Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, tại Quảng Nam đã triển khai nhiều biện pháp cấp bách, hữu hiệu, nên dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Để làm được điều đó có sự hy sinh, cống hiến của những chiến binh quả cảm thầm lặng ở CDC Quảng Nam mà ít người biết đến.
Chấp nhận sự hy sinh
Tại Quảng Nam tính đến nay, CDC Quảng Nam đã triển khai xét nghiệm 26.592 mẫu, kết hợp cách ly nhiều nơi cho hàng chục nghìn con người, cùng nhiều công việc khác như phun hóa chất khử trùng; tiếp nhận, di chuyển bệnh nhân Covid-19… có khi hàng tháng chưa được về nhà, họ chấp nhận gian khó, rủi ro nhưng không một lời than thở.
ThS Nguyễn Thị Thanh Trà, Trưởng khoa Sức khỏe môi trường của CDC là Đội trưởng Đội cơ động phản ứng nhanh số 2 trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tâm sự: “Nhiệm vụ của chúng tôi là xử lý môi trường, lấy mẫu bệnh phẩm tại tâm dịch. Khi cả cộng đồng và nhất là những bà con còn ở trong các nhà cách ly từng ngày, từng giờ đang chờ đợi kết quả thì chúng tôi chưa thể nghỉ ngơi được”.
Chị Trà cũng cho biết, đội chị hiểu được trách nhiệm của những người nơi tuyến đầu nên càng nỗ lực phấn đấu để làm tốt nhiệm vụ. Còn mọi người thường gọi đội phản ứng nhanh của chị với cái tên quý trọng là Đội đặc nhiệm số 2. Bởi 11 người trong đội này với nhiệm vụ hàng ngày là phải nhanh chóng tham gia điều tra, giám sát dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, phối hợp với địa phương làm nhiều nhiệm vụ khác tại các tâm dịch.
“Dịch Covid-19 đã đẩy chúng ta vào cuộc chiến, bất luận gái, trai, hay già, trẻ, tất cả cộng đồng phải vào cuộc. Tất nhiên phải thật cẩn trọng, đúng với quy trình chống dịch, nhưng không ai có thể lường hết được những gì có thể xảy ra, nhưng chúng tôi chấp nhận sự hy sinh, nếu điều không may xảy ra” - chị Trà nói.
Hàng ngày họ khoát lên mình bộ đồ phòng hộ kín mít cùng với lĩnh khỉnh thiết bị như que, mẫu, ống thủy tinh trong phòng xét nghiệm đã khó, ngoài trời còn khó gấp nhiều lần, lại trong tư thế bảo hộ, mắt nhìn qua 2 lớp kính. Chưa nói, nếu là bệnh phẩm Covid-19 thì cần cẩn thận, tỉ mỉ để không nhầm lẫn nên phải dán mắt kiểm tra là nhiệm vụ hàng đầu.
Họ còn phải luôn trong tư thế sẵn sàng chống dịch, đôi lúc khẩn trương đến mức tóc chưa vào búi. Việc phải “tắm” mình trong hóa chất là chuyện bình thường hằng ngày khi làm nhiệm vụ. Chấp nhận hàng giờ để thực hiện phân luồng, gọi tên từng trường hợp giữa trưa nắng chói chang trong đồ bảo hộ nóng bức, sức chịu đựng của họ thật là đáng nể. Thế nhưng với họ nhanh chóng khẩn trương, chính xác là trên hết.
Những tâm sự rơi nước mắt
Với công việc của mình và sự xa nhà, xa cha mẹ, xa vợ, xa chồng, con khi nghe những lời tâm sự của họ thật sự khó mà cầm được nước mắt, nhưng cũng thật kính trọng với trách nhiệm, tâm sức và sự cống hiến của họ.
ThS Trương Công Gia Huy cho biết, anh tham gia Khu cách ly tập trung ở Trường cảnh sát 5 đóng ở Thăng bình 14 ngày vừa xong thì có tên trong đội cơ động, thế là anh tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ.
“Sáng ngày 8/8 tôi vừa về đến đơn vị thì lên xe cùng đội cơ động đi luôn, đến nay đã 18 ngày tôi chưa được về nhà. Trong khi cha mẹ tôi ở tân xã Đại lãnh, huyện Đại Lộc cũng bị ảnh hưởng bởi dịch. Nhiều lúc nhớ nhà, nhớ mẹ cha và rất lo lắng bởi dịch bùng phát ở quê nhà, nhưng chỉ biết động viên cha mẹ qua điện thoại và nhủ lòng phải làm tốt việc được giao để góp phần chống dịch”.
Còn anh Phan Thanh Tuân từ khi về với đội cơ động là đi chống dịch cả ngày lẫn đêm, vợ anh cũng trong đội thường trực thống kê báo cáo dịch của Khoa bệnh truyền nhiễm thuộc CDC Quảng Nam, vì thế hai vợ chồng đành phải gửi con về quê cho ngoại chăm sóc.
Anh Tuân tâm sự: “Nhiều khi mệt lả, đứng còn không vững, mồ hôi ướt đẫm, đồ bảo hộ nồng nặc mùi hóa chất. Thế nhưng môi trường chưa được làm sạch thì phải cố lên để trả lại bình yên cho cộng đồng. Vì nhiệm vụ chúng tôi đành gửi con ở nhà ngoại tại huyện Duy Xuyên. Tôi tham gia chống dịch cũng ở huyện này, hàng ngày có đi ngang qua nhà ngoại nhưng vì nguyên tắc không được ghé vào thăm con. Nhiều lúc nghe tiếng con khóc đâu đây mà rơi lệ”.
Còn Đội trưởng Nguyễn Thị Thanh Trà cho biết: “Nhà tôi ở Đà Nẵng, chồng cũng đang trực chiến 100% trong quân đội để phòng, chống dịch. Xa nhà, xa 2 con đang tuổi lớn, nhớ con nhớ chồng, vợ chồng chỉ biết động viên nhau qua điện thoại, vì lúc này tập trung chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ hàng đầu nên chúng tôi tự động viên nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Mỗi người mỗi tâm trạng, mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng họ chung một ý chí, đó là sự đồng lòng quyết tâm chống dịch, đó là sự hy sinh không mệt mỏi, bất chấp rủi ro vì sự bình yên của cộng đồng. Quả thật tâm sức, tinh thần trách nhiệm của những chiến binh của CDC Quảng Nam cho cuộc chiến chống Covid-19 lần này thật đáng trân trọng!