Những giọt nước mắt nhớ đồng đội, người thân

Hải Nhi (ghi) 27/07/2017 14:00

Có mặt tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017) tổ chức hôm nay tại Hà Nội, các đại biểu đều bùi ngùi xúc động nhớ về đồng đội, người thân đã ngã xuống. Trong đó có nhiều người vẫn còn nằm ở đâu đó, chưa được quy tập.

Thiếu tướng Nguyễn Thành Công. (Ảnh: Tiến Dũng).

Niềm day dứt khi đồng đội chưa được về với quê hương

Theo Thiếu tướng Nguyễn Thành Công - nguyên Phó Chính ủy Học viện Quốc phòng - Trưởng ban Tuyên giáo Hội Cựu Chiến binh Việt Nam: Cảm xúc của tôi hôm nay thật đặc biệt, bởi tôi đã từng trải qua mấy chục năm chiến tranh. Tôi công tác trong quân đội 43 năm, đặc biệt là chiến đấu ở chiến trường miền Nam và Campuchia 23 năm. Chiến trường quen thuộc của tôi là quân khu 5: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Đà là những nơi rất ác liệt. Trong quá trình công tác chiến đấu, tôi đã được chứng kiến rất nhiều trường hợp đồng đội của tôi đã hy sinh ở mặt trận, cho đến ngày hôm nay nhiều đồng đội của tôi vẫn còn nằm lại đâu đó trong lòng đất mà chưa đưa về được với gia đình. Đó là niềm khắc khoải, niềm mong mỏi của tôi.

Hôm nay, trong thành phần đi dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sỹ, tôi cảm thấy vô cùng hồi hộp, xúc động. Những ký ức ngày xưa lại hiện về với tôi, những lúc vào sinh ra từ với nhau, giờ thì ai còn ai mất. Nhiều đồng đội của tôi chưa được về với quê hương, đây là niềm day dứt khắc khoải nhất của tôi bây giờ.

Tôi mong muốn nhà nước ta tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác tìm kiếm mộ liệt sĩ. Chiến tranh ngày càng lùi xa, điều kiện tìm kiếm sẽ càng khó khăn, theo tôi, toàn xã hội vào cuộc thì công tác quy tập và tìm kiếm liệt sỹ sẽ đạt nhiều kết quả tốt hơn.

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hán Duy Long.

Nỗ lực tìm danh tính liệt sỹ chưa biết tên

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hán Duy Long, nguyên chiến sỹ đại đội 9, tiểu đoàn 3, Bộ đội địa phương tỉnh đội Quảng Trị cho biết: Tôi là một trong những người được tham dự trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Trong chiến dịch ấy tôi vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Cách đây 10 ngày tôi vào lại Quảng Trị tri ân, thắp hương cho đồng đội.

Thật đau lòng là hơn 600 ngôi mộ đồng đội của chúng tôi đều có một dòng chữ “liệt sỹ chưa biết tên”. Chúng tôi cảm thấy như có lỗi với đồng đội. Vì đồng đội mất tính tới nay đã 42 năm nhưng vẫn chưa tìm được danh tính.

Đây là nỗi lo canh cánh của những cựu chiến binh cao tuổi như tôi.

Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Ngự. (Ảnh: Tiến Dũng).

Lần đầu ra Hà Nội, mẹ xúc động không ngủ được

Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Ngự - 90 tuổi - phường An Hải Bắc, TP Đà Nẵng tâm sự: Chồng tôi và con gái tôi là liệt sỹ. Tôi đang sống với con trai tại phường An Hải Bắc, TP Đà Nẵng. Ngoài chế độ Mẹ Việt Nam anh hùng tôi được hưởng chế độ thương binh 3/4, người có công giúp đỡ cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị giặc bắt tù đày.

Quê tôi ở vùng cách mạng Điện Trung, Điện Bàn, Quảng Nam, từ thời con gái tôi đã tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1965, đồng chí Phạm Hữu Bằng - Huyện ủy viên Huyện ủy Điện Bàn được nuôi giấu trong nhà tôi bị lộ. Địch bắn chết đồng chí ngay tại nhà, tôi cũng bị bắt. Nhiều năm trải qua các nhà tù nhưng địch không khai thác được gì, chúng trả tôi về.

Trở về, nhà tôi cũng bị địch đốt. Đó cũng là đêm cuối cùng tôi gặp chồng trước khi anh tập kết ra Bắc. Tôi tiếp tục cùng bà con xuống đường đổ về Điện Bàn tham gia cướp chính quyền và lại bị địch bắt. Lần này, tôi bị tra tấn rất dã man vì tội tham gia chống phá chính quyền và có chồng, 2 con tham gia hoạt động cách mạng.

Đến ngày hòa bình lập lại, non sông thống nhất, trong niềm vui của dân tộc, tôi lại đón cùng lúc hai tin buồn là cả chồng và con gái đều đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ.

Dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ , tôi vui vì lần đầu tiên ra Hà Nội. Thấy Hà Nội tôi quá vui, quá mừng, nhưng cũng quá xúc động tới ngủ không được nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những giọt nước mắt nhớ đồng đội, người thân