rõ, một số khoản chi sự nghiệp nguồn NSTW thực hiện thấp so với dự toán giao. Tại một số Bộ, cơ quan Trung ương còn tình trạng chi sai quy định phải thu hồi nộp NSNN, quyết toán kinh phí chậm. Đáng chú ý, một số địa phương ngân sách tỉnh hụt thu lớn, nhưng chưa kịp thời điều chỉnh giảm chi tương ứng hoặc điều hành ngân sách chưa phù hợp với quy định; có 5/60 địa phương được kiểm toán hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi theo phân cấp; 31/60 địa phương sử dụng sai nguồn 3.296,266 tỷ đồng.
Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN đối với niên độ ngân sách năm 2022 là 21.346,33 tỷ đồng, gồm: Các khoản tăng thu 3.841 tỷ đồng; giảm chi NSNN 17.505,33 tỷ đồng (chi thường xuyên 15.319,46 tỷ đồng; chi đầu tư 2.185,87 tỷ đồng); kiến nghị khác 28.595,09 tỷ đồng. Đồng thời, KTNN kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số nội dung không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn của 198 văn bản, gồm: 1 luật, 8 nghị định, 5 quyết định, 27 thông tư và 157 văn bản khác.
Kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 về niên độ NSNN năm 2021 của KTNN trong năm 2023 cho thấy, đến ngày 31/12/2023, số kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị khác đã thực hiện là 62.285 tỷ đồng/71.545 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 87,06%, tăng 3,76% so với năm trước (năm 2022, tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2021 về niên độ 2020 là 83,3%); có 98/270 nội dung/văn bản đã được Chính phủ, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN; có 68/183 báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm đã được các đơn vị thực hiện.