Chiều 3/11, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, gia đình cố Nhà giáo Nhân dân Y Ngông Niê Kdăm đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí giới thiệu Chương trình nghệ thuật “Những Cánh chim đại ngàn” nhằm tri ân tôn vinh những đóng góp gần 60 năm năm hoạt động liên tục, không mệt mỏi trong các lĩnh vực Giáo dục- đào tạo, công tác dân tộc của cố Nhà giáo Nhân dân Y Ngông Niê Kdăm.
Quang cảnh buổi họp báo.
"Những cánh chim đại ngàn" là chương trình nghệ thuật đặc sắc với sự tham gia của 8 ca sĩ, nghệ sĩ của vùng đất đại ngàn đầy nắng và gió biểu diễn phục vụ bà con đồng bào các dân tộc Đắk Lắk vào 19h30 ngày 10/11 với những ca khúc mang hơi thở của vùng đất Ba zan huyền thoại.
Nhạc sĩ H’Linh Nga Niê Kđăm (con gái của cố Nhà giáo Nhân dân Y Ngông Niê Kdăm) chia sẻ, đêm nhạc “Những cánh chim đại ngàn” là chương trình nghệ thuật tôn vinh Cố Nhà giáo Nhân dân Y Ngông Niê Kdăm do gia đình tự bỏ kinh phí tổ chức với mong muốn xây dựng Quỹ khuyến học Y Ngông. Qũy nhằm trao học bổng hỗ trợ cho các em học sinh nghèo vượt khó của 4 trường tiểu học mang tên cố Nhà giáo nhân dân Y Ngông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Chương trình còn là dịp Kỷ niệm 95 năm ngày sinh cố Bác sĩ-Nhà giáo Nhân dân Y Ngông Niê Kdăm, là lời tri ân các nhà giáo Tây Nguyên nhân tháng Nhà giáo Việt Nam.
Từ 3 năm nay, bên cạnh trao học bổng cho trẻ em nghèo các trường mang tên cố Nhà giáo Nhân dân Y Ngông Niê Kdăm, người nhà của cố Nhà giáo Nhân dân Y Ngông Niê Kdăm cũng đã tổ chức quyên góp quần áo, sách vở trao tặng các em học sinh nghèo ở các buôn làng của địa phương.
Cố Nhà giáo nhân dân Y Ngông Niê Kdam sinh ngày 13/8/1922 tại buôn Ea Sut, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk. Ông xuất thân trong một gia đình nông dân, quê hương có nhà tù Buôn Ma Thuột của thực dân Pháp, nơi giam giữ, tù đày những tù chính trị yêu nước, nên ông đã sớm giác ngộ và tham gia hoạt động trước cách mạng Tháng 8 - 1945.
Trải qua gần 60 năm năm hoạt động liên tục, không mệt mỏi trong các lĩnh vực Giáo dục- đào tạo, công tác dân tộc, ông đã được Đảng và nhân dân tín nhiệm giao đảm nhận nhiều cương vị trọng trách trong Đảng và Nhà nước, như: Đầu năm 1946 làm Phó ban Quốc dân thiểu số miền Tây Nam Trung bộ, phụ trách xây dựng cơ sở vùng địch hậu.
Cuối năm 1946 làm Phó Giám đốc Nha dân tộc thiểu số Trung ương, Ủy viên ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Uỷ viên Đảng Đoàn Bộ Giáo dục; Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Đắk Lắk; Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên. Ông là đại biểu Quốc hội 9 khoá liên tục từ khoá I (1946) đến khoá IX ( 1992-1997).
Trong suốt cuộc đời phục vụ sự nghiệp cách mạng của mình, ông luôn nêu tấm gương về lòng tận tuỵ, sự trung thành với cách mạng, với Tổ quốc, với nhân dân. Với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, ông đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận và tặng thưởng: Huân chương Độc Lập hạng Nhì; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Nhà giáo Nhân dân và nhiều Huân chương, Huy chương khác.