Ghi nhận những công lao to lớn với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Đảng, Nhà nước đã trao tặng đồng chí Bế Chấn Hưng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Độc lập hạng Nhất và Huân chương Hồ Chí Minh vì “đã có công lao to lớn, có nhiều thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Ông Bế Chấn Hưng (ngoài cùng bên trái) với các chiến sỹ trước ngày lên đường ra mặt trận năm 1968.
Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ bắt đầu ném bom bắn phá miền Bắc, mở rộng cuộc chiến tranh của chúng ra cả đất nước ta. Thực hiện chủ trương của Nhà nước, các trường phải sơ tán ra khỏi thủ đô, lên núi rừng Việt Bắc. Đại học Nông nghiệp lên Cao Bằng, Đại học Tổng hợp đến Thái Nguyên, còn Đại học Bách khoa lên Lạng Sơn và “đóng đô” tại hai huyện Tràng Định và Văn Lãng. Để bảo mật, Trường lấy bí danh là “Trường văn hóa Hà Huy Tập” và trong nội bộ gọi là khu C. Các khoa mang mật danh là các H và được bố trí ở sâu trong các khu rừng rậm, nằm men theo sông Kỳ Cùng – con sông duy nhất bắt nguồn từ Việt Nam chảy sang Trung Quốc.
Lo cho một gia đình đi sơ tán đã là chuyện khó. Nay phải sơ tán tới hơn 3 nghìn con người với hàng nghìn tấn trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện phục vụ cho giảng dạy, học tập, lo chỗ ăn, chỗ ở, nơi làm việc, phòng học, xưởng thực tập cho từng nấy con người đâu phải là chuyện đơn giản.
Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ: “Lấy sức ta mà xây dựng cuộc sống cho ta”, thầy trò Trường Đại học Bách khoa đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đốn tre, nứa tự làm lán, trại, dựng lớp học; khai hoang trồng ngô, khoai, sắn, thành lập trang trại Đào Viên chăn nuôi trâu, bò, lợn để cải thiện đời sống, khắc phục tình trạng “đói cơm”, “thèm thịt”, chấm dứt cảnh “canh toàn quốc, nước mắm đại dương”. Nhờ đó, trong suốt 3 năm sơ tán, Trường đã thực hiện tốt khẩu hiệu “Dạy tốt, học tốt” và được nhận Cờ thi đua xuất sắc nhất của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.
Nói đến thành quả trên, không thể không nhắc đến sự giúp đỡ tận tình của Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính và đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt của đồng chí Bế Chấn Hưng, lúc đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh.
Do hầu hết thầy và trò trường Đại học Bách khoa lần đầu lên sống ở núi rừng, chưa quen phong tục, tập quán cũng như nếp sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nên đã xảy ra nhiều chuyện “dở khóc, dở cười”, làm phiền lòng đồng bào và các đồng chí lãnh đạo địa phương. Chuyện đầu tiên là việc khai thác tre, nứa để dựng nhà ở và lớp học.
Để bảo mật, các khoa được bố trí phân tán trong rừng sâu, xa dân và gần các rừng tre, luồng, nứa, nhiều người nhầm tưởng rừng tre là rừng tự mọc, nên tranh thủ khai thác. Ở khoa Xây dựng, sang ngày khai thác thứ ba thì bà con đến bao vây, đòi “phạt vạ”. Theo “cái lý” của đồng bào thì: “Tre đẻ ra măng, măng lớn thành tẻ, tre mẹ đẻ tre con, chặt một cây, phải trả tiền mười cây”.
Bà con thì không thạo tiếng Việt, còn thầy trò thì “mù” tiếng Tày, Nùng. Do ngôn ngữ bất đồng, tình hình đã căng thẳng, điều qua tiếng lại căng thẳng, qua đường dây nóng, Trường kịp thời báo cáo với lãnh đạo tỉnh. Ngay chiều hôm đó, Chủ tịch Bế Chấn Hưng cùng một số cán bộ và già làng, trưởng bản ở địa phương có mặt và sự việc được giải quyết êm đẹp. Bà con thông cảm và chỉ bắt chặt cây nào trả tiền cây đó.
Câu chuyện thứ hai mà thầy trò nhà trường không thể nào quên sự giúp đỡ của Chủ tịch Bế Chấn Hưng và Phó Chủ tịch Trần Đình Long là việc một thầy giáo dạy Toán bị bắt ở Ma Mèo. Ma Mèo là địa giới giáp gianh giữa ta với bạn. Ở đây có dãy núi đá, sau dãy núi là đất của bạn. Về Hà Nội nhận tem phiếu đi lên đến đây, ông bạn tôi đi vệ sinh, chẳng may “vượt biên” sang đất bạn và bị lính biên phòng bạn “tóm”. Các đồng chí đi cùng đã trình bày với bạn vì sao anh có nhiều tem phiếu lương thực, thực phẩm, song bạn vẫn không nghe và nghi anh là “tên phe” tem phiếu và giải anh về Bằng Tường để thẩm tra.
