Tỉnh Ninh Thuận được xem là khu vực tâm hạn của cả nước, hạn hán xảy ra liên tục và trên diện rộng đã gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Vậy mà những cánh đồng nho tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải vẫn xanh tươi, vược qua nắng hạn, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ những nông dân ở đây chủ động khoan giếng, đào ao, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước.
Cánh đồng nho xã Vinh Hải, huyện Ninh Hải.
Những cánh đồng nho mơn mởn
Trong những ngày cuối tháng 3, chúng tôi tìm đến vùng đất đầy nắng gió tại xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), dọc theo cung đường biển, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những đồi núi trơ trọc, những cánh đồng nứt nẻ do cái nắng hạn và xâm nhập mặn. Tuy nhiên, càng đi sâu vào trong thôn hình ảnh của nhưng cánh đồng nho xanh mơn mởn xuất hiện trước mắt chúng tôi.
Những câu hỏi tại sao giữa vùng đất hạn như thế này, cây cối không sống nổi vậy mà những vườn nho lại xanh tươi tốt thế. Lý giải bất ngờ này, ông Lê Văn Cảnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hải chia sẻ: cây trồng ở đây vẫn xanh tốt giữa hạn hán là nhờ người dân địa phương tích cực áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm (tưới phun mưa) theo hướng ít sử dụng nước, đồng thời chủ động tạo nguồn và sử dụng nước tiết kiệm.
Ông Cảnh cho biết, xã Vĩnh Hải nằm về phía Đông Bắc huyện Ninh Hải, những cây chủ lực của địa phương như: nho, táo, hành tỏi, ớt và một số cây hoa màu khác ... Tổng diện đất trồng nho 154 ha, tập trung chủ yếu cánh đồng thôn Thái An chiếm diện tích 148 ha. Nguồn nước tưới tiêu chính từ hồ nước ngọt dẫn về tưới cánh đồng khoảng 57 ha và thẩm thấu tạo thành mạch nước ngầm trong lòng đất cánh đồng thôn Thái An, nông dân đào ao, đào giếng, khoang giếng trong lòng đất để bơm nước tưới tiêu.
Đến nay, khoảng 80% hộ nông dân đã áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây nho. Nhờ áp dụng theo công nghệ tưới nước phum mưa, nên trên địa bàn toàn xã hiện nay mới có những cánh đồng nho xanh tươi tốt như vậy mà vẫn không lo hạn hán hay thiếu nước.
Công nghệ mới, nông dân lãi lớn
Ông Phạm Văn Hùng (ngụ thôn Thái An, xã Vĩnh Hải) cho biết: Trước đây, chưa hạn hán thì tôi cũng như nhiều hộ dân trong xã sử dụng phương pháp tưới tràn, những lúc đủ nước thì tưới đủ cho 9 sào nho, còn lúc nước thiều chỉ tưới khoảng 4-5 sao là hết nước, lúc đó chỉ biết đứng nhìn mà sót cho diện tích còn lại. Những năm gần đây hạn hán xảy ra liên tục và ngày càng gay gắt, nước thiếu trầm trọng nên phương pháp tưới tràn lại càng không đủ nước. Thấy trong xã nhiều hộ tưới theo phương pháp phun mưa đỡ tốn công, giảm được lượng nước và điện mà lại đảm bảo đủ nước cho cả vườn nho nên tôi đến học hỏi về áp dụng.
Để thực hiện mô hình này, tôi đã đầu tư đường ống dẫn nước và béc phun mưa, val với chi phí khoảng 4 triệu đồng/sào đất, tổng cộng 9 sào thì mất khoảng gần 40 triệu. Với phương thức tưới cách nhật, thời gian tưới hợp lý nên không cần nhiều nước nhưng cây trồng vẫn ướt đẫm và đủ độ ẩm cho gốc.
Ông Hùng chia sẻ, gia đình canh tác 9 sào nho, sử dụng hệ thống tưới phun mưa tiết kiệm đến hơn 50% lượng nước, 50% cùng thời gian và 90% công lao động. “Nhờ hệ thống tự động, tôi chỉ mở val tổng rồi đi làm chuyện khác mà không lo thiếu nước”. Mỗi năm tôi trồng 3 vụ nho với phương pháp tưới phun sương thì mỗi sào tôi lãi hơn 18 triệu đồng và mỗi vụ sau khi trừ chi phí tôi cũng lãi được hơn 150 triệu đồng (hơn 450 triệu/năm).
Ông Võ Quang, một hộ nông dân trồng nho bên cạnh vườn ông Hùng phấn khởi cho biết: Gia đình tôi cũng áp dụng cách tưới phun mưa này, chi phí đầu tư không cao lắm, vật dụng cũng dễ mua ngoài thị trường. Mới hôm qua, tôi cũng mới bán cho thương lái 2,3 sào nho với giá 20.000 đồng/kg thu về 100 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí tôi cũng lãi được hơn 50 triệu đồng.
Ông Lê Văn Cảnh cho biết: “Thời gian tới, xã tiếp tục vận động, hướng dẫn bà con sử dụng nước tiết kiệm, đẩy mạnh nhân rộng 100% bà con sử dụng phương pháp này”.