Những chiếc xe ‘cà tàng’…

Quang Ngọc 15/03/2021 10:30

Từ hôm nay, ngày 15/3, Cảnh sát Giao thông Công an Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý người sử dụng xe cơ giới 3 bánh, xe cũ nát, xe tự chế, xe “cà tàng”... lưu thông trên đường.

Đợt “ra quân” này sẽ kéo dài cho đến hết ngày 14/6. Như vậy, một lần nữa số phận những chiếc xe cũ kĩ lại được đặt ra, mà sau nó là cuộc sống của không ít người lao động nghèo.

Được biết, trong đợt cao điểm xử lý xe “cà tàng” lần này, lực lượng chức năng sẽ xử lý xe cơ giới không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, xe cũ nát, xe tự chế. Cùng đó sẽ tập trung phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như giấy phép lái xe, đăng ký xe; xe không có bộ phận giảm thanh, giảm khói, đèn, còi, thắng hoặc có nhưng không có tác dụng; xe vi phạm các quy định về gắn biển số, lắp thêm đèn, giá đỡ...

Thời gian qua, tại các đô thị đông dân, việc ứng xử thế nào với “đội quân xe cà tàng” đã nhiều lần được đặt ra. Không ít lần ở Hà Nội, TP HCM đã có chủ trương phát, thu hồi xe tự chế (nhất là với xe ba bánh “ngênh ngang” trên đường, gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường vì lượng khói thải lớn cùng như bùn đất mà chúng mang lại). Người ta cũng đã lên kế hoạch kiểm soát mức khí thải gây ô nhiễm của các loại xe cũ, tất nhiên là nhắm đến xe gắn máy là chủ yếu.

Vào khoảng cuối tháng 10/2015, CSGT Công an TP HCM cũng đã tổ chức một đợt ra quân kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn xe “cà tàng”. Đợt ấy kéo dài cho đến Tết Nguyên đán 2016. Lập biên bản xử lý 4.738 xe “cà tàng”. Nhìn chung sau hơn 2 tuần (từ ngày 20/10 đến ngày 3/11/2015) CSGT Công an TP HCM đã lập biên bản xử lý 4.738 trường hợp.

Cùng dịp ấy, vào sáng ngày 28/10/2015, Đội CSGT số 3 (Công an Hà Nội) lại tiếp tục ra quân truy quét xe “cà tàng” , xe thương binh 3 bánh giả danh và chở hàng cồng kềnh lưu thông trên đường phố. Đợt ra quân ấy bắt đầu từ đầu tháng 1, và trong vòng chưa đến 1 tháng đã có 85 trường hợp xe mô tô 3 bánh vi phạm, bị tạm giữ tại trụ sở. Cùng đó, nhiều phương tiện xe mô tô 2 bánh cũ nát cũng bị xử lý.

Chủ trương xử lý xe “cà tàng” không để tiếp tục lưu thông trên đường phố gây nhiều quan ngại là đúng đắn. Người dân ai cũng hiểu điều đó. Nhưng trên thực tế, nhiều người nghèo đã mưu sinh được từ những chiếc xe “cho không ai lấy” ấy. Phương tiện cũng lại là sinh kế của người nghèo đô thị đôi khi trông cả vào chiếc xe, cho dùng chúng đã cũ nát. Tất nhiên, cũng có không ít trường hợp không đến nỗi quá nghèo khó nhưng lại “chủ trương” tận dụng những chiếc xe cũ kỹ, mất an toàn cho đến cùng mới chịu thôi.

Một đô thị văn minh thì đòi hỏi phải đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, nhiều mặt sinh hoạt, trong đó có phương tiện giao thông. Thôi thì hãy bắt đầu “quyết liệt, triệt để” với những chiếc xe “cà tàng”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, muốn vậy cần giải pháp thực tế đi kèm với giải pháp phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân. Vấn đề cũng khó với người xử lý khi mà họ căn cứ vào đâu để xử lý, buộc loại bỏ phương tiện được cho là cũ nát, lạc hậu, không bảo đảm tiêu chuẩn lưu hành? Xe cũ nát và xe không đủ điều kiện lưu thông là khác nhau, vậy cơ sở nào để xác định?

Cũng cần nhắc lại, với TP HCM, từ tháng 5/2020 đã triển khai chương trình “Nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải môtô, xe máy đang lưu hành”, nhằm hạn chế xe “quá đát” xả thải gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, đến giữa tháng 1/2021 cũng chỉ có 10.682 xe máy được kiểm tra khí thải. Số lượng phương tiện từ 5 năm trở lên tham gia kiểm tra chỉ khoảng 7.390 xe máy, trong đó có tới 6.830 chiếc đạt chuẩn trước và sau khi bảo dưỡng (92,3%); chỉ có 402 xe máy không đạt tiêu chuẩn (5,4%).

Với Hà Nội, năm 2008, chỉ có 2,2 triệu phương tiện, trong đó có 185.000 ôtô; sau 10 năm đã tăng lên tới 6 triệu phương tiện, trong đó có hơn 540.000 ôtô và 5,4 triệu xe máy. TP HCM hiện có 8,94 triệu phương tiện cá nhân; trong đó, có hơn 825.000 ôtô và 8,12 triệu xe máy.

Tốc độ xe cá nhân tăng mạnh đến độ “quá đông đảo” như vậy, theo giới chuyên gia quy hoạch đô thị, đó mới chính là nguồn cơn dẫn đến ô nhiễm môi trường do khí thải. Vì thế, cùng với việc xử lý xe “cà tàng” thì cũng rất cần phải phát triển mạnh phương tiện giao thông công cộng.

Ấy mới là giải pháp đồng bộ, khả thi và bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những chiếc xe ‘cà tàng’…

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO