Tinh hoa Việt

Những đóa hoa trong sương đá

DIÊN KHÁNH 16/12/2023 17:35

Mảnh đất Hà Giang được mệnh danh là “xứ đá”, với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (Cao nguyên đá Đồng Văn) đã trở thành điểm sáng trên bản đồ cả nước.

1-than-thuong-nhung-nu-cuoi-ben-hoa.jpg
Thân thương những nụ cười bên hoa.

Ở nơi đây, đá thành rừng, thành núi, đá làm tường rào. Trong cuộc mưu sinh trên vùng đá khắc nghiệt, người dân đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của mình. Đặc biệt, họ đã biết tận dụng những điều kiện tự nhiên, bản sắc để làm du lịch, nâng cao đời sống.

Sáng tạo trên vùng đá

Hơn mười năm trước đến với xứ đá Hà Giang, người ta phải vượt chặng đường hơn 300km từ Hà Nội đến thành phố Hà Giang, rồi từ đó theo Quốc lộ 4C về “vùng đá”. Đến dốc Bắc Sum là tới Cao nguyên đá Đồng Văn, gồm bốn huyện Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc, và trên “đường hạnh phúc” ấy, sẽ có đoạn khúc khuỷu đến lạnh sống lưng. Bây giờ, cung đường vẫn vậy, Quốc lộ 4C được mở rộng hơn nhưng vẫn là thử thách cho mỗi ai đi qua cung đường này.

Song, vượt qua sự mệt mỏi, nỗi e ngại là một cảm giác sảng khoái, choáng ngợp bởi được chiêm ngưỡng những tuyệt tác của đá. Những khối đá khô khốc, khắc khổ, khi chồng xếp, đứng bên nhau tạo ra bức tranh kỳ vĩ đến lạ kỳ.

Người dưới xuôi lên đều lắc đầu, cuộc sống khắc nghiệt thế. Đất không có trên núi, nước không có trên núi thì người dân đã cần mẫn cõng đất lên bón cho đá. Họ trở thành những đóa hoa nhỏ bé trên bạt ngàn rừng đá cao nguyên. Và mỗi một hốc đá có một thân ngô mọc lên. Hằng ngày, người dân vẫn giành giật với thiên nhiên để bảo vệ những cây ngô, là cuộc sống của mình.

Trải qua quá trình lao động, đồng bào dân tộc nơi đây nghĩ đến kỹ thuật “thổ canh hốc đá”. Bởi xưa kia, người dân với tập tục du canh, du cư, thường đốt rừng làm nương, sau vài vụ liền bỏ đi nơi khác, khiến rừng ngày càng cạn kiệt nên đồng bào đã kè nương đá, gùi đất đổ vào hốc đá, trồng cây lương thực, phương thức canh tác này gọi là “thổ canh hốc đá”.

Vào mùa khô, khi sương sớm còn bao phủ vùng đá, người H’Mông bắt đầu khai phá để tạo thành những mảnh nương mới. Họ chọn khu vực nhiều ánh sáng, đất không quá dốc để phát cỏ và cây bụi theo thứ tự từ dưới thấp lên cao. Sau đó, họ lấy đá xếp thành bờ ở sườn phía dưới để giữ đất trồng không bị sạt lở, rửa trôi. Đối với những nương dài và nhiều đất thì bờ đá được kè cao hơn, chạy dọc theo sườn thấp của nương. Để tận dụng tối đa đất canh tác, người dân chỉ xếp đá ở những nơi có diện tích rộng, tại những sườn phía trên cao của nương. Những chỗ nhiều đá, không thể san bằng được, họ sẽ làm thành những hốc đá kín, sau đó cho thêm đất để trở thành “hốc canh tác”. Mỗi hốc như vậy có thể trồng được 1-2 cây ngô. Nhiều khi, từ xa nhìn lại, người ta không biết những thân ngô mạnh mẽ đó… mọc lên từ đá. Kỹ thuật xếp đá đòi hỏi kinh nghiệm và nhiều công sức, bởi phải xếp làm sao cho đá vừa khít với nhau và không bị xói mòn vào mùa mưa.

Chục năm trở lại đây, ở mỗi hốc đá, bà con trồng xen canh một số loại cây hoa màu khác, để cải thiện cuộc sống. Sự kỳ công, chịu thương, cày trên đá, trồng trên đá của người dân đã khiến vùng đá nở hoa.

Tận dụng tiềm năng để phát triển du lịch

Từ năm 2015, tỉnh Hà Giang đã tổ chức Lễ hội hoa tam giác mạch trên Cao nguyên đá Đồng Văn như một chương trình du lịch thường niên.

Ngoài việc được hòa mình để ngắm, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoa tam giác mạch, du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị, như: Trình diễn và trải nghiệm các công đoạn dệt lanh, thêu trang phục truyền thống, chế tác vật dụng sinh hoạt và các nhạc cụ; tham quan gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa, các sản phẩm du lịch, nông sản, ẩm thực, dược liệu địa phương.

Cứ mỗi độ tháng 10 - 12, nơi miền rẻo cao Đông Bắc - Hà Giang lại bừng sáng với vẻ đẹp tinh khôi của hoa tam giác mạch, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tươi trẻ và hùng vĩ. Trong mùa hoa tam giác mạch, các địa điểm du lịch Hà Giang như: Làng văn hóa Lũng Cẩm, Chân đèo Mã Pí Lèng, Thạch Sơn Thần Quản Bạ, Bản Phó Bảng và Lũng Cú trở nên đẹp rực rỡ và thu hút đông đảo du khách từ khắp nơi tìm về.

