Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, sáng kiến “Ngôi nhà trí tuệ”- tích hợp trong nhà văn hóa cộng đồng của Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đang lan tỏa một sức sống mới cho các nhà văn hóa, từ đó phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó nhân dân, chung tay xây dựng những miền quê đáng sống và giàu bản sắc.
PV:Thưa bà, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã đầu tư nhiều nguồn lực và huy động sức dân để xây dựng những nhà văn hóa khang trang, bề thế nhưng không phải nơi nào cũng phát huy được công năng và tầm quan trọng của một thiết chế văn hóa cơ sở. Trên cương vị là một đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, có nhiều năm gắn bó với cơ sở, đặc biệt là công tác xây dựng nông thôn mới, bà suy nghĩ gì về việc này?
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh: Có thể nói rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trải qua một hành trình với tất cả sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị các cấp, các lực lượng xã hội và hưởng ứng, chung tay góp sức của nhân dân; nhờ đó cả nước đã đạt được những thành tựu vượt bậc. Khu vực nông thôn nước ta đã có những chuyển biến rõ nét, hầu hết các lĩnh vực đã thực sự phát triển, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đời sống vật chất của người dân được nâng lên, nghèo đói giảm mạnh, đặc biệt đời sống văn hóa, tinh thần ở nông thôn cũng được nâng cao từ đó góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn nhiều bất cập khi không ít địa phương lúng túng và gặp khó khăn trong việc sử dụng nguồn ngân sách đầu tư cho nông thôn mới, như câu chuyện nhà văn hóa, quy định quỹ đất xây dựng thiết chế văn hóa hay kinh phí để mua sắm các trang thiết bị văn hóa… Nhiều hệ thống thiết chế văn hoá ở nông thôn tuy đã đi vào hoạt động nhưng kém hiệu quả, không thu hút được sự tham gia của người dân, hoạt động cầm chừng theo kiểu “xuân thu nhị kỳ”, nhiều nơi nhà văn hóa rơi vào tình trạng “cửa đóng then cài”. Vì thế nhiều nơi dù đời sống vật chất có nâng cao thật nhưng đời sống tinh thần chưa tương xứng.
Chúng ta biết, văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là linh hồn của mỗi làng quê. Nếu chúng ta xây dựng nông thôn mới nhưng không giữ được những di sản, hồn cốt này trong không gian sống của nông thôn mới thì Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chưa đạt được mục tiêu bền vững theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị.
Để công cuộc phát triển nông thôn mới bền vững và có chiều sâu, Đảng và Nhà nước ta đã luôn nhất quán quan điểm đồng bộ, toàn diện, nghĩa là: Nông nghiệp hiện đại - Nông dân văn minh và Nông thôn đáng sống. Do đó, mọi tiêu chí phải hướng vào bền vững; quá trình nông thôn mới phải thường xuyên, liên tục, không có điểm kết thúc.
Hiện nay, các địa phương đang ra sức hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025” với quyết tâm đặt mục tiêu cao hơn. Không chỉ tiên phong để phát triển ngành nông nghiệp hiện đại mà còn phải xây dựng những vùng nông thôn đáng sống và giàu bản sắc. Chính vì vậy, việc hoàn thiện bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng được thực hiện theo hướng tạo khuôn khổ, định hướng cho các địa phương phát huy tính chủ động, sáng tạo cao nhất, để đạt kết quả tốt nhất.
Phát huy tính chủ động, sáng tạo, vừa qua, Mặt trận Hà Tĩnh đã có sáng kiến xây dựng mô hình “Ngôi nhà trí tuệ”- tích hợp trong nhà văn hóa cộng đồng. Được biết, bà đã từng về thăm mô hình này, bà có thể chia sẻ góc nhìn của mình về “Ngôi nhà trí tuệ”?
Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là linh hồn của mỗi làng quê. Nếu chúng ta xây dựng nông thôn mới nhưng không giữ được những di sản, hồn cốt này trong không gian sống của nông thôn mới thì Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chưa đạt được mục tiêu bền vững theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị.
Tôi rất ấn tượng với sáng kiến này của Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh. Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 18/11/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh “về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020, một số định hướng, mục tiêu và giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo 22 tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai xây dựng các nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở này, Ban thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đề xuất chủ trương với Thường trực Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo 22 tỉnh Hà Tĩnh về việc xây dựng mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” tại các nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ.
Mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” có thể xem là một sáng kiến vì dân. Bởi ngôi nhà này là một sản phẩm tích hợp trong nhà văn hóa cộng đồng đã tạo ra một sức sống mới cho các nhà văn hóa, thu hút người dân ở mọi lứa tuổi cùng đến giao lưu, vui chơi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm thông qua hoạt động của các câu lạc bộ như tiếng Anh, kỹ năng sống, dân ca ví, giặm, dân vũ, ca trù, các mô hình trò chơi dân gian; câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng chống bạo lực gia đình, các câu lạc bộ văn hoá văn nghệ - thể dục thể thao…
Mỗi mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” có từ 6 đến 8 câu lạc bộ, mỗi câu lạc bộ có trung bình từ 8 - 15 thành viên, câu lạc bộ nào cũng có kế hoạch hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho chủ nhiệm và các thành viên. Chính sự đa dạng, phong phú của các loại hình câu lạc bộ đã làm nên nét đặc sắc riêng cho từng “Ngôi nhà trí tuệ”. Từ “Ngôi nhà trí tuệ” công tác khuyến học, khuyến tài được nâng cao, văn hóa đọc phát triển, việc rèn luyện kỹ năng sống cho thanh thiếu niên được chăm chút… Đây chính là không gian để cộng đồng dân cư sống nhân ái, thương yêu nhau, gắn kết tình làng nghĩa xóm, trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tiêu biểu, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh.
Xây dựng mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” chính là một cách để làm mới nhà văn hóa, nhưng hơn hết mô hình này tiêu biểu cho việc tổ chức hoạt động tự quản, phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia quản lý xã hội. Từ đó phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó nhân dân trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hiện nay, Hà Tĩnh đã ra mắt hơn 20 mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” với hơn 120 câu lạc bộ. Hầu hết các nhà văn hóa nơi được lựa chọn thí điểm xây dựng mô hình này đều được đầu tư hệ thống cơ sở vật chất văn hóa đồng bộ, hiện đại, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt của người dân. Việc huy động sự tham gia đóng góp sức người, sức của và tạo nên sự đồng thuận trong nhân dân được các địa phương phát huy triệt để trong quá trình xây dựng và duy trì hoạt động của các “Ngôi nhà trí tuệ”, nhất là việc xây dựng và duy trì hoạt động của các tình nguyện viên tại chỗ, những người là giáo viên, đội ngũ đoàn, đội thanh niên…
Dù mới hình thành nhưng tôi tin rằng, mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” trong Nhà văn hóa cộng đồng với sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của người dân sẽ thực sự là những không gian văn hóa, góp phần thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới nâng cao/kiểu mẫu ở các địa phương. Đây là một mô hình để các địa phương-nhất là những nơi đang loay hoay với bài toán sử dụng hiệu quả công năng của Nhà văn hóa nên tham khảo, học tập.
Vậy theo bà, để xây dựng được mô hình này, đâu sẽ là những khó khăn mà các địa phương phải vượt qua?
Chúng ta hiểu rằng “Ngôi nhà trí tuệ” là mô hình được xây dựng dựa trên cơ sở phát huy công năng hiện có của Nhà văn hóa và bổ sung một số thiết chế khác, tích hợp bên trong Nhà văn hóa cộng đồng chứ không phải thay thế Nhà văn hóa cộng đồng. Hoạt động của mô hình này dựa trên tinh thần tự nguyện, tự giác xuất phát từ những mong muốn, sở thích đa dạng, phong phú của người dân trong cộng đồng.
Việc hình thành các câu lạc bộ, tổ nhóm sở thích cùng với việc duy trì hoạt động dưới sự hướng dẫn của lực lượng tình nguyện là phương thức hoạt động cơ bản của mô hình. Phương thức này lại không bị ràng buộc về trách nhiệm do đó điều quan trọng nhất là Mặt trận và các tổ chức đoàn thể phải vào cuộc và phải thực sự là những người cán bộ sát dân, phát huy sự tham gia của người dân trong mọi hoạt động ở cộng đồng.
Từ hoạt động thực tiễn của mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” ở Hà Tĩnh cho thấy, đây là một chủ trương đúng đắn, có nhiều điểm sáng tạo, nét nổi trội thu hút được đông đảo người dân tham gia. Một chủ trương đúng thì sẽ luôn được lòng dân và được người dân ủng hộ.
Trân trọng cảm ơn bà!