Ngày 24/9, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội tổ chức tọa đàm “Tinh túy xứ An Nam” xoay quanh bộ ba cuốn sách viết về Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20: “Tâm lý người An Nam” của Paul Giran, “Nghệ thuật xứ An Nam” của Henri Gourdon và “Bắc Kỳ tạp lục” của Henri M.Souvignet.
Bìa cuốn “Nghệ thuật xứ An Nam”.
Các diễn giả chính của buổi tọa đàm là TS Mai Anh Tuấn, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân và chuyên gia kiến trúc Emmanuel Cerise.
Năm 1627, người Pháp đầu tiên đặt chân tới Nam là một nhà truyền giáo dòng Tên là Alexandre de Rhodes, người đã thành lập Hội truyền giáo Bắc Kỳ. Từ đây, lịch sử bắt đầu chứng kiến những cuộc tiếp xúc và giao thoa giữa hai nền văn hóa Pháp - Việt Nam.
3 tác giả của 3 cuốn sách Paul Giran (Tâm lý người An Nam), Henri Gourdon (Nghệ thuật xứ An Nam) và Henri M.Souvignet (Bắc Kỳ tạp lục) đều là những học giả phương Tây, những người Pháp lần đầu tiếp cận với nền văn hóa phương Đông, nhưng đều đã có những khảo sát dân tộc, trên cơ sở nghiên cứu các ghi chép liên quan và thực tế trải nghiệm của bản thân khi sinh sống và gắn bó với xứ sở này một thời gian dài, để biết về dân tộc đó, khám phá ra những động lực thâm sâu trong sinh hoạt, để hiểu về dân tộc đó và mang đến cho chúng ta những ghi chép cụ thể, sinh động và thú vị.
Trong đó, “Tâm lý người An Nam” là một trong hai công trình khảo cứu về Việt Nam của Paul Giran (công trình còn lại có tựa đề: “Magie et religion annamites – Bùa chú và tôn giáo An Nam”). “Bắc Kỳ tạp lục” là những ghi chép trong mọi lĩnh vực của đời sống con người Việt Nam thời bấy giờ, qua góc nhìn của một người Pháp. Cuốn sách gồm 21 chương mang đến cho độc giả một cái nhìn tổng quát, bao trùm về những vấn đề quan trọng nhất trong đời sống người dân như ngôn ngữ, giáo dục, văn hóa, lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng… trong thời kỳ ấy. Còn “Nghệ thuật xứ An Nam” của Henri Gourdon thực sự có thể gọi là một cuốn sách chuyên ngành về di sản. “Ngay từ khi đọc bản gốc tiếng Pháp, có một số chỗ khiến tôi thấy gai người vì… thú vị. Tôi thích cách tiếp cận của tác giả, thích những góc nhìn của ông với tư cách như một học giả phương Tây lần đầu tiếp cận với văn hóa Việt Nam, nhưng đã có vốn hiểu biết khá dày về văn hóa Á Đông. Vì vậy, ngay sau khi đọc lướt nhanh nội dung, tôi quyết định sẽ dịch tác phẩm này”- dịch giả Trương Quốc Toản cho biết.