Nhận thấy nương đồi của gia đình có hình hai ngọn núi nhỏ và tầm nhìn đẹp, chị Mua Thị Mỷ ở thôn Sán Trồ, xã Lũng Cú đã trồng hoa tam giác mạch bao phủ cả ngọn đồi. Nhờ có kinh nghiệm chăm sóc, đồi hoa nở rất đẹp. Vào mùa hoa, lượng khách đến tham quan tại đây mỗi ngày khoảng 200 - 400 người, thậm chí những ngày cuối tuần có thể tăng gấp đôi. Du khách đến chụp ảnh đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho gia đình.

Là một trong những địa điểm đầu tiên trên địa bàn huyện Quản Bạ làm du lịch cộng đồng, thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá. Tại đây, nhiều hình thức du lịch trải nghiệm đã phát huy hiệu quả, ngày càng thu hút khách du lịch và đem lại thu nhập cho người dân.

Xuất phát điểm chỉ một vài hộ gia đình, đến nay, Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm có 28 hộ làm dịch vụ homestay đủ tiêu chuẩn đón khách với năng lực phục vụ 150 khách/ngày đêm.

Tại địa bàn huyện Đồng Văn có Làng văn hóa du lịch cộng đồng Lô Lô Chải, xã Lũng Cú và Lũng Cẩm trên, xã Sủng Là phát triển du lịch cộng đồng rất tốt.

Thực hiện việc xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với nông thôn mới, nhân dân hai làng đã tích cực giúp nhau phát triển kinh tế, tập trung khôi phục, giữ gìn văn hóa truyền thống; đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Tại đây, khách du lịch được trải nghiệm những hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá; khám phá không gian sống mộc mạc, giản dị của đồng bào dân tộc Mông tại thung lũng Sủng Là; ngắm nhà của Pao nép mình sau hàng rào đá; được hòa mình vào đời sống văn hóa tinh thần vô cùng phong phú của đồng bào Lô Lô dưới chân núi Rồng…

Có một điểm du khách thường dừng chân là Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’Mông, xã Pả Vi (huyện Mèo Vạc) hiện có 28 gia đình làm homestay kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống. Đây là một điểm đến hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa Mông ở vùng cao núi đá. Để tạo thêm sức hấp dẫn thu hút khách, mỗi căn homestay được làm từ nguyên liệu chủ yếu là gỗ, mái ngói âm dương, tường rào trước cửa bằng đá xếp, trong nhà có trang trí thêm các vật dụng, dụng cụ lao động, trang phục người Mông, trồng hoa ngoài sân…

Thứ bảy hằng tuần, đội văn nghệ của Làng văn hóa biểu diễn miễn phí tại nhà cộng đồng thôn, tổ chức nhiều chương trình, chợ phiên vào các ngày nghỉ lễ…

Ông Nguyễn Văn Lưu, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Mèo Vạc chia sẻ: Vài năm trở lại đây Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông xã Pả Vi, được đánh giá là mô hình điển hình trong phát triển du lịch cộng đồng tại huyện biên giới Mèo Vạc, thu hút rất đông khách du lịch tìm đến Mèo Vạc tham quan, nghỉ dưỡng.

Còn chị Lila, du khách đến từ Canada chia sẻ: “Khi đến Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc du lịch đúng dịp có lễ hội, nơi đây thật độc đáo, rất nhiều hoạt động diễn ra.

Từ một loại cây “lanh” mà người dân có thể sản xuất ra nhiều thành phẩm là những chiếc túi, ví, quần áo bằng thủ công, tôi rất khâm phục, không chỉ có vậy cảnh ở nơi đây rất đẹp, khí hậu trong lành”.

Trong những năm trở lại đây, du lịch cộng đồng tại Hà Giang đã góp phần tạo cơ hội, việc làm cho người dân, tăng nguồn thu và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một số điểm du lịch đã và đang được vận hành, khai thác hiệu quả, thu hút nhiều du khách đến tham quan. Một số địa phương quan tâm đến quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch như: Làng nghề thêu, dệt vải lanh truyền thống thôn Lùng Tám, Cán Tỷ (huyện Quản Bạ), Cao nguyên Suối Thầu (huyện Xín Mần), Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Khâu Vai (huyện Mèo Vạc).

Du lịch đã mang sinh khí mới cho Hà Giang, rất nhiều khu dịch vụ mới đã được xây dựng trên miền đá, cơ sở hạ tầng được đầu tư mở rộng. Nhiều lao động là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong vùng có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, chẳng ít người trở nên giàu có, tiếp tục có sáng tạo, giúp đỡ người khác “kê cao” thương hiệu xứ đá.

Trong hành trình về xuôi, từ trong màn sương giăng trên nương, trên những vách đá, tôi đã thấy những người dân cần cù, làm việc. Nơi ven đường, thi thoảng lại thấy những em nhỏ gùi quẩy tấu hoa đứng chào khách.

Đã rất nhiều du khách đứng chụp hình với các em nhỏ với nụ cười tươi vui rạng rỡ. Hình ảnh thân thương, mộc mạc và dễ gần đó phát ra một tín hiệu rằng, người dân nơi đây sẽ ngày càng làm đẹp, tạo thêm sức sống cho vùng cao nguyên này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những đóa hoa trong sương đá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO