Những cột cờ nổi tiếng ở Việt Nam: Cột cờ Lũng Cú

07/09/2015 14:59

Những ai đã đến Hà Giang đều muốn đặt chân lên Cột cờ Lũng Cú. Đây là cột cờ quốc gia, là địa danh thiêng liêng nằm ở nơi địa đầu Tổ quốc, trên đỉnh núi Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn). Nói một cách khác, Tổ quốc Việt Nam hình chữ S có 4 điểm cực Đông, Bắc, Tây, Nam, trong đó cực Bắc thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Cột cờ Lũng Cú nhìn từ trên cao

Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh núi có độ cao khoảng 1.700m so với mực nước biển, vì thế khi đặt chân đến Đồng Văn, đứng từ xa bà con và du khách đã có thể nhìn thấy với lá cờ đỏ sao vàng rộng tới 54m2 - tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên đất nước Việt Nam. Đây là địa danh mang ý nghĩa lịch sử - văn hóa - xã hội là niềm tự hào của chủ quyền nước ta.
Cột cờ Lũng Cú đã được hình thành qua nhiều thời đại, qua nhiều thời kỳ lịch sử của đất nước, đã qua nhiều lần thay đổi, từ cột cờ gỗ sang cột cờ sắt rồi cột cờ xây vào năm 1202. Đến thời Pháp thuộc, năm 1887, cột được xây dựng lại. Bước sang thế kỷ 20, Cột cờ này được nhiều lần tu sửa, nâng cấp. Theo một ghi chép cũ, năm 1978, UBND huyện Đồng Văn lúc ấy thấy lá cờ cắm lúc trước chưa đủ rộng để mọi người dân ở chân núi có thể nhìn thấy, đã nảy ra ý định xây cột cờ cao hơn, may lá cờ rộng hơn. Đến ngày 12-8-1978, lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2 (chiều dài 9m, chiều rộng 6m) tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên khắp mọi miền Tổ quốc đã chính thức tung bay trên đỉnh Cột cờ Lũng Cú. Vào những năm 1992, 2000, Cột cờ tiếp tục được tu sửa với quy mô ngày càng lớn.

Bia chủ quyền tại Cột cờ Lũng Cú

Sang thế kỷ 21, cụ thể là năm 2002, Cột cờ được dựng với độ cao khoảng 20m, chân và bệ cột có hình lục lăng và dưới chân cột là 6 phù điêu họa tiết bề mặt trống đồng Đông Sơn. Trên đỉnh cột là cán cờ cao 9m cắm quốc kỳ Việt Nam có chiều dài 9m, chiều rộng 6m. Đến đầu năm 2010, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Hà Giang đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Đồng Văn tiến hành tháo dỡ cột cờ Lũng Cú cũ và tiến hành xây dựng mới. Ngày 8-3-2010 công trình được khởi công. Theo thiết kế, cột cờ mới được xây dựng với chiều cao 33,15m (hơn cột cờ cũ 10m) trong đó phần chân cột cao 20,25m, đường kính ngoài thân cột rộng 3,8m. Kiểu dáng bát giác của cột cờ khá gần với Cột cờ Hà Nội. Chân, bệ cột cờ có 8 mặt phù điêu bằng đá xanh mô phỏng hoa văn mặt của trống đồng Đông Sơn và những họa tiết minh họa các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước, cũng như con người, tập quán của các dân tộc ở Hà Giang. Thân cột cờ có cầu thang bộ đi lên đỉnh. Trên đỉnh cột là quốc kỳ Việt Nam với cán cờ cao 12,9m và lá cờ, cũng tương tự như những lá cờ sử dụng trước đó, có diện tích 54m2. Sau 7 tháng triển khai thi công, Cột cờ Lũng Cú được khánh thành vào ngày 25-9-2010. Phát biểu tại lễ khánh thành cột cờ mới, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Hoàng Minh Nhất nói: “Lũng Cú là vùng đất địa đầu Tổ quốc, nơi có Cột cờ Lũng Cú biểu tượng đánh dấu chủ quyền Tổ quốc Việt Nam và cũng từ đó, cột cờ Lũng Cú luôn gắn với tên đất tên người của Hà Giang, luôn là niềm tin, niềm tự hào và sức mạnh của các dân tộc trong tỉnh. Việc trùng tu, nâng cấp Cột cờ Lũng Cú lần này nhằm khẳng định vị thế của đất nước, chủ quyền của Tổ quốc và tôn vinh tinh thần yêu nước, anh dũng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc của đồng bào, chiến sĩ nơi đây”.

