Hiện nay, việc cấp CCCD gắn chip đang diễn ra trên khắp cả nước và mục tiêu cấp thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chip cho một nửa dân số Việt Nam trước 1/7/2021, nên tại các cơ quan Công an làm việc luôn xảy ra tình trạng quá tải. Việc trả thẻ CCCD cũng thường xuyên chậm trễ hơn so với dự kiến. Vì vậy, trong thời gian chờ CCCD gắn chip, người dân cần dùng một số giấy tờ thay thế.
Quy định về thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ CCCD
Theo Điều 25 Luật Căn cước công dân 2014, thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân được quy định như sau:
“Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Luật này, cơ quan quản lý căn cước công dân phải cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân trong thời hạn sau đây:
Tại thành phố, thị xã không quá 7 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới và đổi; không quá 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại;
Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp;
Tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp".
Tuy nhiên, do số lượng người dân đến làm CCCD rất lớn, bên cạnh đó hệ thống máy móc, phần mềm hiện đang trong quá trình bổ sung, hoàn thiện. Vì vậy, không ít người nhận được CCCD gắn chip chậm trễ hơn rất nhiều so với thời hạn nêu trên.
Trong thời gian chờ CCCD gắn chip, người dân dùng giấy tờ gì thay thế?
Theo Thông tư 40/2019/TT-BCA sửa đổi Thông tư 07/2016/TT-BCA hướng dẫn Luật Căn cước công dân và Nghị định 137/2015/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành, khi người dân đến làm CCCD gắn chip, cán bộ công an sẽ không cắt góc CMND. Công an sẽ cắt góc CMND sau khi trả CCCD gắn chip cho người dân.
Trường hợp công dân yêu cầu trả thẻ CCCD qua đường chuyển phát đến địa chỉ theo yêu cầu thì cơ quan quản lý CCCD nơi tiếp nhận hồ sơ tiến hành cắt góc và trả Chứng minh nhân dân đã cắt góc ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ của công dân.
Như vậy, để có giấy tờ nhân thân trong thời gian chờ cấp CCCD gắn chíp, người dân nên yêu cầu nhận CCCD tại trụ sở để CMND chưa bị cắt góc ngay và vẫn được tiếp tục sử dụng trong thời gian chờ cấp CCCD gắn chip.
Đối với người dân đang dùng thẻ CCCD mã vạch, theo Điều 24 Luật Căn cước công dân 2014, cơ quan công an thu hồi lại thẻ Căn cước công dân đã sử dụng đối với các trường hợp phải đổi thẻ CCCD.
Việc thu hồi này sẽ tiến hành sau khi người dân nhận được thẻ CCCD mới hoặc thu hồi ngay nếu người dân đăng ký nhận thẻ qua đường bưu điện.
Như vậy, tương tự như CMND, người dân đổi CCCD mã vạch sang CCCD gắn chip nên yêu cầu nhận CCCD trực tiếp để được giữ, sử dụng thẻ CCCD cũ trong thời gian đợi cấp thẻ CCCD gắn chip.
Đối với các trường hợp thẻ CMND, CCCD mã vạch đã hết hạn, không có giá trị sử dụng, người dân có thể trình bày với cán bộ công an đề nghị được ưu tiên cấp đúng thời hạn.
Ngoài ra, trên hộ chiếu cũng có số CMND/CCCD, vì vậy người dân có thể sử dụng hộ chiếu để thay thế trong thời gian chờ đợi cấp thẻ CCCD gắn chip.
Khi nào có thể sử dụng giấy xác nhận nhân thân?
Giấy xác nhận nhân thân (hay còn được gọi là giấy chứng nhận nhân thân), là loại giấy tờ khai báo với cơ quan công an nơi bạn sinh sống, được đóng dấu xác nhận và hoàn toàn có thể thay thế thẻ căn cước công dân (chứng minh thư) khi đi máy bay. Giấy tờ này bao gồm đầy đủ thông tin họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi cư trú…
Những trường hợp nào phải sử dụng giấy xác nhận nhân thân?
Có thể thay thế cho giấy tờ quan trong như chứng minh thư (thẻ căn cước công dân) đối với trẻ em trên 14 tuổi chưa có chứng minh thư (căn cước công dân); người bị mất chứng minh thư (căn cước công dân), quá hạn, hư hỏng, không còn rõ chữ, số nữa... và không có các loại giấy tờ khác thay thế (như bằng lái xe, thẻ Đảng...)
Lưu ý khi xin giấy xác nhận nhân thân
Chuẩn bị sẵn một ảnh 4x6 cm trước khi đi xin giấy xác nhận nhân thân (ảnh mới, không chụp quá 6 tháng).
Mang theo sổ hộ khẩu bản gốc (có ghi rõ tên và quan hệ giữ bạn và chủ hộ)
Giấy xác nhận nhân thân chỉ có hiệu lực trong vòng 30 ngày kể từ ngày cấp, có dấu giáp lai, chữ ký, dấu và xác thực đầy đủ của công an phường, xã nơi bạn xin cấp giấy.
Khi sử dụng, hãy chú ý giấy còn hiệu lực không, dấu giáp lai hay ảnh có bị mất góc nào không để tránh gặp phải những rắc rối khi làm thủ tục check in.
Giấy chứng nhận này chỉ áp dụng với những hành khách mang quốc tịch Việt Nam, trên chặng bay nội địa, không dành cho chặng bay quốc tế.
Loại giấy này chỉ có thể thay thế cho chứng minh thư, bạn hãy chú ý chuẩn bị đầy đủ những loại giấy tờ được yêu cầu khác khi đi máy bay.