Chúng tôi báo cáo gấp sự việc với lãnh đạo tỉnh. Chủ tịch Bế Chấn Hưng yêu cầu Trường làm công văn lý giải việc vị giáo sư trên và cử người cùng ngoại vụ tỉnh sang Bằng Tường kèm theo thư của mình gửi lãnh đạo Bằng Tường. Vốn là, sơ tán lên Lạng Sơn ở phân tán thành nhiều nơi cách xa nhau, mỗi khoa tổ chức một bếp ăn riêng cho giáo viên và cán bộ, nhân viên của khoa mình. Do thiếu người, các khoa phân công giáo viên thay phiên nhau làm quản lý với nhiệm vụ: chấm cơm hàng ngày; cân, đong, đo, đếm, xuất lương thực, thực phẩm từng bữa và hàng tháng về Hà Nội nhận tem phiếu lương thực, thực phẩm cho cán bộ toàn khoa ở khu sơ tán.
Khi tổ ngoại vụ của tỉnh và cán bộ của Trường đến Bằng Tường thì vị “giáo sư” đó đã được bạn trả tự do với lời xin lỗi “do anh em ở cơ sở của chúng tôi kém hiểu biết” và được bạn tổ chức cho đi tham quan Nam Ninh.
Chuyện thứ ba gây phiền toái cho tỉnh và chúng tôi lại phải nhờ Chủ tịch Bế Chấn Hưng can thiệp, đó là chuyện mấy thầy giáo đi mảng qua sông để dạy học. Do mưa to, gió mạnh, lũ lớn, mảng trôi tuột sang Trung Quốc và bị bạn giữ lại. Thời đó, các giáo trình, tài liệu tham khảo phần lớn là của Liên Xô, mà Trung – Xô lúc đó đang có sự bất hòa nên các thầy mang theo những tài liệu này được bạn “chăm sóc” cẩn thận. Mãi mười ngày sau khi có công văn do chính Chủ tịch tỉnh ký, Trường mới đón được các đồng chí đó trở về.
Lớp cán bộ cũ của Trường Bách khoa chúng tôi mãi mãi không quên công ơn giúp đỡ của cán bộ và đồng bào các dân tộc Lạng Sơn, trong đó Chủ tịch Bế Chấn Hưng có vai trò quan trọng trong suốt ba năm sơ tán. Khi trở về, thông cảm với những khó khăn của Trường, tỉnh lại cho phép Trường được khai thác hàng nghìn tấn gỗ, tranh, tre, nứa, lá chuyển về Hà Nội để làm nhà tạm cho sinh viên và cán bộ.
Đầu năm 1970, tôi được Trung ương điều lên giúp việc đồng chí Hoàng Quốc Việt, người đã từng phụ trách khu Cao – Bắc – Lạng trước đây. Với cương vị mới, tôi có điều kiện tiếp xúc và làm việc với đồng chí Bế Chấn Hưng cũng như các đồng chí lãnh đạo Khu Tự trị Việt – Bắc nhiều hơn, biết sâu về cuộc đời hoạt động của một vị lão thành cách mạng Bế Chấn Hưng mà tôi từng kính trọng.
Đồng chí Bế Chấn Hưng sinh ngày 30/10/1919 tại xã Thụy Hùng, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Sớm giác ngộ cách mạng, anh tham gia nhóm thanh niên yêu nước và được tổ chức cử đi học lớp huấn luyện tại Long Châu (Trung Quốc) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Trở về nước, với nhiệt tình yêu nước và lòng căm thù thực dân Pháp, vận dụng những kiến thức và kinh nghiệm đã học được, anh tích cực tuyên truyền, vận động bạn bè cùng trang lứa xây dựng cơ sở cách mạng ở Thụy Hùng quê anh, sau đó lan ra toàn huyện Thoát Lãng, rồi Tràng Định và đến Cao Bằng. Năm 1945 Bế Chấn Hưng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được giao phụ trách Đội Giải phóng quân kiêm Chủ nhiệm Việt Minh huyện Thoát Lãng và tham gia lãnh đạo đồng bào đứng lên làm Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền ở địa phương. Năm 1946, tổ chức điều đồng chí sang Hải Ninh (nay là tỉnh Quảng Ninh) giữ chức vụ Ủy viên Mặt trận Việt Minh tỉnh, phụ trách 2 huyện Bình Liêu và Đình Lập. Cuối năm 1947, đồng chí được điều động trở lại quê nhà và giữ chức Bí thư Huyện ủy Thoát Lãng. Tại Đại hội Đảng bộ Lạng Sơn lần thứ nhất, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành, được phân công phụ trách công tác Kiểm tra Đảng.
Do yêu cầu của quốc phòng, từ năm 1950 đồng chí được điều vào quân đội, làm Phó Binh trạm trưởng Binh trạm biên giới thuộc Tổng cục Hậu cần với nhiệm vụ được giao là tiếp nhận viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau chiến thắng Điện Biên phủ, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hòa bình được lập lại, năm 1956, ở tuổi 37, đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn, rồi Khu ủy viên Khu Tự trị Việt Bắc, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Lạng Sơn. Khi Lạng Sơn sáp nhập với Cao Bằng thành tỉnh Cao Lạng, đồng chí được phân công làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Lạng.
Ghi nhận những công lao to lớn với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Đảng, Nhà nước đã trao tặng đồng chí Bế Chấn Hưng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Độc lập hạng Nhất và Huân chương Hồ Chí Minh vì “đã có công lao to lớn, có nhiều thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc”.