Cột cờ Lũng Cú trở thành niềm tự hào của bà con đồng bào các dân tộc ở Hà Giang nói riêng, đồng thời là biểu tượng thiêng liêng của người Việt Nam. Đây cũng là điểm du lịch được nhiều hãng lữ hành khai thác. Hiện nay, đường lên đỉnh núi có cột cờ đã được xây dựng lại với 839 bậc đá lên theo lối cũ, đồng thời cũng đã có lối đi mới đi xuống, cũng 839 bậc. Muốn leo lên đỉnh Cột cờ để phóng tầm mắt ra xung quanh, thì đi theo cầu thang xoáy trôn ốc bằng sắt với 140 bậc trong lòng cột cờ. Từ trên đỉnh Cột cờ Lũng Cú nhìn về phía Tây có 2 hồ nước. Điều lạ là, dù ở độ cao chót vót này nhưng nước ở 2 cái hồ này luôn trong xanh không bao giờ cạn, được người dân coi là “long nhãn” (mắt rồng). Dưới chân cột là nhà lưu niệm trưng bày các dụng cụ lao động, trang phục, sản phẩm văn hóa của các dân tộc Hà Giang.

Hiện nay, tại Đồn biên phòng Lũng Cú có một trạm chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ lá cờ trên Cột cờ Lũng Cú và hầu như cứ khoảng 1 tuần hoặc lâu nhất là 10 ngày cờ lại phải được thay mới, do sức gió trên đỉnh Lũng Cú rất mạnh khiến cờ dễ hư hỏng. Những lá cờ cũ được giữ lại làm quà tặng cho những đoàn khách đặc biệt đặt chân đến đây, được mang theo về một kỉ vật là lá cờ Tổ quốc từng tung bay trên đỉnh Cột cờ Lũng Cú. Đây là một món quà mang ý nghĩa thiêng liêng đối với bất cứ người con đất Việt nào.

Sau khi có hiệu lệnh thượng cờ, lá cờ được tung ra và bay lên theo tiếng nhạc Quốc ca

Lễ thượng cờ và hạ cờ trên Quảng trường Ba Đình

Tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) hằng ngày diễn ra nghi lễ thượng cờ và hạ cờ. Đây là một nghi lễ cấp quốc gia, được thực hiện vào mỗi sáng (lúc 6 giờ) trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ý tưởng thực hiện nghi lễ trên quảng trường do Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng đề xuất và được Chính phủ phê duyệt vào 19-5-2001. Đoàn 275 - đơn vị đặc trách nhiệm vụ về nghi lễ, nghi thức của Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng - được giao thực hiện nhiệm vụ này.
Khoảng 5 giờ 50 phút mỗi ngày, bất kể thời tiết nắng mữa, Đoàn thượng cờ khởi hành từ phía sau lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dẫn đầu đoàn thượng cờ là quân kỳ Quyết thắng. Kế đến là đội tiêu binh với 34 người, tượng trưng cho 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Đoàn đi một vòng ra phía trước theo tiếng nhạc của ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ” để đến chân cột cờ. Ngay sau đó, 3 chiến sĩ đội hồng kỳ tiến lên phía cột cờ chuẩn bị các nghi thức thượng cờ. Sau khi có hiệu lệnh, lá cờ được tung ra và bay lên theo tiếng Quốc ca. Lá cờ được kéo lên trên đỉnh của cột cờ cao 29m phía trước Lăng. Sau lễ thượng cờ, đội tiêu binh đi một vòng trước cửa Lăng và kết thúc nghi lễ.
Đúng 21 giờ hằng ngày, lễ hạ cờ với nghi thức tương tự sẽ được diễn ra. Trước đó, loa phát thanh bắt đầu yêu cầu mọi người dừng hết mọi hoạt động quanh khu vực Lăng và nghiêm trang làm lễ hạ cờ. Một đoàn quân gồm 34 chiến sĩ mặc sắc phục trắng bước đều theo tiếng nhạc hùng tráng “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” đi ra từ bên phải Lăng. Sau khi kéo cờ từ đỉnh cột xuống, lá cờ được gấp gọn, nhanh và khéo léo trên tay chiến sĩ. Toàn đội nghi lễ sau đó rước quốc kỳ, bước đều trong hàng ngũ nghiêm trang đi về phía bên phải, rồi vòng qua lăng Chủ tịch, kết thúc lễ hạ cờ.

THẠCH THẾ VINH (giới thiệu)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những cột cờ nổi tiếng ở Việt Nam: Cột cờ Lũng Cú